.

Bên kia cầu Nhật Lệ...

.
10:04, Chủ Nhật, 18/02/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong gió biển mơn man và cái nắng dè dặt đầu xuân đang dát bạc lên dòng Nhật Lệ, tôi nhớ tới mấy câu thơ mở đầu bài thơ “Lửa đèn” của nhà thơ Phạm Tiến Duật: Anh cùng em sang bên kia cầu/ Nơi có những miền quê yên ả… Còn lúc này, xuân mới đang đưa dòng người sang cầu Nhật Lệ 2. Bên kia cầu là cả một thế giới mới lạ, hấp dẫn đang hiện hữu và hứa hẹn bao điều bất ngờ của ngày mai…

Đứng trên cầu nhìn về phía cửa sông, tôi chợt nhớ lại mùa hè năm 1977. Lúc ấy, tôi cùng đứa bạn trong xóm đi chở than đá cho HTX ở quê. Bãi tập kết than đá ngay bên tháp Tam Tòa đổ nát sau chiến tranh ở thị xã Đồng Hới. Từ Lệ Thủy theo dòng Kiến Giang về đến đây thì đã xế chiều, hai đứa đẩy đò lên bờ rồi dạo chơi thị xã. Một hồi sau, quay lại bến than thì không thấy đò đâu. Hoảng quá, nhưng cũng đoán được đò bị gió thổi dạt sang phía bờ Bảo Ninh.

 Cầu Nhật Lệ 2 tỏa sáng trên dòng sông.
Cầu Nhật Lệ 2 tỏa sáng trên dòng sông.

Không có cách nào khác, hai đứa nhảy ào xuống sông, bơi qua bên kia bờ tìm đò giữa đêm tối. Có lẽ vượt cả một khoảng sông rộng non cây số với chúng tôi là không quá khó, dù giữa đêm tối. Nhưng lúc đến được bờ bên kia, một người cất rớ đèn sau chút bối rối khi nhìn thấy hai đứa bì bõm dưới sông liền nói. “Mấy chú gan hè, trên dòng sông này có nhiều cá lớn lắm, nó đớp một phát là mệt đấy", chúng tôi mới giật mình... Mới đó mà đã 40 năm.

Và xa hơn trong ký ức, trên đoạn sông này, năm xưa Mẹ Suốt anh hùng chèo đò chở bộ đội qua sông đánh trả máy bay Mỹ giữa bom đạn ngút trời. Lúc đó mẹ có nghĩ đến một cây cầu vượt qua dòng sông khi kết thúc chiến tranh?

Nhớ lại những năm sau chia tỉnh, phải đi dạy học bên Bảo Ninh là nỗi ám ảnh của giáo viên ở thị xã Đồng Hới. Bởi một điều đơn giản, Bảo Ninh đang là vùng biệt lập bên kia dòng Nhật Lệ. Dòng sông dù có đẹp đẽ, nên thơ nhưng nó vẫn là nỗi cách trở với những bước chân con người cụ thể và với những công việc cụ thể.

Nhớ lại, khi cầu Nhật Lệ khởi công, niềm vui khôn tả không chỉ với người dân làng biển Bảo Ninh mà cả thị xã Đồng Hới. Lúc ấy, nhiều người dân Bảo Ninh nô nức tập... đi xe đạp. Có những chuyện như cổ tích của những ngày đầu cầu Nhật Lệ nối đôi bờ.

Gần hai thập kỷ hiện hữu, cầu Nhật Lệ không chỉ làm tròn trọng trách nối đôi bờ như bao chiếc cầu khác, nó còn làm được điều lớn lao hơn, đánh thức một vùng đất đầy tiềm năng mà lâu nay đang gối đầu lên sóng biển với giấc ngủ bình yên. Bảo Ninh đã chuyển mình, vươn dậy. Không chỉ có những cơ sở hạ tầng được xây dựng mà nhiều ý tưởng lớn lao hơn, định dạng mới cho Bảo Ninh và cả thành phố Đồng Hới trong tương lai đã hình thành.

Đó là  phát triển vùng cát Bảo Ninh thành đô thị đa chức năng, trong đó nhấn mạnh đến chức năng du lịch, giải trí và nghỉ dưỡng. Trong tương lai gần, đô thị Bảo Ninh sẽ là hạt nhân, là động lực trong phát triển du lịch không chỉ riêng Đồng Hới mà của cả tỉnh. Đó là điều dễ hiểu. Chúng ta đã có Phong Nha-Kẻ Bàng, di sản thiên nhiên thế giới, trong đó chứa đựng bao nhiều điều kỳ vĩ mà mọi người trên trái đất từ Á đến Âu phải ao ước được đặt chân đến, được ngắm nhìn.

Có một Sơn Đoòng như mộng mị du khách và bao nhiêu điểm du lịch nổi tiếng khác trong tỉnh. Những điều đó đang đặt ra, chúng ta cần có những trung tâm du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng tương xứng. Mà điểm lựa chọn lý tưởng nhất là Bảo Ninh. Đây là cầu nối giữa những điểm du lịch trong tỉnh, là “hậu cần” cho du lịch tỉnh nhà.

