.

"Trái ngọt" từ cây chè

Thứ Hai, 13/11/2017, 09:12 [GMT+7]

(QBĐT) - “Chè của chị tuyệt đối không dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật, chỉ ủ rơm ở gốc và luôn tưới đủ nước nên xương cành chè nhỏ, lá chè dày, xanh, khi om dù là với nước mưa, nước giếng hay nước máy đều luôn có màu xanh trong, rất thơm, không đắng, khi nuốt có cảm giác ngọt từ trong cổ họng”.

Chè xanh là một thức uống lý tưởng có nhiều giá trị về dược liệu. Chè có tác dụng giải nhiệt, chữa bệnh, hỗ trợ thẩm mỹ..., nên được trồng ở nhiều nơi, thậm chí còn phổ biến hơn cả cà phê, ca cao và nho. Nhiều người trồng một vài cây trong vườn nhà để được thưởng thức chè xanh tươi ngon, sạch. Chè xanh là loại cây công nghiệp dài ngày, cho năng suất cao, ổn định qua nhiều năm, chỉ một lần trồng cho thu hoạch 30-40 năm.

Ở huyện Lệ Thủy, cây chè được trồng từ khá sớm và phổ biến, tuy nhiên chỉ mới dừng lại ở hình thức trồng để phục vụ nhu cầu nấu nước uống hàng ngày của gia đình. Những năm gần đây, nhận thấy giá trị kinh tế từ cây chè mang lại, nhiều hộ gia đình ở các xã Thái Thủy, Trường Thủy, Tân Thủy, Dương Thủy... bắt đầu trồng chè theo hình thức xen canh dưới các rừng keo, tràm để tăng thêm nguồn thu nhập.

Nhưng ít ai nghĩ rằng, tại thôn Phú Xuân, xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy lại có một đồi chè xanh mướt nằm giữa những cánh rừng thông, cao su và keo tràm với hơn 10 ngàn cây, đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Đó là đồi chè của gia đình chị Nguyễn Thị Nga (Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Phú Xuân, xã Phú Thủy). Đây được xem là mô hình trồng chè chuyên canh đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm hiện tại trên địa bàn huyện. Để có được thành quả như ngày hôm nay, chị đã có những tháng năm vất vả “ăn ngủ” với cây chè giữa nắng, mưa.

Năm 2006, sau khi bàn bạc và được sự đồng ý của chồng (hiện đang công tác tại Trạm Thủy nông Kiến Giang), chị quyết định xin bảo lưu chế độ bảo hiểm xã hội 15 năm làm công nhân quốc phòng để về quê phát triển kinh tế gia đình.

Nhớ lại ngày ấy, chị cho biết, đó là một quyết định mà bất cứ ai khi nghe đến đều phản đối, nhiều người cho rằng tôi bị “khùng” vì từ bỏ cơ quan Nhà nước để về làm nông dân. Sau khi rời quân ngũ, chị chú tâm vào đất rừng của gia đình mua được từ năm 1999 để phát triển kinh tế rừng với đủ loại cây, từ keo, tràm, sắn và nhiều nhất là cây cao su.

Chị Nga đang cắt chè cung cấp cho các đầu mối.
Chị Nga đang cắt chè cung cấp cho các đầu mối.

Thời điểm đó, giá của mủ cao su khá cao, tuy nhiên, người bán hay bị thương lái ép giá, công đoạn cạo lấy mủ cao su khá vất vả (thường khoảng từ 2-3 giờ sáng), hay bị mất trộm, cây cao su lại rất yếu, dễ bị gãy đổ khi gặp gió to hoặc bão, trồng lại rất tốn kém.

Trong khi mọi người đang đầu tư mạnh vào cây cao su, chị lại đưa ra một quyết định hoàn toàn ngược lại, đó là chặt bỏ toàn bộ cây cao su, sắn, keo tràm để trồng cây chè xanh. Cái biệt danh “Nga hâm” cũng bắt đầu theo chị từ đó. Đi đâu, gặp ai chị cũng đón nhận được những cái nhìn ái ngại đến khó chịu. Nhưng theo chị, từ điều kiện khí hậu, ánh sáng, nguồn nước cho đến đặc tính của đất đều hoàn toàn phù hợp để cây chè phát triển.

Nghĩ là làm, chị quyết định trồng chuyên canh cây chè trên chính mảnh đất vừa phá, bởi nếu xen canh chè với các loại cây khác sẽ rất khó phát triển, hiệu quả kinh tế mang lại không cao và nhất là chất lượng lá chè sẽ không ngon, khó cạnh tranh với chè ở các nơi khác.

Sau bao nhiêu năm làm việc vất vả, hai vợ chồng tích cóp được 76 triệu đồng, chị dồn vào thuê công cày xới đất, lựa chọn mua 1.000 cây chè con về trồng thử nghiệm trên 3 sào đất với hy vọng sẽ mang lại kết quả.

