.

Truy xuất nguồn gốc điện tử cho sản phẩm tôm nuôi: Niềm tin cho sản phẩm sạch

Chủ Nhật, 03/12/2017, 23:00 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong thời gian vừa qua, để phát triển nghề nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích nông dân nuôi tôm theo quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh đã phối hợp với Công ty cổ phần Thanh Hương xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo VietGAP. Mô hình gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, cung cấp cho thị trường sản phẩm nông nghiệp có truy xuất nguồn gốc điện tử.

Mô hình thực hiện trên 2 ao nuôi tôm có tổng diện tích 6.000m2 với mục tiêu chuyển giao quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng theo VietGAP cho người nuôi, đồng thời bảo đảm sản phẩm tôm nuôi đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và có truy xuất nguồn gốc điện tử.

Sản phẩm nuôi tôm thẻ chân trắng của Công ty cổ phần Thanh Hương đã được bày bán ở siêu thị Co.op mart Quảng Bình.
Sản phẩm nuôi tôm thẻ chân trắng của Công ty cổ phần Thanh Hương đã được bày bán ở siêu thị Co.op mart Quảng Bình.

Kết quả của mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo VietGAP tại Công ty cổ phần Thanh Hương cho thấy, quy trình VietGAP giúp người nuôi tôm kiểm soát tốt được chất lượng nguồn nước, dịch bệnh, hạn chế rủi ro và tiết kiệm được chi phí sản xuất mặc dù điều kiện cơ sở hạ tầng và đầu tư trang thiết bị vùng nuôi tôm phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe.

Vùng nuôi bắt buộc phải có ao chứa, ao lắng, ao xử lý bùn, địa điểm nuôi phải nằm trong vùng quy hoạch. Con giống thả nuôi phải được kiểm dịch, kích cỡ đồng đều, khỏe và sạch bệnh. Mẫu tôm giống đã được xét nghiệm và công nhận chất lượng, mật độ thả 200 con/m2.

Ưu điểm lớn nhất của mô hình là phát triển nghề nuôi tôm một cách bền vững, thân thiện với môi trường nhờ giảm lượng thuốc, hóa chất do sức khỏe tôm tốt, môi trường ổn định hơn; kiểm soát thức ăn tốt, không để dư thừa. Sản phẩm tôm nuôi theo VietGAP bảo đảm đủ các tiêu chí: an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường và an sinh xã hội.

Anh Nguyễn Văn Hùng, cán bộ Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh cho biết, năm 2017, Trung tâm phối hợp với Công ty cổ phần Thanh Hương triển khai mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo VietGAP để tạo ra sản phẩm có thị trường tiêu thụ ổn định, bảo đảm an toàn thực phẩm. Qua đó, sản phẩm tạo niềm tin cho người tiêu dùng thông qua việc quét mã vạch bằng cách ứng dụng điện thoại thông minh truy xuất nguồn gốc trên bao bì sản phẩm. Đây chính là cơ sở để nhân rộng mô hình theo chuỗi liên kết, hướng tới nuôi trồng thủy sản bền vững.

Trong quá trình thực hiện mô hình với những yêu cầu khắt khe của VietGAP, các nhân viên kỹ thuật của Công ty cổ phần Thanh Hương đã hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học, an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc ghi chép đầy đủ các thông tin về chế độ ăn, loại thức ăn, thuốc thú y thuỷ sản dùng trong suốt quá trình nuôi giúp cho sản phẩm tôm thẻ VietGAP Thanh Hương thực hiện được việc cung cấp thông tin truy xuất nguồn gốc, tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh trên thị trường. Tôm thương phẩm được đóng gói có logo của đơn vị sản xuất, được dán tem truy xuất nguồn gốc điện tử trên bao bì.

Tất cả các thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm sẽ được hiển thị khi người tiêu dùng sử dụng một ứng dụng từ chiếc điện thoại thông minh để quét mã vạch trên bao bì sản phẩm. Đây là một giải pháp để Công ty cổ phần Thanh Hương giúp người tiêu dùng có được thông tin minh bạch, đầy đủ nhất, truy xuất nguồn gốc về sản phẩm tôm thẻ chân trắng   VietGAP Thanh Hương từ khâu sản xuất, nguyên liệu, đóng gói cho đến vận chuyển phân phối, đem lại uy tín cho doanh nghiệp sản xuất cũng như bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Hiện tại, tôm thẻ chân trắng VietGAP Thanh Hương đã được bán rộng rãi trên thị trường tại các cửa hàng thực phẩm sạch và đặc biệt là tại các siêu thị lớn, như: siêu thị Co.op mart Quảng Bình, giúp người dân dễ dàng lựa chọn thực phẩm sạch, an toàn.

Truy xuất nguồn gốc điện tử mở ra nhiều cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế cho tôm Quảng Bình.
Truy xuất nguồn gốc điện tử mở ra nhiều cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế cho tôm Quảng Bình.

Tuy nhiên, đối với nghề nuôi tôm ở tỉnh ta, việc áp dụng bộ tiêu chuẩn VietGAP gặp nhiều khó khăn, do nhiều hộ nuôi chưa quen ghi chép sổ sách, hạ tầng vùng nuôi còn yếu kém, diện tích nhỏ lẻ và chưa có sự rạch ròi giữa sản phẩm tôm VietGAP và tôm thông thường, giá bán không cao. Nhiều hộ dân nuôi nhỏ lẻ không muốn áp dụng VietGAP vì cho rằng các tiêu chí còn rườm rà và nhiều tiêu chí cần phải có kinh phí đầu tư.

Trong bối cảnh người nuôi tôm chịu nhiều rủi ro do tôm bị dịch bệnh, thị trường xuất khẩu có tiêu chuẩn ngày càng khắt khe, việc tuân thủ quy trình sản xuất tôm an toàn theo VietGAP là yêu cầu cấp bách đặt ra cho nông dân Quảng Bình hiện nay.

Mô hình nuôi tôm VietGAP với sản phẩm có truy xuất nguồn gốc điện tử do Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh và Công ty cổ phần Thanh Hương thực hiện đã mở ra hướng đi mới cho người nuôi tôm Quảng Bình để nâng cao giá trị con tôm nuôi, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, doanh nghiệp xuất khẩu, ổn định đầu ra sản phẩm và phát triển nghề nuôi tôm bền vững.

Hiền Phương