.

Bộ trưởng GTVT: Cao tốc Bắc-Nam mức phí cao nhất là 3.400 đồng/km

Thứ Tư, 15/11/2017, 14:39 [GMT+7]

Nhìn nhận dự án đường cao tốc Bắc-Nam nếu được thông qua đầu tư sẽ tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội vào chiều nay (14-11) về quy mô đầu tư, mức giá vé đường bộ, lựa chọn nhà đầu tư cũng như khả năng huy động vốn vay từ các tổ chức tín dụng.

>> Cao tốc Bắc-Nam: Khó huy động vốn vì ngân hàng chịu nhiều rủi ro?

Ảnh minh họa. (Ảnh: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Ảnh: TTXVN)

Nhấn mạnh tất cả các ý kiến đại biểu Quốc hội đều thể hiện sự đồng tình rất cao về sự cần thiết đầu tư cao tốc Bắc-Nam phía Đông, theo Bộ trưởng Thể, do kinh phí nước ta có hạn, Bộ Giao thông Vận tải chọn lựa một số đoạn có lưu lượng cao nếu làm chậm sau 2020 sẽ tắc, quá tải. Nhiều tỉnh đề xuất kéo dài đến địa phương, giai đoạn sắp tới tham mưu chặt chẽ lên Quốc hội và Chính phủ nếu điều kiện kinh tế cho phép sẽ kéo dài tiếp nối giai đoạn 1.

Về chọn lựa và phân kỳ đầu tư, tư lệnh ngành giao thông cho rằng, Bộ xác định dựa vào bề rộng mặt đường. Hiện nay, đường cao tốc có dải phân cách ở giữa, mỗi bên 2 làn xe, đảm bảo đi với vận tốc cao 100km/giờ, cao hơn rất nhiều so với Quốc lộ hiện nay (dù thiết kế 80km/giờ nhưng do dân cư đông đúc, tốc độ trung bình chỉ từ 50-60km/giờ).

“Dự án cao tốc Bắc-Nam tất cả đường giao đều có hàng rào bảo vệ, đảm bảo tốc độ thiết kế thấp nhất từ 80-100km/giờ. Do đó, có thể nói đây là con đường sẽ tạo động lực rất lớn cho phát triển kinh tế-xã hội,” Bộ trưởng Thể quả quyết.

Theo ông Thể, Bộ Giao thông Vận tải thực hiện theo quy hoạch được duyệt và quy hoạch này là quy hoạch có giá trị hiện nay. Đặc biệt hiện nay xe ôtô giá rẻ đang bùng phát, trong giai đoạn tới, Bộ nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch từ 8-10 làn xe, nếu chờ đúng theo quy hoạch thì sẽ rất chậm.

Khẳng định đầu tư công để tạo nền tảng đột phá cho những dự án khác, Bộ trưởng dẫn chứng, như cầu Mỹ Thuận 2 nếu đầu tư sẽ tạo động lực cho 2 dự án từ Trung Lương-Mỹ Thuận và Mỹ Thuận-Cần Thơ. Nếu không có cầu Mỹ Thuận 2, các nhà đầu tư rất trăn trở, ngân hàng cũng có khó khăn trong việc cung cấp vốn tín dụng.

Trả lời về việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, người đứng đầu ngành giao thông cho rằng, Bộ sơ kết 5 năm thực hiện dự án BOT trên Quốc lộ 1 nên toàn bộ khiếm khuyết đã nhìn thấy trong 8 dự án cao tốc Bắc-Nam lần này sẽ khắc phục bằng cách tổ chức đấu thầu toàn bộ các dự án BOT.

“Nếu đấu thầu lần 1 không xong thì báo cáo với Chính phủ, Thường vụ Quốc hội để tiếp tục đấu thầu lần 2. Trước đây quy định nếu đầu thầu lần 1 không thành công mà có một nhà đầu tư đăng ký thì được quyền chỉ định. Giờ dù cho phép nhưng Bộ tiếp tục đấu thầu để đảm bảo công khai, minh bạch,” ông Thể nhấn mạnh.

