.

Các xã biển Lệ Thủy: Đột phá với các mô hình sản xuất mới

.
15:20, Chủ Nhật, 04/03/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Những năm qua, người dân các địa phương ven biển bãi ngang huyện Lệ Thủy đã mạnh dạn đầu tư nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Ngoài việc khai thác hải sản, nhiều hộ gia đình bãi ngang Lệ Thủy đã mạnh dạn đầu tư hàng hàng trăm triệu đồng để đào ao nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Gia đình anh Trần Đức Ngọ, chị Nguyễn Thị Bình ở thôn Liêm Bắc, xã Ngư Thủy Nam, huyện Lệ Thủy đã có 9 ao nuôi lót bạt với tổng diện tích mặt nước 2.000m2. Đầu năm 2017, anh chị tiếp tục đầu tư 70 triệu đồng để đào thêm 300m2 ao nuôi tự nhiên và thả 10 vạn con cá lóc giống.

Theo anh Trần Đức Ngọ, cá lóc chỉ sau 4 tháng là cho thu hoạch, nhưng phải chú trọng các khâu phòng bệnh và thay nước ao nuôi thường xuyên để cá chóng lớn. Mỗi năm, gia đình anh nuôi 2 lứa, xuất bán trên 14 tấn cá, thu lãi hơn 300 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Sản phẩm cá sau thu hoạch được anh chị vận chuyển tiêu thụ ở các tỉnh lân cận.

Mô hình nuôi chim cút mang lại hiệu quả kinh tế cao của gia đình anh Nguyễn Quang Ngọc (Ngư Thủy Trung, Lệ Thủy)
Mô hình nuôi chim cút mang lại hiệu quả kinh tế cao của gia đình anh Nguyễn Quang Ngọc (Ngư Thủy Trung, Lệ Thủy)

Ngoài gia đình anh Trần Đức Ngọ, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Ngư Thủy Nam cũng mạnh dạn đưa vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, như: gia đình chị Nguyễn Thị Huy ở thôn Liêm Tiến đã tư gần 80 triệu đồng để xây dựng mô hình chăn nuôi lợn bản trên đất cát với diện tích hơn 200m2. Từ  đầu tư cơ bản, mô hình nuôi lợn bản của chị đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.

Chị Huy cho biết “Nuôi lợn bản không khó, chủ yếu chăn thả với nguồn thức ăn hoàn toàn từ rau cỏ (bèo) tự nhiên, cám gạo, khoai, sắn và bột ghẹ biển khô, không sử dụng thức ăn công nghiệp và bột tăng trọng. Bên cạnh đó, phải tích cực vệ sinh, tạo chỗ tắm nắng, ăn, ngủ và lót ổ đẻ cho lợn, định kỳ  tiến hành khử trùng chuồng trại, thực hiện tiêm các loại vắc xin cho đàn lợn, như: tụ huyết trùng, lở mồm long móng, dịch tả....”

Là một thanh niên trẻ yêu thích trồng trọt, anh Dương Trí Quang ở xã Ngư Thủy Bắc đã quyết tâm xây dựng mô hình rau củ sạch công nghệ cao trên đất cát. Đây là ý tưởng vô cùng táo bạo nhưng nay đã thành hiện thực. Sau gần 2 năm bắt tay vào thực hiện, đến nay, anh Quang đã xây dựng thương hiệu “QUANG ORGANIC FARM” cung cấp rau củ sạch cho nhiều cửa hàng trong và ngoài huyện. Tuy nhiên, theo anh Quang  chia sẻ, mô hình rất cần sự quan tâm hơn nữa của chính quyền địa phương trong việc tạo điều kiện về đất đai, vốn vay cho người dân phát triển kinh tế.

Những mô hình trên đều mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất thông thường, tạo tiền đề vững chắc để góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Từ việc thực hiện các mô hình, người dân đã bước đầu thay đổi thói quen trồng trọt, chăn nuôi, mạnh dạn đưa những cây, con có giá trị kinh tế vào sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư xây dựng chuồng trại, cơ sở chế biến thủy hải sản hiện đại.

Để các mô hình đạt hiệu quả kinh tế, tạo thu nhập cho người dân, thời gian tới, chính quyền các cấp cần thường xuyên theo dõi, bám sát các mô hình để kịp thời giúp đỡ người dân. Về lâu dài, cần nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, gắn với định hướng phát triển kinh tế của địa phương.

Vân Anh
(Đài TT-TH Lệ Thủy)





 

,