.

Tìm giải pháp phát triển cây trồng vùng gò đồi

Thứ Tư, 25/10/2017, 09:08 [GMT+7]

(QBĐT) - LTS: Vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức hội thảo chuyên đề: “Định hướng phát triển cây trồng trên vùng gò đồi tỉnh Quảng Bình”. Tại hội thảo, nhiều ý kiến tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý đã góp phần định hướng cho tỉnh về quy hoạch, lựa chọn vùng trồng cây cao su trọng điểm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng giảm tải rủi ro do biến đổi khí hậu… Báo Quảng Bình xin trích đăng một vài ý kiến tham luận.

>> Điều chỉnh lại quy hoạch, tìm thêm những loại cây trồng phù hợp để phát triển vững chắc kinh tế nông nghiệp vùng gò đồi

* Ông Nguyễn Xuân Hồng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu cây có múi, thuộc Viện rau quả, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam:

Hiện nay, thực tiễn nghiên cứu các loại cây ăn quả của cả nước nói chung, vùng miền trung nói riêng rất phong phú. Bên cạnh những giống cây ăn quả mang tính truyền thống có nhiều loài mới mang lại nhiều lợi ích kinh tế, có giá trị dinh dưỡng cao. Có thể thống kê sơ bộ: như bưởi Phúc Trạch, bưởi da xanh, bưởi hương trà... cam xã đoài, cam vinh, quýt, dứa, nhãn, mãng cầu, dừa...

Trung tâm nghiên cứu chúng tôi sẵn sàng hợp tác với tỉnh Quảng Bình để điều tra quy hoạch phát triển những loại cây ăn quả phù hợp trên vùng gò đồi tỉnh Quảng Bình. Đây là định hướng cần thiết nhằm thích ứng với diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết thiên tai gần đây nhằm góp phần giảm tải rủi ro với vật nuôi cây trồng. Ngoài giải pháp giống, kỹ thuật, phân bón, chăm sóc phải tính tới vấn đề liên doanh, liên kết giữa nhà nông, nhà khoa học, nhà quản lý sản xuất.

Phải có chế biến, bảo quản, xây dựng thương hiệu, tìm thị trường cho đầu ra của cây ăn quả. Trên cơ sở chọn du lịch là kinh tế mũi nhọn, tỉnh Quảng Bình cũng nên có chiến lược phát triển các loại cây ăn quả phục vụ khách du lịch.

Nhiều hộ nông dân mạnh dạn đưa cây thanh long vào trồng trên đất gò đồi. Ảnh: A.T
Nhiều hộ nông dân mạnh dạn đưa cây thanh long vào trồng trên đất gò đồi. Ảnh: A.T

* Ông Lê Hùng Tiến, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dược liệu Bắc Trung bộ:

Mô hình phát triển dược liệu dưới tán cây cao su đang phát huy ưu thế, được nhiều địa phương thực hiện có hiệu quả. Vùng gò đồi Quảng Bình nên đi theo định hướng này. Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi cho việc trồng dược liệu. Theo kinh nghiệm một số địa phương, mô hình trồng dược liệu đã cho kết quả cao như: tỉnh Quảng Nam với mô hình sâm ngọc linh, các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa với mô hình trồng nghệ, sa nhân tím, ba kích... Bộ Y tế đã ra quyết định về việc phát triển các vùng dược liệu.

Có những địa phương đã phát triển được hàng trăm ha trồng nghệ cùng các loại dược liệu có giá trị cao. Đề tài cấp nhà nước về dược liệu đã được nghiên cứu. Trên cơ sở những kinh nghiệm, mô hình đó, Quảng Bình cần nghiên cứu để áp dụng vào phát triển ở vùng gò đồi.

Phát triển mô hình trồng dược liệu dưới tán cao su ở vùng gò đồi Quảng Bình sẽ mang lại nhiều hiệu quả cao từ nhiều phía, cả người nông dân trồng cao su, cả phía đơn vị tiêu thụ dược liệu và góp phần giảm tải rủi ro do biến đổi khí hậu. Trung tâm Dược liệu Bắc Trung bộ sẵn sàng hợp tác với tỉnh Quảng Bình để phát triển mô hình này trong thời gian tới.

