.

Quảng Ninh: Đưa chăn nuôi thành mũi nhọn phát triển kinh tế

.
09:21, Thứ Bảy, 31/03/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Để phát triển kinh tế bền vững, cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Quảng Ninh đã có nhiều chính sách khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân.

Ông Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết: "Là một huyện có kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, Quảng Ninh xác định phát triển chăn nuôi là một khâu đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, huyện tập trung chỉ đạo các phòng, ban chức năng và các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân về hiệu quả kinh tế trong phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, nhân rộng các mô hình, gia đình tiêu biểu trong phát triển chăn nuôi.

Huyện có cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển, nhất là hỗ trợ về vốn vay, kỹ thuật chăn nuôi cho người dân; khuyến khích bà con mở rộng quy mô đàn, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả đất đai và tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân tại địa phương".

Lãnh đạo huyện Quảng Ninh thăm, động viên các mô hình chăn nuôi trang trại trên địa bàn.
Lãnh đạo huyện Quảng Ninh thăm, động viên các mô hình chăn nuôi trang trại trên địa bàn.

Theo số liệu tổng hợp của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, hiện tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện có 357.881 con; trong đó 10.239 con trâu, bò, 27.642 con lợn và 320.000 con gia cầm. Năm 2017, giá trị thu nhập từ chăn nuôi trên địa bàn huyện đạt trên 100 tỷ đồng.

Toàn huyện có 24 trang trại (19 trang trại chăn nuôi, 5 trang trại tổng hợp) và trên 300 gia trại có hiệu quả kinh tế khá. Hầu hết các trang trại, gia trại trên địa bàn đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ và tiến bộ KHKT vào chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, các trang trại chăn nuôi, tổng hợp sản xuất, kinh doanh có thu nhập bình quân 250 triệu đồng/trang trại.

Ông Nguyễn Xuân Kỷ, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Thời gian qua, người chăn nuôi trên địa bàn huyện Quảng Ninh luôn đối mặt với nguy cơ dịch bệnh, giá cả thị trường bấp bênh, giá thức ăn, con giống không ổn định và cũng có nhiều hộ lâm vào cảnh lỗ vốn, nợ nần...

Tuy nhiên, trong khi các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ giảm về số lượng thì nghề chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại vẫn phát triển khá. Cùng với chính sách khuyến khích của huyện, người chăn nuôi đã chịu khó tìm kiếm đầu ra, tận dụng lợi thế từ địa hình, diện tích đất đai, nguồn thức ăn sẵn có tại hộ gia đình, địa phương để giảm chi phí đầu tư...

Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2018, giá lợn tăng, giá gia cầm ổn định, người chăn nuôi phấn khởi bởi có thể thu hồi vốn và có lãi nhanh. Nhiều hộ, trang trại chăn nuôi tiếp tục phát triển đàn. Điển hình như các xã: Vạn Ninh, Trường Xuân, Vĩnh Ninh... đã phát triển mạnh chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại, góp phần đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu ngành chăn nuôi.

Từ quy mô 25 lợn nái, 300 lợn thịt, 20.000 con gà vào đầu năm 2008, đến nay, trang trại của hộ anh Nguyễn Văn Tam (xã Hải Ninh) tăng lên gần 50 lợn nái, 600 lợn thịt, 30.000 con gà thịt, 1.000 con vịt đẻ trứng và 300 cặp bồ câu bố mẹ...

Anh Tam cho biết, với việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ, đưa công nghệ mới vào sản xuất, năng động nắm bắt thị trường, tận dụng các cơ hội để đẩy mạnh sản xuất, nên tổng doanh thu bình quân của trang trại gia đình anh đạt trên 2,7 tỷ đồng/năm, thu nhập năm sau cao hơn năm trước.

Đáng nói hơn, trang trại anh Tam giải quyết việc làm ổn định cho 10 lao động với thu nhập bình quân 4,5-5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, trang trại của gia đình anh còn tạo điều kiện hỗ trợ về con giống, thức ăn cho các hộ chăn nuôi, hộ nghèo trong xã và các địa bàn lân cận. Anh còn hướng dẫn cách làm ăn, truyền đạt kinh nghiệm cho các hộ khó khăn giúp họ vươn lên trong sản xuất, thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Tận dụng lợi thế có địa hình đất đai khá thuận lợi, anh Ngô Hải Trường (xã Vạn Ninh) đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng kín nuôi lợn nái trên 1 tỷ đồng và hệ thống chuồng nuôi lợn thịt hơn 200 triệu đồng. Hiện trang trại anh Trường nuôi gần 100 con lợn nái và trên 200 lợn thịt, lợn rừng và một đàn bò. Bình quân mỗi năm, trang trại của anh Ngô Hải Trường đạt doanh thu khoảng 1,3 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí cho lãi ròng từ gần 300 triệu đồng/năm.

Anh Trường chia sẻ, để bảo đảm an toàn cho trang trại, anh đã áp dụng các tiến bộ KHKT trong xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học, tiêm vắc-xin định kỳ 2 lần/năm cho đàn gia súc, gia cầm. Nhờ đó, qua vài năm đầu tư, trang trại nuôi gà, lợn của gia đình anh phát triển tốt, số lượng xuất bán ổn định và có chiều hướng tăng.

“Mục tiêu của huyện Quảng Ninh là đưa chăn nuôi trở thành ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của địa phương. Theo đó, giải pháp mà huyện đưa ra là sẽ phát triển ngành chăn nuôi theo hướng an toàn gắn với tiêu thụ sản phẩm, tập trung phát triển cả về số lượng và chất lượng đàn gia súc, gia cầm một cách bền vững.

Theo đó, huyện khuyến khích bà con ứng dụng KHKT vào sản xuất, xây dựng các mô hình chăn nuôi tiên tiến, an toàn sinh học, như: nuôi lợn, gà trên đệm lót sinh học...; đồng thời chuyển đổi phương thức chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ trong khu dân cư sang chăn nuôi trang trại tập trung, công nghiệp, tách khỏi khu dân cư nhằm bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, huyện sẽ khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào địa phương để phát triển chăn nuôi theo hướng liên kết, góp phần tạo việc làm cho người dân, bảo đảm ổn định đầu ra cho sản phẩm”, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Nguyễn Ngọc Thụ cho biết thêm.

Hương Trà



 

,