.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Lệ Thủy dưới góc nhìn nhà nông

Chủ Nhật, 05/11/2017, 10:03 [GMT+7]

(QBĐT) - Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là điều bắt buộc để tăng hiệu quả kinh tế và thu nhập cho người nông dân, đặc biệt là với một huyện thuần nông như Lệ Thủy. Những năm vừa qua, Đảng bộ và chính quyền huyện Lệ Thủy đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện, tuy nhiên, công tác chuyển đổi vẫn mới mang tính khảo nghiệm, chưa tạo được sự chuyển biến rõ nét.

Trong những năm qua, để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lệ Thủy đã có Nghị quyết chuyên đề; UBND huyện Lệ Thủy đã chỉ đạo các ban, ngành chức năng, như: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông phối hợp với các xã, HTX nông nghiệp và nông dân triển khai thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình, cung cấp cây giống...

Thu hoạch cây sả chanh nấu tinh dầu ở xã Dương Thủy. Ảnh: Đình Hoàng
Thu hoạch cây sả chanh nấu tinh dầu ở xã Dương Thủy. Ảnh: Đình Hoàng

Nhờ đó, đối với sản xuất lúa, diện tích canh tác SRI và giống mới năng suất, chất lượng cao được mở rộng. Năng suất tăng qua hàng năm, hạt lúa Lệ Thủy với nhãn hiệu hàng hóa “Gạo Lệ Thủy” được tiêu thụ ở một số tỉnh bạn.

Nhưng nhiều mô hình, như: trồng ớt trên đất mạ ở Hồng Thủy, An Thủy, Xuân Thủy; đậu xanh trên chân ruộng lúa vụ hè-thu ở Mai Thủy; cây Thanh Long trên cát ở Cam Thủy, ngô ở Xuân Thủy, An Thủy... chỉ dừng lại ở khảo nghiệm, mà thực ra là thất bại. Kỷ sư Lê Văn Hải, Trưởng trạm Khuyến nông Lệ Thủy cho biết, ngoài các yếu tố về truyền thống thâm canh, vốn, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất thì việc lựa chọn cây trồng chưa phù hợp là nguyên nhân chính.

Ý kiến của kỹ sư Hải ở góc độ vừa là người cán bộ khoa học nông nghiệp, vừa là người trực tiếp thực hiện công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã chỉ ra phần nào những khiếm khuyết của việc kết hợp Nhà nước, nhà khoa học và nhà nông. Trong công tác khuyến nông, điều kiện tiên quyết là phải xuất phát từ thực tế mỗi địa phương để xây dựng mô hình đầu tư. Cán bộ làm khuyến nông cơ sở phải là người vừa tham mưu vừa thực hiện mô hình từ khâu lựa chọn giống cây trồng đến khâu áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật...

Trong khi nhiều mô hình do các đơn vị triển khai gặp thất bại, thì nhiều mô hình do nông dân tự chuyển đổi lại thu được kết quả khả quan và có triển vọng phát triển nhân rộng.

Mô hình trồng cây thanh long ở vùng đất cát do Trạm khuyến nông triển khai ở xã Cam Thủy không thành công, nhưng anh thanh niên sinh năm 1991 Đỗ Tiến Tình ở xóm Ráng, xã Trường Thủy, 3 năm nay, thực hiện trồng cây thanh long ruột đỏ mang lại thu nhập khá cao và ổn định cho gia đình từ 300 trụ trên diện tích 5 sào vườn đất bazan.

Để có vườn thanh long như hiện nay, Tình đã vào Bình Thuận học hỏi kinh nghiệm và mua giống về trồng. Sau một năm, vườn thanh long bắt đầu cho thu hoạch, đang là những lứa đầu. Nhưng, mỗi bụi cây mỗi lứa cho trên 3 kg quả, mỗi năm cho thu hoạch 7 lứa.

Nhờ chăm bón theo phương pháp sản xuất rau quả sạch, nên Tình chưa phải đi bán, mà thương lái mua tại vườn. Cũng như nhiều nhà nông khác, Tình rất cần sự trợ giúp của các cơ quan chức năng để mở rộng quy mô sản xuất và tiêu thụ hàng hóa dễ dàng. Cái quan trọng nhất, theo Tình là nguồn vốn vay ưu đãi lãi suất, còn tiêu thụ, mình có sản phẩm tốt thì thương lái tự tìm đến.