Để chọn được nhà đầu tư lành mạnh, ngoài việc tổ chức đấu thầu công khai, Bộ Giao thông Vận tải còn yêu cầu vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư ít nhất là 15%, có những dự án là 20% để chọn lựa nhà đầu tư thực sự có năng lực về tài chính. Trước đây, khi làm Quốc lộ 1 chỉ quy định từ 10-15%. “Việc này không phải do Bộ Giao thông Vận tải tự quyết mà do các bộ, ngành và Chính phủ cho phép,” Bộ trưởng Thể nói.

Trả lời với những lo lắng, băn khoăn của đại biểu Quốc hội về đấu thầu dự án còn phụ thuộc vào ngân hàng, ông Thể thừa nhận, nếu ngân hàng không cho vay thì hết sức khó khăn. Do đó sắp tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ làm việc với các ngân hàng Nhà nước, Chính phủ để đề xuất cơ chế hợp lý như có thể thành lập một quỹ, gói tín dụng để các ngân hàng có điều kiện có thể bỏ kinh phí vào gói đó, tài trợ cho dự án để đảm bảo đồng bộ các ngân hàng với nhau.

“Hiện nay có tình trạng ngân hàng cho vay cao, ngân hàng cho vay thấp. Bộ sẽ nghiên cứu nhiều giải pháp cùng với ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ để làm sao huy động được nguồn vốn, đảm bảo dự án có thể thực hiện,” Bộ trưởng nói.

Đối với hình thức thu phí và giá vé đường bộ cho dự án, theo Bộ trưởng, các dự án này được thu phí kín, đi bao nhiêu trả bấy nhiêu sẽ đảm bảo công bằng. Bên cạnh đó, Bộ cũng triển khai thu phí tự động giúp việc đi lại thuận lợi, đảm bảo nguồn thu công khai minh bạch, quyền lợi nhà đầu tư và người dân chắc chắn không tạo bức xúc. Người dân chấp nhận trả phí thì đi trên đường cao tốc, còn không thì người dân có thể chọn lựa đi con đường hiện nay đã có.

Hiện 8 dự án BOT, Bộ Giao thông Vận tải xây dựng mức giá bình quân là 2.500 đồng/km/xe tiêu chuẩn. Tuy nhiên, Bộ trưởng Thể lo ngại mức giá này áp dụng ngay khi hoàn thành dự án thì sẽ rất cao so với mức chi trả của người dân.

Để đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận, phù hợp với cơ chế thị trường và sức chi trả của người dân, Chính phủ xác định mức giá tại thời điểm đưa vào khai thác là 1.500 đồng/km/xe con. Sau đó, theo lộ trình, cứ 2-3 năm tăng 200-300 đồng. Mức thu cao nhất là 3.400 đồng/km/xe con. Bình quân toàn bộ vòng đời dự án là 2.500 đồng/km/xe con.

Chính phủ cùng với Bộ Giao thông Vận tải sẽ điều hành để đảm bảo lộ trình này. Được như vậy, nhà đầu tư sẽ tính toán được rõ ràng nguồn thu. Thực hiện theo Luật giá, Nhà nước quản lý và nhà đầu tư muốn tăng/giảm giá thì phải xin. Nhà đầu tư cũng không chắc khi xin tăng giá thì có được chấp thuận hay không?

“Nếu có một lộ trình thu giá rõ ràng ngay từ đầu thì mới tạo niềm tin cho nhà đầu tư, hấp dẫn tham gia. Đây là nền tảng để có thể thuyết phục nhà đầu tư, ngân hàng tài trợ đảm bảo thu hồi được vốn. Nếu Quốc hội không ủng hộ phương án thu giá theo lộ trình cụ thể thì việc huy động vốn sẽ cực kỳ khó khăn,” Bộ trưởng nhận định.

Đồng tình với các đại biểu cho rằng dự án càng kéo dài, càng dễ trượt giá, Tư lệnh ngành giao thông cam kết nếu triển khai sẽ cố gắng toàn bộ khâu đoạn của nhà thầu phải đảm bảo tiến độ nhưng quan trọng nhất là chất lượng; bố trí Ban quản lý dự an, tư vấn giám sát để thực hiện tốt nhất công trình quan trọng này.

Theo Nhóm P.V (Vietnam+)