.

Sáng tạo đưa sản phẩm Việt tiếp cận du khách

.
08:07, Thứ Hai, 05/03/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Mỗi năm, Quảng Bình đón hàng trăm nghìn lượt người nước ngoài đến du lịch và làm việc. Đây là cơ hội để tỉnh ta giới thiệu  với du khách cũng như bạn bè quốc tế biết đến các sản phẩm độc đáo đầy bản sắc dân tộc của địa phương. Đặc biệt, người dân đã sáng tạo lồng ghép các sản phẩm truyền thống của người Việt với dịch vụ kinh doanh của chính mình. Sự kết hợp này đã đưa đến những thành công trong kinh doanh.

Quán Tree Hugger cafe ở 30 Nguyễn Du, thành phố Đồng Hới là một địa điểm thu hút rất nhiều du khách, ngoại tỉnh và người nước ngoài. Bởi đến với Tree Hugger, thực khách sẽ cảm nhận một không gian gần gũi và ấm cúng. Những đồ vật được bày trí nơi đây đều mang một nét độc đáo rất riêng, đặc biệt là đầy sắc màu văn hóa của người Việt.

Chủ quán cà phê Tree Hugger là anh Bùi Quang Thịnh, một thành viên của Hợp phần GIZ đang hoạt động tại Quảng Bình. Nhóm GIZ chuyên nghiên cứu, tạo ra các mô hình sinh kế cho vùng đệm Phong Nha, nhằm tạo việc làm cho bà con, qua đó giảm áp lực khi sống dựa vào rừng. Trong số các mô hình sinh kế anh Thịnh tham gia, có mô hình mây tre đan hỗ trợ cho đồng bào các dân tộc thiểu số.

Trong quá trình tham gia hỗ trợ người dân, anh Thịnh nhận thấy các sản phẩm đồng bào làm ra rất đẹp và kỳ công nên muốn giới thiệu đến mọi người khắp nơi về sản phẩm này cũng như văn hóatruyền thốngcủa đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các sản phẩm đó.

Gian hàng mỹ nghệ truyền thống tại Tree Hugger Coffee tạo cơ hội cho sản phẩm Việt tiếp cận gần hơn với du khách.
Gian hàng mỹ nghệ truyền thống tại Tree Hugger Coffee tạo cơ hội cho sản phẩm Việt tiếp cận gần hơn với du khách.

Chính vì lý do đó, anh Thịnh đã mở một quán cà phê nhỏ có kiến trúc đơn giản, nhưng tinh tế. Bất kỳ ai đến với Tree Hugger cũng dễ dàng nhận thấy quán là cả một “thế giới” đan lát tuyệt đẹp với những chiếc gùi, giỏ, bình đựng vật dụng trong nhà do đồng bào Khùa,Vân Kiều trong tỉnh làm ra. Các sản phẩm mỹ nghệ nơi đây chủ yếu là vật liệu thân thiện với môi trường, như tre, gỗ, đồ gốm, cây cỏ, vải dệt truyền thống...

Ngoài ra, còn có những chiếc áo, khăn, giày dép, túi thổ cẩm nhỏ xinh của người dân tộc Mông, Thái hay túi vải cotton nhiều kích cỡ được các thành viên của quán dùng đựng đồ mỗi khi đi chợ, mua sắm, nhằm hạn chế việc sử dụng túi ni lông. Giá bán các sản phẩm cũng giao động từ 35.000 đồng đến 900.000 đồng. Cách bán hàng và giới thiệu sản phẩm Việt của anh Bùi Quang Thịnh khá thú vị và độc đáo, thu hút được rất nhiều khách trong nước và ngoài nước lựa chọn.

Em Nguyễn Lệ Mỹ, ở xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch chia sẻ, nhà em có một khách sạn nho nhỏ. Hồi những năm em học cấp 3, du khách khi đến đây nghỉ ngơi, ngoài việc hỏi về các điểm du lịch, cũng quan tâm rất nhiều đến ẩm thực và “đặc sản” lưu niệm. Thật khó để tìm đặc sản lưu niệm tại Quảng Bình cho khách nước ngoài mua về làm quà cho bạn bè.

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, bố mẹ cho em đi du học ở Nhật. Một phần vì muốn có một khoản kinh tế để chủ động trong chi tiêu, một phần cũng do đam mê kinh doanh, em đã tìm hiểu ở một số nơi và tìm đặt một số mặt hàng gốm cao cấp (Poly) là hình ảnh của 54 cô gái đại diện cho 54 dân tộc Việt Nam với size cao 5cm.

Em đã cầm những món hàng này qua cho, tặng... thậm chí bán nếu có người cần tại Nhật. Và kết quả thật bất ngờ khi nhiều người đã rất thích và em mạnh dạn thiết kế mở rộng thêm nhiều sản phẩm khác, như: tranh gốm dân gian đông hồ size 20x20cm, tranh gốm về thắng cảnh Quảng Bình, tranh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tranh về Phong Nha-Kẻ Bàng...

Sản phẩm có giá bán giao động từ 50.000—300.000/sản phẩm, rất dễ mua, dễ vận chuyển, dễ làm quà và dễ trang trí nội thất. Mặc dù lượng hàng bán ra chưa nhiều vì những mẫu này thao tác làm thủ công nên mất khá nhiều thời gian, nhưng lượng khách đến với sản phẩm gốm Việt không hề ít, đặc biệt với những người con xa quê.

Hay chị Nguyễn Thị Thúy, gốc người Bắc Lý (Đồng Hới) nhưng lấy chồng người Buôn Mê Thuột. Gia đình Thúy có một trang trại trồng cafe khá lớn. Trước đây, trang trại chỉ trồng và nhập cho thương lái. Những sau này, Thúy đã có những chiến lược mới trong quảng bá sản phẩm. Thúy mở quán cà phê với tên gọi “Khúc thụy du” tại Quảng Bình (quê ngoại Thúy), vừa tăng doanh thu kinh doanh, vừa là địa điểm để quảng bá, giới thiệu sản phẩm với du khách.

Ông Miles Fah (Canada) sang Việt Nam làm việc được 1 năm, ông cho biết: “Tôi nghiền cà phê đến mức mua cà phê Trung Nguyên và Đắk Mê mang về uống hàng ngày. Tôi đi nhiều nơi và thưởng thức rất nhiều vị cà phê nhưng khi thưởng thức cà phê Việt, tôi nhận ra đây mới là cà phê dành cho mình. Tôi thích vị đắng, độ đậm, mùi thơm của cà phê Việt”.

Mặc dù đến với kinh doanh bằng nhiều con đường khác nhau, nhưng nhiều bạn trẻ Quảng Bình đã rất thành công khi tìm được những hướng đi đúng, thiết thực và rất cần đối với mảnh đất đấy tiềm năng du lịch như Quảng Bình. Các sản phẩm Việt được các bạn doanh nhân trẻ "biến tấu" bằng nhiều phương thức kinh doanh năng động, chính vì thế nhanh chóng được nhiều khách nước ngoài yêu thích và sử dụng.

Hy vọng trong thời gian tới các sản phẩm Việt tại Quảng Bình sẽ tiếp tục được mở rộng, đổi mới để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường; góp phần đưa sản phẩm Việt gần hơn và hữu ích hơn với người tiêu dùng.

Hiền Phương



 

,