Và chính Bảo Ninh cũng là điểm cuốn hút du khách bởi biển xanh, cát trắng, đầy nắng và gió... Nhưng để những ý tưởng đó hiện hữu, cần có đầu tư lớn về hạ tầng, trong đó việc xây dựng một cây cầu thứ hai vượt sông Nhật Lệ có tầm vóc là một yêu cầu tất yếu.

Nhớ lại khi bắt tay vào xây cầu Nhật Lệ 2, có nhiều ý kiến nói, tỉnh nghèo xây cầu nghìn tỷ, nên chăng?  Lúc này tôi chợt nhớ tới những năm đầu sáu mươi của thế kỷ trước. Khi ấy, chắc chắn việc quyết định khởi công một số công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp quan trọng như công trình đê Hạc Hải,  Rào Nan, rồi công trình Cẩm Ly... cũng sẽ gặp không ít khó khăn, bởi không phải ai cũng nhìn ra cái lợi của công trình phía xa đằng trước.

Trở lại với Nhật Lệ 2, cũng phải nói rằng lãnh đạo tỉnh đã kiên định ý tưởng xây cầu thứ hai qua sông Nhật Lệ đoạn qua thành phố Đồng Hới. Nhưng để có một cây cầu hoành tráng nhưng lại vừa với túi tiền của tỉnh nghèo là không dễ...

Thoáng chốc đã 5 năm kể từ ngày khởi công, Nhật Lệ 2 đã vượt qua bao khó khăn để hoành tráng vươn qua dòng sông. Bao nhiêu điều nhớ lại, như để hội tụ lại một cây cầu với trụ tháp vút cao sẽ phải gánh trọng trách lớn lao với vùng đất này.

Qua cầu, là cả một công trường xây dựng đang rộn rã trước thềm xuân mới. Nhưng cũng đã có khá nhiều công trình thực sự đẹp lộng lẫy bên sóng biển. Biển Bảo Ninh đã thành điểm đến đông đúc của du khách trong và ngoài tỉnh trong những năm qua.

Từ Quảng Ninh hay Bố Trạch đã có thể nhìn thấy trụ cầu Nhật Lệ 2 vươn lên giữa trời xanh. Và đấy cũng là hình ảnh đầu tiên trong mắt du khách khi khẽ chạm vào thành phố du lịch Đồng Hới. Sẽ có tuyến đường nối từ cầu Nhật Lệ 2 lên phía tây cắt qua đường tránh tại phía nam cầu vượt đường Lê Lợi rồi nối với đường Hồ Chí Minh nhánh đông.

Những công trình đang vươn cao trên đất vàng Bảo Ninh.
Những công trình đang vươn cao trên đất vàng Bảo Ninh.

Được biết, công việc triển khai tuyến đường này đã hoàn tất, việc đấu thầu sẽ thực hiện trong nay mai. Chỉ một nét kẻ này là từ bán đảo Bảo Ninh lên phía tây thành phố Đồng Hới ngắn đi rất nhiều và điều quan trọng nữa là không phải băng qua trung tâm thành phố đông đúc... Du khách từ các resort ở Bảo Ninh sẽ có nhiều lựa chọn cho đường đi của mình để đến các trung tâm du lịch trong tỉnh...

Nhưng để Bảo Ninh trở thành trung tâm du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng và phát triển bền vững vẫn còn đó những trăn trở. Bên cạnh điều kiện tự nhiên mà thiên nhiên ban tặng cùng sự đầu tư lớn về hạ tầng thiết yếu cũng chỉ mới là những điều kiện “cần” cho phát triển bền vững. Sẽ phải cần thêm công tác quản lý của các cấp chính quyền, là cơ chế cho đầu tư đủ độ thông thoáng nhưng phải hạn chế khe hở, nói thoáng hơn là khe hở đừng quá lớn, để tránh “hậu họa” khó lường.

Một thực tế mà chúng ta không thể lảng tránh, là vẫn còn đó những dự án đang án binh bất động, những dự án chờ thời... Trong thực tế những năm qua trên địa bàn tỉnh, mời gọi đầu tư, chúng ta đã quá “nhiệt tình” nhưng cũng có lúc chưa đủ độ tinh nhạy để “lọc” được những nhà đầu tư yếu kém. Quả là nhầm lẫn chỉ thoáng chốc nhưng khắc phục nó thì dài lâu.

Bên cạnh đó chúng ta không nên vội lấp kín “đất vàng” trên khu vực này. Cũng nên dành quỹ đất trống thích đáng cho nhiều thập kỷ sau để đón những dự án có tầm vóc lớn hơn phù hợp với giai đoạn phát triển mới. Bên cạnh đó, phải mạnh dạn cắt bỏ những dự án lỡ cấp trước đây, nhưng có thể ảnh hưởng đến môi trường du lịch, không còn phù hợp với quy hoạch phát triển trong tương lai của Bảo Ninh...

Chúng ta đã có một Quảng Bình oai hùng trong những năm tháng chiến tranh giữ nước, nhưng một Quảng Bình giàu mạnh còn ở phía trước. Nhưng niềm tin vào ngày mai đang được những công trình hôm nay nhen lên trong mỗi chúng ta.

Văn Hoàng



 

,