.

"Lộc" tràm chị Vượng

.
09:42, Thứ Ba, 09/01/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Bắt đầu thử nghiệm nấu dầu tràm từ năm 1999, nhưng phải đến những năm gần đây, thương hiệu “Dầu tràm Giáo Vượng” mới được nhiều người biết đến và có mặt ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước, thậm chí còn vươn ra cả nước ngoài.

 

Tinh dầu tràm Giáo Vượng
Tinh dầu tràm Giáo Vượng.

Theo các tài liệu nghiên cứu về đông y và kinh nghiệm chữa bệnh của dân gian, dầu tràm là dược liệu được chiết xuất từ cây tràm gió hay tràm trà, có nhiều nhất ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế.

Chủ yếu được chiết xuất bằng phương pháp thủ công truyền thống. Tinh dầu tràm có chứa nhiều hoạt chất mang tính sát khuẩn cao, mùi thơm dễ chịu, không mang tính nóng, không bỏng rát và đặc biệt là không có tác dụng phụ, dầu tràm được dùng để chống cảm lạnh, tránh gió, ho và long đờm, kháng khuẩn, chống và trị muỗi, xua đuổi kiến... Dầu tràm sử dụng rất tốt cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai.

Sinh năm 1972, chị Nguyễn Thị Vượng, hội viên Hội Phụ nữ xã Thái Thủy (Lệ Thủy) được biết đến là một người phụ nữ đảm đang, tháo vát, luôn nhiệt tình trong mọi hoạt động của hội, đồng thời là tấm gương sáng cho những hội viên khác noi theo trong việc phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng từ nấu dầu tràm nguyên chất.

Chị Vượng sinh ra và lớn lên trên vùng quê nghèo Thái Thủy giữa những cánh rừng tràm bạt ngàn bao phủ, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Các con trong độ tuổi ăn học, chồng lại thường xuyên đau ốm, chị một mình xoay xở và trở thành trụ cột của gia đình.

Chị nghĩ: “Mình đang sống giữa lộc trời, đi trên “vàng xanh”, nếu không biết cách tận hưởng và phát triển, mình sẽ mãi nghèo, lộc sẽ cạn, vàng sẽ hết”. Với bản tính cần cù, chịu khó của người nông dân, chị Vượng quyết không chịu sống trong cảnh nghèo khó, năm 1999, chị quyết định đầu tư mở lò nấu dầu tràm tại nhà với số vốn ít ỏi ban đầu.

Chị chịu khó tìm tòi, học hỏi trên sách báo và các mô hình ở các tỉnh bạn, vừa làm, vừa trau dồi, tích lũy kinh nghiệm. Không phụ những cố gắng đó, lò nấu dầu tràm của gia đình chị luôn hoạt động hết công suất, sản phẩm làm ra ngày càng nhiều, đạt chất lượng cao, được mọi người tin dùng.

Chị nhận thấy nấu dầu tràm cần số vốn đầu tư ít nhưng giá thành sản phẩm bán ra lại rất cao, đây là con đường nhanh nhất và hiệu quả nhất để có thể giúp gia đình thoát nghèo, tạo được việc làm cho lao động tại chỗ. Với sự quan tâm, giúp đỡ của UBND huyện, phòng Công thương, Hội LHPN các cấp, chị mạnh dạn vay vốn của Ngân hàng CSXH huyện và Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển để đầu tư thêm 2 lò nấu với công suất lớn hơn, hiện đại hơn và cho chất lượng dầu cao hơn.

Với lò nấu cũ, chị phải mất đến gần 3 ngày 3 đêm mới thu được gần 1 lít dầu, nhưng với lò mới, chị chỉ cần chưa đầy một ngày đã có được 1,2 lít dầu chất lượng cao. Mỗi lần nấu cần khoảng 5 tạ lá tràm tươi, sau khi được xử lý sạch, cho vào thùng, đổ 1/3 nước, đậy và bịt thật kín để bảo đảm hơi không tràn ra ngoài, sau đó lò nấu khoảng 15 giờ đồng hồ với điều kiện lửa đỏ liên tục thì mới cho ra được 1,2 lít dầu tràm nguyên chất.

Những tháng cao điểm vào mùa hè, khi tràm chính vụ, chị nấu được trên 30 lít dầu, với giá bán 1,5 triệu đồng/lít, trừ chi phí, chị thu lãi hơn 20 triệu đồng. Bình quân, mỗi năm chị thu về trên 200 triệu đồng tiền lãi, nhờ đó đời sống kinh tế gia đình ngày một khá giả, có của ăn của để, lo cho con cái ăn học đầy đủ.

Theo chị: “Nấu dầu tràm không cần bí quyết gì, mà quan trọng nhất là phải xuất phát từ cái tâm. Bởi, dầu tràm dùng để chăm sóc sức khỏe con người, vì vậy ngoài lá tràm ra, người nấu không nên pha chế thêm bất cứ một thứ gì khác, có như vậy dầu mới thực sự có giá trị, mang lại hiệu quả thiết thực”.

Hiện nay, trên thị trường dầu tràm được bán khá phổ biến, do đó, cần phân biệt giữa dầu nguyên chất và dầu pha chế (pha dầu chổi và một số chất bảo quản khác). Dầu tràm nguyên chất có màu trong, xanh, hơi vàng, có thể để lâu 2-3 năm, mới đầu khi mở mùi hơi hắc nhưng để càng lâu càng thơm, xoa không bị nóng, rát (ngay cả với trẻ nhỏ).

Chính vì vậy, sản phẩm dầu tràm của chị đã được chọn tham gia và đạt giải cao tại Hội chợ triển lãm hàng nông sản tại Hà Nội. Thương hiệu “Dầu tràm Giáo Vượng” của chị không chỉ có mặt ở khắp các tỉnh thành trong cả nước mà còn vươn ra nước ngoài. Với những thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh, chị đã được Hội LHPN huyện tặng giấy khen, Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen.

Cùng với việc mở rộng lò nấu dầu tràm, gia đình chị còn kiêm thêm nghề sản xuất hương trầm, qua đó, tạo thêm việc làm thường xuyên cho từ 7 đến 9 lao động nữ tại địa phương với mức thu nhập từ 5,5 triệu đến 6 triệu đồng/tháng. Không chỉ lo làm giàu cho bản thân, chị Nguyễn Thị Vượng còn vận động những hội viên khác cùng nhau xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, chung tay góp sức vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng trên quê hương Thái Thủy.

Tuy nhiên, chị cho biết, việc nấu dầu tràm đang ngày càng mở rộng và phát triển, trong khi đó nguồn nguyên liệu đang bị thu hẹp và gặp nhiều khó khăn. Mong muốn lớn nhất của chị là trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp lãnh đạo trong việc phát triển nguồn nguyên liệu và quảng bá thương hiệu.

Văn Hải
(Ban Tuyên giáo Huyện ủy Lệ Thủy)



 

,