* Ông Phạm Hải Dương, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Cao su Việt Nam:

Chúng tôi đánh giá cao sự vào cuộc kịp thời đầy tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cùng các ngành các cấp có liên quan trong việc tổ chức Hội thảo chuyên đề: Định hướng phát triển cây trồng trên vùng gò đồi tỉnh Quảng Bình. Vấn đề sẽ trả lời câu hỏi đang được cả xã hội quan tâm sau những diễn biến phức tạp của thời tiết bão lũ tại miền Trung nói riêng, cả nước nói chung, nhất là sau cơn bão năm 2013 và cơn bão số 10 năm 2017.

Để phát triển cao su hiệu quả trên vùng gò đồi Quảng Bình, theo chúng tôi, cần đa dạng hóa loại cây trồng trên vùng gò đồi, trên cơ sở thực trạng vùng duyên hải miền trung, nơi có nguy cơ rủi ro cao phải biết thích ứng với điều kiện đặc thù của khí hậu, thổ nhưỡng, điều kiện sinh thái, kinh tế-xã hội để phát triển.

Từ thực trạng lịch sử, điều kiện khí hậu cần có quy hoạch tổng thể, có giải pháp kèm theo. Kiên quyết không trồng cao su ở  diện tích đất nhỏ lẻ, manh mún, có độ dốc cao, đất xấu. Khi trồng phải được tập trung theo quy hoạch, phải tuyệt đối có vành đai rừng chắn gió, sử dụng loại giống chịu gió, thực hiện mô hình xen cây, xen canh.

Đảm bảo trồng bầu, đúng kỹ thuật mà viện nghiên cứu cao su đã khuyến cáo. Bên cạnh đó, phải có nhà máy chế biến gỗ để có đầu ra cho gỗ cao su nếu gặp gió bão. Những chi tiết cụ thể, Viện nghiên cứu cao su Việt Nam sẽ làm việc cụ thể với ngành Nông nghiệp PTNT Quảng Bình để có tư vấn hỗ trợ thiết thực hơn.

* Ông Phạm Văn Khoa, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình:

Trong những năm qua các cây trồng vùng gò đồi tỉnh Quảng Bình phát triển mạnh và phong phú nhất là cây cao su, rừng trồng, đã góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo cho đông đảo bà con nhân dân tỉnh Quảng Bình. Tuy nhiên, trong điều kiện biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến khó lường, nhất là lụt bão đã ảnh hưởng trực tiếp tới cây trồng vùng gò đồi.

Việc phát triển cây trồng thích hợp trên vùng gò đồi Quảng Bình thích ứng với biến đổi khí hậu là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay nhằm từng bước giúp cho người dân yên tâm đầu tư sản xuất. Trên tinh thần đó, một số định hướng cho  việc phát triển cây trồng vùng gò đồi Quảng Bình thời gian tới sẽ là: Điều chỉnh quy hoạch cao su của tỉnh, đưa ra khỏi quy hoạch những diện tích cao su chưa trồng hoặc trồng kém hiệu quả.

Số diện tích đưa ra khỏi quy hoạch cao su chuyển sang một số cây thích hợp với vùng gò đồi như sau: đối với diện tích nhỏ lẻ manh mún, đất xấu chuyển sang trồng rừng kinh tế (Tuyên Hóa, Minh Hóa); Những diện tích có độ phì tốt: chuyển sang trồng hồ tiêu, dưa hấu, cây dược liệu, kết hợp trồng sắn để lấy ngắn nuôi dài (Bố Trạch); Những diện tích liền vùng, liền thửa nhưng cây cao su kém phát triển: thanh lý chuyển sang trồng dứa, trồng sả, sim, trồng cỏ chăn nuôi trâu, bò (vùng dọc quốc lộ 1A huyện Quảng Trạch).

Đối với rừng trồng: vùng gò đồi chạy dọc quốc lộ 1A, dọc đường Hồ Chí Minh nhánh Đông đất cằn cỗi, độ dốc cao: cần chuyển sang trồng thông Caribe; vùng đồi, có đất canh tác dày: bố trí trồng các loại keo phục vụ công nghiệp dăm giấy; đối với diện tích vùng sâu, vùng xa: tiến hành trồng rừng gỗ lớn, trồng cây bản địa (huỵnh, lát hoa, sao đen, huê...). Một số diện tích có thể chuyển sang trồng lâm sản ngoài gỗ như song mây, cây dược liệu; xây dựng mô hình nông lâm kết hợp...

Phan Hòa (lược ghi)