.

Đưa vào hoạt động Trung tâm xét nghiệm miễn phí bệnh tôm

.
09:13, Thứ Ba, 10/04/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Để kịp thời hỗ trợ người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh về vấn đề chẩn đoán, phòng và trị bệnh trên tôm nuôi, Công ty TNHH thủy sản Toàn Cầu có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm xét nghiệm miễn phí tại xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh từ tháng 1-2018. Hiện tại, đây là cơ sở đầu tiên có chuyên môn trong việc kiểm tra các yếu tố môi trường nước và xét nghiệm một số bệnh cho tôm trên địa bàn tỉnh.

Chị Dương Thị Ngọc Hòa, cán bộ phụ trách Trung tâm xét nghiệm miễn phí Toàn Cầu tại xã Hải Ninh cho biết, hiện tại, Trung tâm đã đáp ứng được nhu cầu kiểm tra môi trường nước, soi tươi mẫu tôm và xét nghiệm được 4 loại bệnh thường gặp trên tôm là bệnh hoại tử gan (Vi-para), hội chứng chết sớm (EMS), bệnh đốm trắng (WSSV) và vi bào tử trùng (EHP). Trung tâm hiện đang thực hiện xét nghiệm miễn phí tất cả các mẫu nước và mẫu tôm cho người nuôi tôm khi đưa mẫu đến xét nghiệm tại đây.

Khi người nuôi tôm đem mẫu nước và mẫu tôm đến, Trung tâm sẽ thực hiện kiểm tra các yếu tố môi trường trong nước, như: kiềm, pH, ammoniac (NH3), NO2 và các kim loại nặng; đồng thời kiểm tra lâm sàng cho tôm, như: đường ruột, gan và các bộ phụ (soi tươi). Tất cả các kết quả này sẽ trả cho khách trong vòng 15-20 phút.

Trung tâm xét nghiệm miễn phí Toàn Cầu giúp người nuôi chủ động phòng và chẩn đoán bệnh cho tôm.
Trung tâm xét nghiệm miễn phí Toàn Cầu giúp người nuôi chủ động phòng và chẩn đoán bệnh cho tôm.

Sau khi kiểm tra ban đầu và kiểm tra lâm sàng, các mẫu tôm sẽ được chuyển đến phòng PCR để tiến hành tách chiết và chạy PCR. Mẫu tôm sau khi thực hiện ở phòng này sẽ được chuyển sang phòng điện di để cho ra kết quả cuối cùng. Nếu có thông số nào không phù hợp, người nuôi tôm sẽ được nhân viên tư vấn cụ thể khi trả kết quả xét nghiệm.

Chị Hòa cũng chia sẻ cách lấy mẫu để bảo đảm kết quả xét nghiệm được chính xác. Cụ thể, đối với mẫu nước, bà con nên lấy ở cách 2/3 độ sâu của ao, nước ở vùng giữa ao, cách bờ khoảng 2,5m; chai đựng mẫu nước phải đầy và đóng kín nắp ngay sau khi thu mẫu và ghi thông tin đầy đủ về thời điểm, vị trí, ao thu mẫu…

Đối với mẫu tôm chạy PCR phải được thu ở 5 điểm khác nhau trong ao (gồm 4 góc ao và giữa ao, hoặc 5 điểm ô nhiễm nhất trong ao), tôm phải còn sống; khi thu mẫu tôm vào trong chai hoặc túi nilon nên chừa khoảng không khí để tôm sống lâu hơn; mẫu tôm phải có ít nhất 5 con/điểm. Tuy nhiên, nếu thấy tôm nuôi hay môi trường ao nuôi có sự thay đổi bất thường thì bà con cần phải thu mẫu và xét nghiệm ngay.

Đem mẫu nước đến Trung tâm để kiểm tra, anh Văn Tùng ở xã Hải Ninh chia sẻ: "Trước đây, tôi nuôi tôm không hề có khái niệm kiểm tra môi trường nước và xét nghiệm mẫu tôm mà chỉ chú ý đến các yếu tố kỹ thuật nuôi, nên nhiều khi “được -mất” theo kiểu nhờ trời.

Từ khi có Trung tâm xét nghiệm miễn phí này, tôi thường xuyên đưa mẫu nước và mẫu tôm đến để kiểm tra về các yếu tố trong môi trường nước và các loại bệnh trên tôm để chủ động phòng tránh. Sau khi kiểm tra mẫu, nhân viên của Trung tâm đã tư vấn rất nhiệt tình, chu đáo nên người nuôi tôm như tôi cũng rất yên tâm".

Chị Hòa cũng chia sẻ, từ khi đi vào hoạt động đến nay, bình quân mỗi ngày, Trung tâm thực hiện xét nghiệm từ 5-7 mẫu nước và mẫu tôm. Khách hàng đa số là người nuôi tôm ở Quảng Ninh, Lệ Thủy, Bố Trạch và TP.Đồng Hới, phần lớn là những hộ nuôi tôm có diện tích lớn. Việc xét nghiệm miễn phí này sẽ thực hiện vô thời hạn, do đó người nuôi tôm yên tâm đem mẫu nước và mẫu tôm đến xét nghiệm.

Việc đưa vào hoạt động Trung tâm xét nghiệm miễn phí sẽ giúp người nuôi tôm tỉnh ta chủ động hơn trong công tác kiểm tra, phòng bệnh và chẩn đoán bệnh một cách nhanh chóng, hiệu quả, từ đó góp phần tăng hiệu quả kinh tế của con tôm.

Ngọc Lan

                                                                                               

 



 

,