.

Dự án EbA: Đồng hành cùng người dân ứng phó biến đổi khí hậu

Thứ Năm, 07/12/2017, 08:51 [GMT+7]

(QBĐT) - Quảng Bình là một trong những tỉnh ven biển miền Trung được đánh giá chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Trước thực trạng đó, dự án “Lồng ghép chiến lược thích ứng dựa vào hệ sinh thái tại Việt Nam” (EbA) đã hỗ trợ thực hiện nhiều hoạt động, mô hình giúp người dân ứng phó với BĐKH.

Trồng rừng chắn cát

Dự án EbA do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) phối hợp với cơ quan Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) triển khai nhằm hỗ trợ xây dựng và thực hiện các phương pháp tiếp cận sáng tạo, có hiệu quả và lồng ghép các chiến lược thực hiện thích ứng dựa trên hệ sinh thái trong các lĩnh vực quy hoạch, sử dụng đất, quy hoạch phát triển và các chính sách thích ứng quốc gia, góp phần hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu về ứng phó với BĐKH.

Cuộc thi vẽ tranh “Quê hương em với ứng phó biến đổi khí hậu” nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về bảo vệ môi trường.
Cuộc thi vẽ tranh “Quê hương em với ứng phó biến đổi khí hậu” nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về bảo vệ môi trường.

Việc triển khai thí điểm mô hình thích ứng dựa vào hệ sinh thái ở cấp tỉnh, được lựa chọn tại tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh, sẽ cung cấp kinh nghiệm thực tiễn phù hợp, tạo cơ sở quan trọng cho việc nhân rộng các giải pháp thích ứng với BĐKH dựa vào hệ sinh thái sau khi kết thúc dự án.

Theo đó, từ tháng 1 đến tháng 2-2016, Sở TNMT Quảng Bình đã phối hợp với Dự án EbA tiến hành đánh giá, lựa chọn mô hình thí điểm EbA tại Quảng Bình. Kết quả cuộc đánh giá, đã lựa chọn mô hình “Trồng và phục hồi rừng phòng hộ ven biển tại thôn Hòa Bình, xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch” là mô hình thí điểm EbA tiềm năng đối với hệ sinh thái trên cát, nhằm hạn chế các tác động của BĐKH đối với người dân.

Ông Nguyễn Đức Quang, Trưởng thôn Hòa Bình cho biết, thôn Hòa Bình là thôn lớn nhất xã Quảng Hưng, có bờ biển dài khoảng 6,3km, bao gồm rừng phòng hộ chắn cát, còn sót lại một số cây phi lao và keo do địa phương và người dân trồng trong nhiều năm trước đây. Thôn có 705 hộ, phần lớn thu nhập của các hộ từ ruộng lúa 2 vụ và đánh bắt thủy sản. Tuy nhiên, diện tích đất nông nghiệp của thôn hiện bị ảnh hưởng rất lớn do nhiễm mặn (khoảng gần 2ha hàng năm) và bị tác động bởi cát bay, cát lấn (50% diện tích bị ảnh hưởng hàng năm).

Theo số liệu do chính quyền xã cung cấp, rừng phòng hộ ven biển thuộc thôn Hòa Bình có diện tích khoảng 100ha, nhưng hiện diện tích có cây chỉ còn 3ha phi lao, do bị tàn phá trong chiến tranh và các cơn bão hàng năm. Với 3ha diện tích rừng phi lao còn lại, xã đã giao cho 7 hộ dân thôn Hòa Bình bảo vệ từ nhiều năm nay và người dân có ý thức rất cao trong việc bảo vệ khu rừng này. Họ chỉ thu lượm lá phi lao về làm chất đốt nhưng tuyệt đối không chặt cây, nhánh bởi họ nhận thức được tầm quan trọng của rừng phòng hộ ven biển.

Trên cơ sở nhu cầu của địa phương, dự án EbA đã hỗ trợ người dân thôn Hòa Bình thực hiện mô hình trồng rừng thí điểm trên diện tích 10ha. Bà Trần Thị Tiếu, thôn Hòa Bình phấn khởi chia sẻ: “Tôi rất vui và sẵn sàng tham gia khi dự án trồng rừng được thực hiện tại thôn. Bởi, rừng phòng hộ có vai trò rất quan trọng với thôn, giúp chắn cát bay, làm lấp đất canh tác và đất ở của người dân; cung cấp chất đốt và hạn chế xói lở bờ biển trong mùa mưa bão”.

“Ngoài việc hỗ trợ giống cây, phân bón, Dự án EbA còn hỗ trợ chúng tôi phát triển các mô hình sinh kế nhằm tăng thu nhập, tạo việc làm, giúp chúng tôi yên tâm bảo vệ và phục hồi rừng phòng hộ”, bà Trần Thị Lành, thôn Hòa Bình cho hay.

Theo thông tin do Dự án EbA cung cấp, khoảng 30 hộ dân thôn Hòa Bình đã được lựa chọn tham gia thực hiện mô hình và các hộ dân này sẽ thành lập 10 tổ bảo vệ rừng cộng đồng, trồng phục hồi rừng ven biển của thôn.