Kể từ khi bắt đầu đặt những cây chè đầu tiên xuống đất, nhiều khi, chị quên ăn quên ngủ, lăn lộn, chăm bón, nâng đỡ chúng những đứa trẻ. Ngày hai lần, sáng sớm và đêm khuya, chị tỉ mỉ lật từng lá chè non để bắt sâu, nhổ cỏ, vun xới từng gốc cây.

Chị cùng anh tạo cho đồi chè một hệ thống tưới nước tự động để bảo đảm độ ẩm cho đất và cung cấp đủ nước cho chè quang hợp, không bị chết khô vào mùa hè. Trời không phụ lòng người, sự vất vả, dày công chăm bón của chị cùng với sự đồng cam cộng khổ, chia sẻ động viên của người chồng đã được đền đáp.

Sau gần 1 năm, đồi chè xanh của gia đình chị Nga đã cho thu hoạch bói lứa đầu tiên với hơn 700 cây còn sống. Kết quả đầu tay đó như một cú hích tạo thêm động lực và sự tự tin để anh chị tiếp tục gieo hạt giặm vào những chỗ cây chết, phủ kín khoảng trống, đồng thời mở rộng diện tích trồng chè lên đến 1ha với hơn 10 ngàn gốc chè.

Nói về quyết định táo bạo này chị Nga cho biết: “Chi phí để trồng chè là không nhỏ nhưng nếu không có gì trở ngại, cây chè phát triển tốt thì chỉ một năm thu hoạch là có thể lấy lại được vốn, đồng thời có thể tạo được việc làm tại chỗ cho gia đình và nuôi con ăn học”.

Theo chị, để có được đồi chè ngày càng xanh tốt và đẹp như hôm nay, đòi hỏi người trồng phải chịu khó dày công chăm sóc, từ khâu làm đất, tạo độ dốc, cắt cỏ, tưới nước, phát gốc đến cắt tỉa cành và tạo tán, tất cả đều phải bảo đảm kỹ thuật. Trong đó, việc cắt và tỉa chè được chị rất chú trọng, bởi nó quyết định đến sự phát triển của cây và chất lượng lá chè. Chị cho biết, chỉ nên cắt chè vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối, còn nếu cắt vào buổi trưa hoặc lúc nắng nóng chè sẽ khô và chết.

Nhưng chỉ, có chè tốt, đẹp thôi thì chưa đủ, chị quan niệm rằng, chè phải ngon, phải khác biệt thì mới thu hút được khách và sẽ tạo được thương hiệu riêng cho mình. Sau khi thuê người phát cỏ sạch sẽ, anh chị đi thu gom rơm ở khắp các cánh đồng trong huyện về ủ một lớp dày dưới các gốc chè, tưới đủ nước để giúp chè trao đổi chất, giữ ẩm vào mùa hè, ấm vào mùa đông.

Tuyệt đối không dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật để can thiệp, nhờ đó lá chè dày, xanh, xương chè nhỏ, khi om dù là với nước mưa, nước giếng hay nước máy đều luôn có màu xanh trong, rất thơm, không đắng, khi nuốt có cảm giác ngọt từ trong cổ họng. Quan trọng hơn cả là chè của chị mang đến sự an toàn cho sức khỏe của mọi người, rất được khách hàng ưa chuộng.

Tiếng lành đồn xa, chè của chị từ chỗ chỉ bán cho người dân trong vùng, đến nay đã lan rộng ra tất cả các xã, thị trấn trong toàn huyện, về tận thành phố Đồng Hới. Nếu như trước đây, chị phải mang chè đến các chợ để bán thì giờ đây chị chỉ việc ở nhà cắt chè để các đầu mối từ khắp nơi trong tỉnh đến lấy, lâu lâu mới mang một ít ra chợ để bán. Chị bảo: “Khách hàng đã quá quen thuộc với “thương hiệu” chè Nga-Tứ, đến mức họ chỉ cần nhìn lá chè là biết và mua ngay”.

Với đồi chè xanh hiện tại, bình quân mỗi ngày chị cắt bán được khoảng hơn 300 ngàn đồng, nếu nhập cho các thương lái là 600 ngàn đồng/tạ. Trừ các khoản chi phí, mỗi năm đồi chè của chị cho thu lãi trên 100 triệu đồng, giúp gia đình thoát khỏi cảnh sống chật vật, khó khăn, có của ăn của để và nuôi các con ăn học.

Chị trở thành tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, nhiều gia đình hội viên trong thôn, xã cũng đã học theo chị, bắt đầu chuyển sang trồng chè với hy vọng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững. Đứng giữa đồi che xanh ngút ngàn, hít hà mùi hương từ hoa, lá chè bung tỏa, chị nở nụ cười mãn nguyện trước khi chia tay: “Giờ thì không ai gọi tôi là Nga “hâm” nữa rồi, mà thay vào đó là cái tên Nga “chè” ngọt lịm”.   

Văn Hải
(Ban Tuyên giáo Huyện ủy Lệ Thủy)