.

Biển vui trở lại!

.
11:11, Chủ Nhật, 07/01/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển năm 2016, đến nay, kinh tế của các địa phương ven biển tỉnh Quảng Bình dần phục hồi và có sự phát triển trở lại. Điều đáng mừng là đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất trên vùng cát không chỉ mang lại nguồn thu để ổn định cuộc sống cho người dân mà còn góp phần giảm bớt áp lực trong việc khai thác hải sản vùng gần bờ.

Đánh bắt xa bờ hiệu quả cao

Sự cố ô nhiễm môi trường biển ảnh hưởng nghiêm trọng đến nghề biển của tỉnh, đặc biệt là các nghề cá gần bờ. Tuy nhiên, đây cũng là dịp để thúc đẩy phát triển các nghề khai thác hải sản xa bờ, bởi lẽ, ngư dân gần bờ chuyển sang làm bạn thuyền tàu xa bờ và mạnh dạn đóng mới tàu chuyển đổi nghề nghiệp.

Ngư dân xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch đóng mới tàu cá xa bờ.
Ngư dân xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch đóng mới tàu cá xa bờ.

Tại các vùng biển bãi ngang đã xuất hiện nhiều tàu cá công suất lớn- chuyện trước nay chưa từng có. Ngư dân Mai Văn Tuấn ở xã bãi ngang Hải Ninh, huyện Quảng Ninh là điển hình trong việc chuyển đổi nghề nghiệp khai thác. Anh hiện có hai tàu cá xa bờ lớn nhất huyện, với tổng trị giá đầu tư hơn 26 tỷ đồng. Năm 2017, doanh thu hai tàu đạt hơn bảy tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động, với thu nhập ổn định từ 7 đến 8 triệu đồng/người/tháng.

Đức Trạch là một trong ba xã có đội tàu đánh bắt xa bờ hùng hậu ở tỉnh Quảng Bình. Sau những thăng trầm của nghề biển và khó khăn do sự cố môi trường, người dân vẫn quyết tâm bám biển, nỗ lực vượt khó, giữ gìn và phát triển nghề biển của cha ông.

Chủ tịch UBND xã Đức Trạch Hồ Đăng Chiến cho biết, toàn xã có hơn 500 tàu cá với tổng công suất gần 165.000 CV, khoảng 2.000 lao động đánh bắt trên biển. Đối với việc chi trả bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển, đến cuối tháng 6, địa phương đã hoàn thành chi trả bồi thường cho ngư dân với số tiền 171 tỷ đồng. Nhiều hộ nhận tiền đã đầu tư nâng cấp tàu cá hoặc chi phí con em đi xuất khẩu lao động.

Hiện hàng chục tàu cá của ngư dân Đức Trạch tham gia khai thác hải sản ở ngư trường Hoàng Sa của Việt Nam, lấy cảng cá Thọ Quang- Đà Nẵng làm nơi dịch vụ hậu cần nghề cá, nhờ vậy doanh thu các chuyến biển tăng đáng kể.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, ngoài số tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 năm 2017, ngư dân tỉnh đóng mới hơn 80 tàu cá công suất từ 500 CV lên để vươn khơi. Nhờ vậy, Quảng Bình hiện là địa phương có đội tàu xa bờ đông đảo nhất nhì ở vùng bắc trung bộ, với gần 1.500 chiếc.

Bây giờ một gia đình có hai, ba tàu cá xa bờ là chuyện bình thường. Tàu to, lưới dài nên ngư dân chuyển mạnh sang khai thác ở vùng biển xa với các nghề, như: lưới vây, vây rút chì, câu khơi, cho hiệu quả cao. Khi biển an toàn trở lại cũng là lúc ngư dân Quảng Bình trúng đậm vụ cá nam 2017.

Nhiều tàu cá ở Quảng Bình trúng 500-700 triệu đồng mỗi chuyến biến, thu nhập mỗi bạn thuyền 15-20 triệu đồng/chuyến. Còn theo Hội Nông dân xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, trong bốn tháng vụ cá nam năm nay, ngư dân thu hơn 100 tỷ đồng nhờ bám biển khai thác xa bờ.

Xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mới

Sau sự cố ô nhiễm môi trường biển, nhìn chung, ngư dân Quảng Bình vẫn bám nghề, bởi biển với họ đã nhiều đời gắn bó máu thịt. Nghề biển tiềm ẩn sự hiểm nguy và gian nan nhưng là nguồn sống và giúp ngư dân làm giàu. Tuy nhiên, với nghề biển gần bờ khi biển bị ô nhiễm, đời sống của một bộ phận ngư dân thực sự khó khăn.

Vì vậy, việc chuyển đổi sinh kế cho người dân đã được cấp ủy, chính quyền quan tâm bằng việc hỗ trợ, khuyến khích thực hiện các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện cụ thể ở địa phương và trình độ người dân.

Gia đình chị Nguyễn Thị Huy ở xã Ngư Thủy Nam, huyện Lệ Thủy sống dựa vào nghề đi biển gần bờ. Tuy nhiên, sau sự cố môi trường biển, việc đi biển bị ngừng trệ nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Sau khi tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật và được Hội Phụ nữ xã hỗ trợ về vốn, chị Nguyễn Thị Huy mạnh dạn thực hiện mô hình chăn nuôi lợn bản trên vùng cát theo hình thức nuôi thả bán hoang dã. Nguồn thức ăn cho lợn chủ yếu từ rau cỏ, cám gạo, khoai, sắn, nên chị tiết kiệm được một khoản chi phí trong quá trình chăn nuôi.