Với 10ha diện tích trồng rừng, cây phi lao chịu hạn được trồng trên diện tích rừng phòng hộ ven bờ biển nhằm bảo đảm việc chống sạt lở và hạn chế tác động của bão lũ và cát bay, cát lấn. Phần diện tích rừng phía trong đã trồng keo lá tràm có giá trị lấy gỗ và kết hợp với mô hình trồng cỏ, nuôi bò tạo thu nhập bền vững cho các hộ tham gia trồng rừng.

Ngoài ra, trên diện tích rừng đã được trồng, dự án sẽ hỗ trợ các nhóm bảo vệ rừng trồng xen các giống cây bản địa (tràm gió, trâm bầu, dẻ cát...) đã được xác định từng tồn tại rất lâu trước đây nhằm phục hồi hệ sinh thái của rừng.

Ngoài ra, nhằm đa dạng hóa mô hình sinh kế cho cộng đồng, các hộ khác sẽ được hỗ trợ mô hình sinh kế nuôi cá hồ nước ngọt và trồng rau sạch. Mô hình thực hiện thành công sẽ tạo điều kiện cho việc mở rộng trồng rừng đối với diện tích đất trống còn lại của thôn. Bên cạnh đó, việc thực hiện mô hình sẽ giúp thay đổi thói quen và hành vi của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH...

Nâng cao nhận thức người dân về BĐKH

Cùng với việc triển khai thực hiện mô hình “Trồng và phục hồi rừng phòng hộ ven biển tại thôn Hòa Bình, xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch”, Dự án EbA đã tổ chức nhiều hoạt động khác trong các địa phương của tỉnh Quảng Bình nhằm nâng cao nhận thức của người dân về BĐKH.

Cụ thể, thời gian qua, dự án đã tổ chức 23 lớp nâng cao nhận thức về BĐKH, thích ứng với BĐKH và các giải pháp thích ứng dựa vào hệ sinh thái tại 21 thôn của 10 xã ven biển cho gần 1.500 người dân. Dự án cũng tổ chức các khóa tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ đối tác các cấp về lồng ghép thích ứng BĐKH vào quá trình lập quy hoạch, kế hoạch phát triển tại địa phương cho hơn 30 cán bộ; kỹ năng xây dựng bản đồ, tiếng Anh giao tiếp...

Nhận xét về lợi ích của việc tập huấn, ông Phạm Đình Vĩnh, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch cho biết: “Đây là một hoạt động bổ ích, kênh thông tin giúp người dân chúng tôi hiểu rõ hơn về BĐKH để có biện pháp thích ứng và ngăn chặn làm giảm thiểu BĐKH, giảm tác động ảnh hưởng xấu đến người dân”.

Mô hình rau sạch được dự án EbA hỗ trợ giúp người dân thôn Hòa Bình (xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch) có thêm nguồn thu nhập.
Mô hình rau sạch được dự án EbA hỗ trợ giúp người dân thôn Hòa Bình (xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch) có thêm nguồn thu nhập.

Dự án EbA cũng đã phối hợp với Sở TNMT tổ chức cuộc thi vẽ cho các em học sinh Trường tiểu học Ngư Thủy Nam và Trường THCS Ngư Thủy Nam (huyện Lệ Thủy) với chủ đề “Quê hương em với ứng phó BĐKH”. 30 học sinh, tham gia đã tự mình vẽ nên những bức tranh thể hiện ý tưởng, suy nghĩ của bản thân về các hoạt động ứng phó với BĐKH, bảo vệ môi trường.

Thông qua cuộc thi, các em và mọi người dân đã hiểu thêm về tác hại của nạn chặt phá rừng bữa bãi, hủy hoại môi trường... làm mất cân bằng sinh thái dẫn đến BĐKH, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ hệ sinh thái nơi mình sống.

Cùng với hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về BĐKH, dự án EbA đã tiến hành đánh giá tổn thương do BĐKH đối với các hệ sinh thái trên toàn tỉnh, nhằm đưa ra các khuyến nghị, giải pháp hiệu quả trong quá trình lập kế hoạch của các ngành nhằm ứng phó với BĐKH và khuyến khích thực hiện các giải pháp xanh, dựa vào hệ sinh thái mang tính bền vững.

Ông Phan Đình Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo (Sở TNMT) cho biết, sau 3 năm thực hiện mô hình (từ 2015-2017), các hoạt động của dự án EbA đã góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư vùng ven biển về tác động của BĐKH và các giải pháp thích ứng tại cộng đồng, trong đó có các giải pháp xanh để ứng phó với BĐKH.

Đồng thời, hoạt động của dự án đã nâng cao đời sống cho người dân tham gia trồng và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển thông qua các mô hình sinh kế. Việc trồng và bảo vệ rừng sẽ góp phần giúp người dân hạn chế tác động của thiên tai, BĐKH, đặc biệt là bão từ biển và hạn chế xâm nhập mặn, sạt lở bờ biển cũng như điều hòa nguồn nước vùng cát ven biển.

Lê Mai