.
Nông dân Thuận Đức:

Liên kết nuôi lợn rừng theo hướng sinh học

Thứ Ba, 05/12/2017, 08:59 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, giá lợn xuống thấp đã đẩy nhiều hộ chăn nuôi lâm vào cảnh thua lỗ, trắng tay. Để tìm hướng đi mới cho ngành chăn nuôi lợn, Hội Nông dân xã Thuận Đức (TP. Đồng Hới) đã liên kết nhiều hội viên để nuôi lợn rừng theo hướng sinh học.

Trước đây, trên địa bàn xã Thuận Đức có nhiều hộ chăn nuôi lợn theo quy mô hộ gia đình. Đây là cách chăn nuôi đơn giản theo phương thức truyền thống, chủ yếu tranh thủ nguồn thức ăn tự sản xuất, tận dụng thời gian lao động nhàn rỗi nên giá trị kinh tế không cao.

Sau đó, nhiều hộ chuyển qua chăn nuôi lợn công nghiệp theo hướng trang trại với quy mô lên đến hàng ngàn con/lứa. Để làm được việc này, người nông dân phải cần số vốn đầu tư lớn, nhiều lao động, diện tích đất đủ rộng... Nhưng thật oái oăm, từ năm 2016 đến nay, giá lợn rớt thê thảm khiến nhiều hộ lâm vào thua lỗ.

Để tìm hướng đi mới cho nông dân, năm 2016, Hội Nông dân xã Thuận Đức đã xây dựng mô hình liên kết chăn nuôi lợn rừng theo hướng sinh học. Ông Hoàng Ngọc Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận Đức tâm sự: “Sau khi đi thăm các mô hình chăn nuôi lợn rừng theo hướng sinh học tại các địa phương trong cả nước, chúng tôi đã tập hợp nhiều hội viên lại để xây dựng tổ hợp tác (THT) chăn nuôi lợn rừng tại địa phương.

Nuôi lợn rừng theo hướng sinh học ít tốn kém về nguồn thức ăn.
Nuôi lợn rừng theo hướng sinh học ít tốn kém về nguồn thức ăn.

Tham gia THT, các thành viên phải liên kết chặt chẽ với nhau theo chuỗi trong chăn nuôi, tạo sự gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất để tạo được sản phẩm thịt lợn sạch, có chất lượng; đồng thời giúp đỡ hội viên phát triển đàn lợn với quy mô lớn, bảo đảm quy trình”. Lúc đầu mới thành lập, THT có 6 thành viên, bình quân mỗi hộ có tổng đàn từ 30-40 con lợn rừng thịt và 5-7 con lợn nái.

Với tiêu chí là tạo sản phẩm thịt sạch, chất lượng con giống cao để cung cấp cho thị trường nên các thành viên THT đã cùng cam kết về chế độ ăn cho lợn phải đạt quy chuẩn giống nhau, tuyệt đối không sử dụng thức ăn công nghiệp, không sử dụng chất cấm, chất tạo nạc. Trong quá trình nuôi, chủ yếu sử dụng thức ăn thô xanh (90- 95%), như: rau xanh, cỏ, cây chuối, bèo...

Chị Dương Thị Thu, thành viên THT tâm sự: “Nuôi lợn rừng theo hướng sinh học đỡ tốn kém hơn nuôi lợn thông thường trước đây rất nhiều. Bởi thức ăn cho lợn là các phụ phẩm nông nghiệp hoặc các loại thức ăn gia đình tự sản xuất được. Lợn rừng cũng ít mắc các bệnh như lợn nhà, lại chống chọi tốt với điều kiện thời tiết khắc nghiệt”.

Theo chị Thu, xã Thuận Đức có lợi thế về nguồn thức ăn cho lợn rừng dồi dào. Mỗi gia đình chỉ cần vài trăm m2 đất là có thể xây dựng được mô hình, lại tranh thủ thời gian lao động nhàn rỗi. Hiện gia đình chị đang nuôi 55 con thịt, 8 lợn nái luôn phiên sinh sản, qua đó tạo được nguồn giống cho gia đình và bán cho các thành viên khác hoặc người dân khi có nhu cầu.

Với giá bán lợn giống giao động từ 180.000-200.000 đồng/kg, hiện nay, mỗi năm, chị có thu nhập khoảng trên 100 triệu đồng. Đối với lợn thịt, với thời gian nuôi trên 18 tháng, cho trọng lượng bình quân khoảng 30kg/con, giá bán giao động từ 150.000-180.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi con thu lãi từ 1 đến 1,5 triệu đồng.

Ông Hoàng Ngọc Lâm chia sẻ thêm: “Đối với lợn rừng dưới 12kg, lợn nái chửa hoặc đang nuôi con phải bổ sung thêm 10% ngô và cám gạo được ủ chế phẩm sinh học. Còn lợn nuôi thịt thì chỉ bổ sung 5% xác sắn trộn bã bia và một lượng đạm rất nhỏ (2%) bằng giun quế, cá, ốc bươu....

Đó là những loại thức ăn rất dễ tìm kiếm trên địa bàn. Còn về quy trình phòng bệnh và điều trị các loại bệnh cho lợn, bà con tuyệt đối không sử dụng thuốc kháng sinh mà chỉ sử dụng cây thuốc nam để chữa bệnh, phun khử trùng chuồng trại bằng chế phẩm sinh học”.

Do chăn nuôi bằng phương pháp sinh học nên các gia đình trong THT đều dành một phần đất trong khu vườn để trồng thuốc nam, như: cây hoàn ngọc, khổ sâm, phèn đen, sâm đất, lược vàng, lá ổi, đùng đình, để phòng bệnh và chữa bệnh cho lợn và nuôi giun quế cho lợn ăn.

Anh Phi Mạnh Dũng, thành viên THT cho biết: “Khi tham gia THT, chúng tôi được Hội Nông dân xã quan tâm tư vấn, hỗ trợ về kỹ thuật xây dựng chuồng trại, kỹ thuật nuôi lợn rừng theo phương pháp sinh học. Nhờ đó, tôi vừa tiết kiệm được chi phí thức ăn, chữa bệnh cho lợn, vừa tạo được sản phẩm sạch, con giống chất lượng cung cấp cho khách hàng”.

Ngoài việc phát triển đàn lợn, các thành viên trong THT rất tích cực giúp nhau về thông tin thị trường, hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển sản xuất. Đến nay, số thành viên THT đã tăng lên 8 hộ, với tổng đàn lên đến trên 350 con, trong đó có trên 60 lợn nái. Riêng về lợn đực giống, các hộ mua chọn giống lợn được bắt từ rừng về hoặc cho lai để lấy giống F1 rồi mới cho lai tạo sinh sản.

Mặc dù mới được thành lập, nhưng THT chăn nuôi lợn rừng theo hướng sinh học của nông dân xã Thuận Đức đã phát huy hiệu quả. Đây là hướng đi mới giúp các hộ chăn nuôi lợn sớm phục hồi sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình, góp phần thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngành chăn nuôi trên địa bàn.

Xuân Vương