.
Chuyện quản lý:

Nhanh chóng khắc phục "thẻ vàng" thủy sản

.
13:23, Thứ Bảy, 26/05/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Có lẽ, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu và rộng vào “sân chơi” quốc tế, doanh nghiệp, doanh nhân và ngư dân trong cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng vẫn còn rất lạ lẫm với các khái niệm, như: “thẻ xanh”, “thẻ vàng” trong lĩnh vực khai thác thủy sản.

Tuy nhiên, khi Việt Nam tham gia vào các tổ chức kinh tế cũng như ký các hiệp định thương mại với các nước và khu vực trên thế giới, việc tuân thủ pháp luật quốc tế là một yêu cầu rất bức thiết.

Do vậy, để ngăn chặn, phòng ngừa và loại bỏ hoàn toàn những hành vi đánh bắt thủy sản bất hợp pháp, ngày 23-10-2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã rút “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào khu vực này, đồng thời đưa ra 9 khuyến nghị yêu cầu phải khắc phục trong thời gian 6 tháng.

Tàu đánh bắt thủy sản của ngư dân.
Tàu đánh bắt thủy sản của ngư dân.

Thực tế cho thấy, không phải đến nay thị trường khó tính bậc nhất này mới có động thái nói trên mà từ năm 2008, EC đã ban hành Quy định 1005/2008 về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU). Theo quy định này, các quốc gia xuất khẩu sản phẩm khai thác vào thị trường châu Âu phải tuân thủ các quy định về khai thác IUU.

Theo số liệu thống kê, hàng năm, nguồn thủy sản của nước ta xuất khẩu vào thị trường châu Âu chiếm tỷ trọng khá lớn, riêng kim ngạch năm 2017 khoảng 1,5 tỷ USD. Đồng nghĩa với con số này là hàng trăm doanh nhiệp lớn nhỏ thường xuyên duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, hàng chục ngàn người có việc làm và thu nhập ổn định, ngư dân an tâm vươn khơi bám biển giữ chủ quyền và nhất là vị thế của đất nước trên trường quốc tế…

Chính vì vậy, sau khi EC rút “thẻ vàng” đối với thủy sản thì ngoài các văn bản chỉ đạo khẩn cấp, ngày 13-12-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 45/CT-TTg gửi các bộ, ngành và tỉnh, thành phố ven biển nhanh chóng thực hiện đồng loạt một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Quảng Bình có lợi thế gần 120km bờ biển, cùng đội tàu đánh bắt hùng hậu, trong đó có những tàu công suất lớn đủ sức vươn tới ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Với tổng sản lượng hàng năm đạt trên 70 ngàn tấn, thủy sản chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu nền kinh tế, đồng thời là một trong những thế mạnh của tỉnh bên cạnh lĩnh vực du lịch.

Do vậy, khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh và các đơn vị liên quan đã triển khai đồng bộ các giải pháp, như: kiểm tra tổng thể về khai thác thủy sản trên biển; ngăn chặn tình trạng khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài; lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình; thực hiện các biện pháp bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản…

Được biết, từ ngày 15 đến 25-5, đoàn công tác của EC sẽ bắt đầu tiến hành kiểm tra động thái khắc phục “thẻ vàng” trong lĩnh vực thủy sản của Việt Nam. Dù hình thức kiểm tra ngẫu nhiên, nhưng chúng ta tin tưởng rằng, với những biện pháp được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, EC sẽ sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” để lĩnh vực khai thác thủy sản có bước phát triển bền vững hơn.

Minh Văn

 


 

,