Chị Huy cho biết, sau một năm rưỡi thả nuôi và bán lợn thịt ra thị trường, gia đình thu được gần 180 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Do đất vườn còn rộng, nên chị tiếp tục đầu tư để mở rộng mô hình, thả nuôi thêm lợn bản để bán sang thị trường tỉnh Quảng Trị.

Còn chị Phan Thị Thu ở xã Ngư Thủy Trung thì bỏ nghề chế biến hải sản để chuyển sang nghề nuôi chim cút lấy trứng. Chị cho biết, bình quân mỗi ngày gia đình thu 8.000 quả trứng cút. Với giá bán 500 đồng mỗi quả, một ngày gia đình chị thu được bốn triệu đồng. Mỗi năm sau khi trừ chi phí chị lãi gần 150 triệu đồng.

Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Lê Văn Bảo chia sẻ: “Trước khó khăn do sự cố môi trường biển, cấp ủy, chính quyền đã chỉ đạo các đoàn thể, như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên tuyên truyền, vận động hội viên và đứng ra tín chấp với Ngân hàng chính sách xã hội để cho hội viên vay vốn sản xuất, kinh doanh.

Với các mô hình, như: nuôi lợn bản trên cát của chị Nguyễn Thị Huy, nuôi chim cút lấy trứng của chị Phan Thị Thu..., chúng tôi đánh giá cao cách làm và hiệu quả trong việc chuyển đổi sinh kế. UBND huyện đề nghị các đoàn thể hỗ trợ thêm để nhân rộng mô hình”.     

Cũng với mô hình chăn nuôi, nhưng anh Nguyễn Văn Huệ ở xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch lại chọn nuôi vịt biển Đại Xuyên 15. Sau hơn hai tháng nuôi, 600 con vịt biển Đại Xuyên 15 của gia đình anh đạt trọng lượng bình quân mỗi con gần 2,5 kg, xuất bán khá đắt hàng. Sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình anh lãi gần 10 triệu đồng. Từ thành công bước đầu đó, anh Nguyễn Văn Huệ đang mở rộng mô hình với số lượng hàng nghìn con vịt biển.

Theo đánh giá của Trạm trưởng trạm khuyến nông huyện Quảng Trạch Tưởng Chí Thành, vịt biển Đại Xuyên 15 là giống vịt dễ nuôi, thích ứng với các vùng ven biển, sông ngòi mặn lợ, phù hợp với điều kiện chăm sóc của người dân. Đặc biệt, khả năng chống chịu bệnh của giống vịt này khá tốt, phù hợp với thời tiết khắc nghiệt của Quảng Bình và quan trọng là vịt biển được người tiêu dùng ưa chuộng nên giá bán khá cao.

Ngư dân trúng vụ cá nam năm 2017.
Ngư dân trúng vụ cá nam năm 2017.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Ngân, trong số bốn tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, Quảng Bình bị thiệt hại nặng nhất, nên việc khôi phục sản xuất để ổn định đời sống cho người dân gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của Chính phủ, sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân, đến nay, tỉnh đã thực hiện chi trả bồi thường hơn 2.618 triệu đồng, đạt 99% số tiền được phê duyệt.

Ngoài ra, các chương trình phát triển thủy sản khác như thực hiện Nghị định 67, chính sách hỗ trợ khai thác hải sản vùng biển xa được thực hiện bài bản và đặc biệt giá hải sản tăng trở lại đã giúp ngư dân yên tâm bám biển sản xuất.

Năm 2017, tổng sản lượng khai thác thủy sản đạt hơn 71.000 tấn, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó sản lượng đánh bắt từ biển gần 60.500 tấn cho thấy sản xuất thủy sản của địa phương đã phục hồi và phát triển trở lại. Cùng với hoạt động đánh bắt, lĩnh vực nuôi thủy sản cũng dần phục hồi, nhất là việc nuôi tôm trên cát đã mang lại hiệu quả cho các tập thể, cá nhân đầu tư.

Năm 2018, tỉnh Quảng Bình tranh thủ nguồn hỗ trợ của Chính phủ để đầu tư xây dựng, nâng cấp các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền, các cảng và bến cá phục vụ cho hoạt động khai thác hải sản; đồng thời ưu tiên đóng mới, cải hoán tàu cá tham gia khai thác xa bờ để nâng cao hiệu quả nghề cá, tăng thu nhập cho ngư dân.

Đối với việc chuyển đổi sinh kế, được biết sắp tới, các ngành chức năng và các địa phương sẽ có sự đánh giá, sơ kết, trên cơ sở đó, rút kinh nghiệm để vận động người dân chuyển đổi nghề biển ven bờ một cách lý và mang lại hiệu quả. Đây cũng là giải pháp để góp phần giảm áp lực trong việc khai thác hải sản vùng gần bờ vốn đang ngày bị cạn kiệt hiện nay.

Hoàng Phúc




 

,