.

Bình minh Hải Ninh

.
06:41, Chủ Nhật, 18/03/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Người dân Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) bao đời nay gắn bó với biển với nhiều nghề truyền thống đặc trưng. Vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, Hải Ninh đang bước vào một năm mới với niềm tin và hy vọng vào tương lai.

Ông Trương Văn Bình, thôn Xuân Hải, xã Hải Ninh, cho biết, nhờ sự hỗ trợ rất lớn từ chính quyền các cấp, việc chi trả cho bà con sau sự cố môi trường biển được tiến hành nhanh chóng, kịp thời. Vì vậy mà đời sống của ngư dân sớm ổn định và tiếp tục có hướng đi mới gắn bó với biển.Cụ thể, sau khi nhận tiền bồi thường thiệt hại, nhiều ngư dân trên địa bàn xã đã đầu tư nâng cấp các loại phương tiện tàu, thuyền để vươn khơi.

Toàn xã Hải Ninh hiện có 827 tàu thuyền đang hoạt động. trong đó có 11 tàu có công suất từ 33CV trở lên. Năm 2017, tình hình đánh bắt, khai thác thủy, hải sản có nhiều chuyển biến với tổng sản lượng khai thác đạt gần 1.700 tấn, đạt 99% so với kế hoạch.

Hiện nay, xã Hải Ninh đang dần khẳng định thương hiệu qua các sản phẩm nước mắm, ruốc trên thị trường trong và ngoài tỉnh mặc dù các sản phẩm thủy, hải sản trở lại với thị trường sau sự cố môi trường biển gặp không ít khó khăn. Vào thời điểm khi sự cố môi trường biển xảy ra, gần 200 hộ sản xuất nước mắm, ruốc ở Hải Ninh rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.

Cá cơm khô của xã Hải Ninh được rất nhiều khách hàng tin dùng và lựa chọn.
Cá cơm khô của xã Hải Ninh được rất nhiều khách hàng tin dùng và lựa chọn.

Ngoài những mẻ nước mắm được chưng cất trước thời điểm sự cố môi trường biển, hầu hết các hộ sản xuất của Hải Ninh đều không dám thu mua thêm cá về làm mẻ mới. Nhiều hộ gia đình điêu đứng, buộc phải theo nghề khác để mưu sinh. Tuy nhiên, ngay khi có công bố chính thức biển đã an toàn, sau nhiều nỗ lực của chính quyền và người dân, nghề chế biến thủy sản của Hải Ninh đã được vực dậy và đang dần ổn định trở lại.

Bà Nguyễn Thị Duế, Chủ nhiệm HTX mua bán và chế biến thủy sản Xuân Hồng, xã Hải Ninh, tâm sự: "Tôi đã từng nghĩ HTX sẽ giải thể sau khi biển gặp sự cố, nhưng cùng với thời gian và nỗ lực của Đảng, Nhà nước và nhân dân, ngư dân chúng tôi đã quay lại với biển. Các sản phẩm chế biến từ thủy hải sản của chúng tôi tiếp tục được khách hàng tin dùng. Có ngày chúng tôi phải nhập hàng chục tấn hải sản để phục vụ cho công việc chế biến. Đây là những tín hiệu vui, tạo động lực rất lớn cho ngư dân vươn khơi, bám biển và bảo vệ Tổ quốc".

Có thể nói, sau sự cố ô nhiễm môi trường biển, nhìn chung, ngư dân Hải Ninh vẫn quyết tâm bám biển. Tuy nhiên, với ngư dân đánh bắt gần bờ, cuộc sống vẫn thực sự khó khăn. Vì vậy, việc chuyển đổi sinh kế cho người dân đã được cấp ủy, chính quyền quan tâm bằng việc hỗ trợ, khuyến khích thực hiện các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện cụ thể ở địa phương và trình độ người dân.

Bên cạnh đầu tư nâng cấp tàu cá hoặc cho con em đi xuất khẩu lao động, bà con đã chủ động chuyển đổi ngành nghề. Từ đó, trên địa bàn xã đã hình thành nhiều mô hình chăn nuôi và trồng trọt hiệu quả, thậm chí có mô hình đạt mức thu nhập từ 50-100 triệu đồng/năm.

Bên cạnh nỗ lực khôi phục sản xuất, xã Hải Ninh cũng đã tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư các công trình phúc lợi xã hội, công trình phục vụ sản xuất của người dân. Năm 2017, Hải Ninh đã rải cấp phối đường lối xóm 25 tuyến với kinh phí 320 triệu đồng. 4/5 thôn đã tiến hành sửa chữa nhà văn hóa với tổng kinh phí 193 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 103 triệu đồng. Xã hoàn thành bê tông hóa đường giao thông nông thôn trên địa bàn 5 thôn với tổng chiều dài gần 1,3 km, kinh phí trên 1 tỷ đồng, trong đó ngân sách xã 750 triệu đồng, người dân đóng góp 321 triệu đồng, góp phần hoàn thành 11/19 tiêu chí của chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.

Ông Phan Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Ninh, cho biết, với lợi thế về biển, xã Hải Ninh tiếp tục có những chiến lược mới để phát huy tiềm năng; đẩy mạnh, mở rộng và đa dạng hóa các sản phẩm liên quan đến vùng miền, trong đó có đặc sản khoai deo.

Bây giờ, làng biển cũng đã thực sự hồi sinh sau bao thăng trầm tưởng chừng không vượt qua được. Và niềm vui cũng đã trở lại trên những gương mặt lam lũ của người dân làng biển, nhất là sau những chuyến biển bội thu vào thời điểm đầu năm. Một năm mới lại đến, gác lại những bộn bề của năm cũ, ngư dân Hải Ninh đón “bình minh” với bao kỳ vọng đủ đầy và tươi sáng.

Hiền Phương





 

,