.

Đẩy mạnh vai trò kinh tế tập thể trong liên kết sản xuất

.
09:36, Thứ Hai, 16/04/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Những năm vừa qua, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Quảng Bình đã có những đóng góp quan trọng trong quá trình chuyển đổi, thành lập mới và nâng cao chất lượng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn toàn tỉnh. Đặc biệt, vai trò liên kết sản xuất của các đơn vị kinh tế tập thể ngày càng được tăng cường đẩy mạnh, khẳng định hiệu quả.

Đến nay, Quảng Bình có 274 HTX thu hút gần 120 nghìn thành viên và trên 4.000 lao động tham gia với tổng nguồn vốn hoạt động lên trên 3.000 tỷ đồng; 735 tổ hợp tác với hơn 11 nghìn thành viên và trên 22 nghìn lao động.

Nhìn chung, các HTX, tổ hợp tác đã chủ động liên doanh, liên kết để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Thông qua đó, các HTX đã hình thành chuỗi giá trị sản xuất theo hướng hàng hóa, góp phần tạo thêm nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho thành viên và người lao động.

Ông Nguyễn Đình Thuyến, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, chia sẻ, trên thực tế, bản thân mỗi người nông dân riêng lẻ rất khó để kết nối, nhất là trong phối hợp với các doanh nghiệp để liên kết sản xuất. Việc phát huy vai trò của kinh tế tập thể (KTTT) sẽ tập hợp những hộ nông dân, chủ trang trại, cơ sở sản xuất nhỏ tự nguyện cùng nhau tổ chức sản xuất, tổ chức quản lý dân chủ, vì lợi ích của các thành viên, phát triển cộng đồng.

HTX SXKD DVNN Mỹ Lộc Thượng, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy tích cực xây dựng thương hiệu “Gạo sạch Lệ Thủy”
HTX SXKD DVNN Mỹ Lộc Thượng, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy tích cực xây dựng thương hiệu “Gạo sạch Lệ Thủy”

HTX, tổ hợp tác phát triển, góp phần tập trung đất sản xuất quy mô lớn, kiểm soát được quy trình bảo đảm sản phẩm sản xuất ra đồng đều, đủ số lượng, vệ sinh an toàn, phù hợp với yêu cầu của thị trường, góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống tinh thần của người dân nông thôn.

Với yêu cầu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, HTX SXKD DVNN Mỹ Lộc Thượng, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy chú trọng xây dựng thương hiệu “Gạo sạch Lệ Thủy”. Trong thời gian qua, HTX đã từng bước đầu tư thêm các khâu dịch vụ phục vụ cho các thành viên từ thu mua, chế biến cho đến tiêu thụ nông sản.

Ngoài việc đáp ứng các khâu dịch vụ trong sản xuất, hỗ trợ thành viên mạnh dạn chuyển đổi mô hình theo hướng sản xuất hàng hóa, HTX Mỹ Lộc Thượng cũng đã chủ động liên kết với các công ty phân bón, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn để mở rộng thị trường nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên và thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

Ông Phan Văn Lộc, thành viên HTX  Mỹ Lộc Thượng cho biết, mỗi năm, HTX đã giúp cho hàng trăm thành viên có được việc làm và thu nhập ổn định. Tổng doanh thu khoảng 3 tỷ đồng/năm. Việc liên kết trong dịch vụ sản xuất giúp người nông dân nói chung và các thành viên HTX nói riêng tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, đầu ra và đầu vào sản phẩm được ổn định, thậm chí là mở rộng về quy mô, góp phần thúc đẩy HTX ngày càng phát triển bền vững và  đồng hành chặt chẽ với các thành viên.

Năm 2017, với việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi, các mô hình HTX, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh đã liên kết những người sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ để hợp sức, chung vốn tạo điều kiện thuận lợi, tương trợ lẫn nhau để cùng phát triển, qua đó ngày càng khẳng định vai trò to lớn của kinh tế tập thể trong đời sống xã hội.

Nhiều mô hình kinh tế tập thể từ việc vận hành còn yếu kém, chưa có chỗ đứng trên thị trường thì đến nay đã có thể chủ động trong sản xuất, tìm đầu ra và cung ứng sản phẩm, khẳng định thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh, góp phần tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định cho các lao động ở địa phương.

Chị Phan Thị Cẩm Tú, HTX làng nghề bánh mè xát Tân An, xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch, cho biết: "HTX đã trang bị thêm các thiết bị làm bánh hiện đại, có dây chuyền sản xuất chuyên nghiệp hơn, tiết kiệm về thời gian và nhân lực, điều quan trọng là chất lượng sản phẩm không thay đổi nhưng số lượng sản phẩm được nâng lên đáp ứng tốt nhu cầu thị trường hiện nay. Mỗi năm, hàng trăm nghìn chiếc bánh được xuất ra thị trường, thương hiệu bánh mè xát Tân An trở nên quen thuộc với người tiêu dùng, nhờ vậy, đã đem lại nguồn thu nhập hàng tháng không nhỏ cho các thành viên của HTX".

Nhằm khuyến khích, tạo điều kiện để các HTX, tổ hợp tác chủ động vươn lên, trong năm 2017, Liên minh HTX tỉnh cũng đã tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý HTX, trong đó, tập trung bồi dưỡng các kiến thức phát triển HTX, kỹ năng điều hành, quản lý HTX, xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh…

Nhờ đó, kinh tế tập thể mà nồng cốt là HTX đã có bước phát triển, đa dạng về hình thức hợp tác, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng liên kết, tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu, quảng bá thương hiệu và sản phẩm cho các đơn vị thành viên đã được Liên minh HTX tỉnh quan tâm.

Hàng năm, Liên minh HTX tỉnh tổ chức cho các đơn vị thành viên tham gia các hội chợ trong tỉnh và khu vực, đồng thời tổ chức các đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh, tạo cơ hội cho các thành viên tìm kiếm thị trường, ký kết hợp đồng liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp khác ở ngoài tỉnh. Nhiều đơn vị thành viên Liên minh HTX tỉnh đã tạo dựng được thương hiệu sản phẩm và được công nhận hàng hóa bảo đảm chất lượng, tiêu biểu.

Những kết quả đạt được của các HTX, tổ hợp tác trong thời gian qua đã khẳng định vai trò của kinh tế tập thể trong liên kết sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, góp phần chuyển dịch lao động, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn nông thôn. Đây là nền tảng quan trọng nhất, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nông nghiệp và tạo thu nhập bền vững cho nông dân.

Hiền Phương




 

,