Vốn sẵn có nghề truyền thống chưng cất tinh dầu tràm, chổi từ nguồn nguyên liệu trong tự nhiên, chị Võ Thị Luyến ở thôn Nam Thiện, xã Dương Thủy đã nắm bắt nhu cầu thị trường, thử nghiệm trồng và chưng cất tinh dầu sả.

Nhận thấy đây là một thế mạnh ở vùng đất gò đồi, từ một sào đất trồng giống sả chanh, sau khi trồng gần 1 năm, chị mạnh dạn chuyển đổi hơn 2 ha vườn đồi vốn trồng sắn, khoai và cây keo lấy gỗ sang trồng sả và chưng cất tinh dầu sả. Cây sả sau khi trồng gần 1 năm là cho thu hoạch nguyên liệu, mỗi năm 4 lứa. Theo tính toán của chị Luyến, mỗi sào trồng sả, mỗi năm cho 4 lít tinh dầu, trừ hết các khoản chi phí, chị thu lãi hơn 6 triệu đồng, tương đương một tấn lúa. Đây đúng là cây trồng không chỉ để thoát nghèo mà còn làm giàu.

Điều đang ghi nhận ở cơ sở trồng và chưng cất tinh dầu sả ở Nam Thiện là HTX nông nghiệp Dinh Trạm mà gia đình chị Luyến là một thành viên đã tổ chức tiêu thụ khá bài bản. HTX cũng đã gửi mẫu đi kiểm nghiệm để xây dựng thương hiệu. Họ cũng đã mở rộng thị trường tiêu thụ tại nhiều tỉnh và tìm được cơ sở có thể để xuất khẩu khi xây dựng được thương hiệu. Hiện nay, HTX Dinh Trạm đã mở rộng diện tích trồng sả lên 5 ha và tiếp tục vận động nhân dân trong vùng trồng sả bán nguyên liệu cho cơ sở chưng cất.

Trồng các loại rau sạch trong nhà màng có hệ thống tưới nhỏ giọt ở Lệ Thủy.  Ảnh: Đ.H
Trồng các loại rau sạch trong nhà màng có hệ thống tưới nhỏ giọt ở Lệ Thủy. Ảnh: Đ.H

Thực tế cho thấy, hơn ai hết, chính người nông dân đã thông thuộc nết đất, tính trời, từ lựa chọn cây trồng chuyển đổi thì sẽ đưa lại hiệu quả rõ ràng. Điều đó đã được minh chứng khi cách đây vài năm người dân thôn Thượng Xá, xã Hoa Thủy đã chủ động chuyển 25 ha đất đồi trồng sắn, trồng bạch đàn sang trồng nén, đưa lại hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần.

Cũng với cây nén ở các xã Văn Thủy, Trường Thủy, Dương Thủy, Mai Thủy... huyện Lệ Thủy đang xây dựng thương hiệu nén Lệ Thủy. Rồi 2 năm trở lại đây, khi nhu cầu người sử dụng tinh bột nghệ vàng để chữa bệnh tăng cao, người dân các xã vùng gò đồi Lệ Thủy đã chuyển đổi đất vườn tạp sang trồng nghệ đưa lại thu nhập cao cho người trồng.

Tuy nhiên, trong công tác chuyển đổi cây trồng, người nông dân tự chuyển đổi thực sự đưa lại hiệu quả, nhưng cũng cho thấy xu hướng tự phát sẽ có nguy cơ hệ lụy là thị trường không ổn định nếu thiếu sự liên kết trong tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, để xây dựng thương hiệu hàng hóa, đa phần người nông dân không nắm được đường đi nước bước nên khó cạnh tranh.

Bên cạnh đó, kết quả công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở huyện Lệ Thủy vẫn còn quá khiêm tốn, chưa đủ để tạo nên vùng hàng hóa nông sản sạch và chất lượng cao. Chính vì vậy, UBND huyện Lệ Thủy sẽ tiếp tục chỉ đạo công tác chuyển đổi như đồng chí Lê Văn Bảo, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy khẳng định: “UBND huyện tạo mọi điều khiện thuận lợi cho nhà nông thông qua cơ chế chính sách khuyến khích và đầu tư. Bởi đây chính là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu để thực hiện thành công chương trình tái cấu trúc nền kinh tế nông nghiệp ở một huyện thuần nông như Lệ Thủy”.

Tấn Phước
(Đài TT-TH Lệ Thủy)