.

Niềm vui trên ruộng lớn

Thứ Ba, 24/10/2017, 09:11 [GMT+7]

(QBĐT) - Vụ hè-thu năm 2017 là vụ lúa đầu tiên nông dân thị xã Ba Đồn đồng loạt thực hiện sản xuất sau dồn điền đổi thửa và chỉnh trang đồng ruộng theo quy hoạch nông thôn mới. Chính nhờ sự đồng thuận, nỗ lực cao của những người nông dân chân lấm tay bùn, Ba Đồn đã có được vụ mùa thắng lợi toàn diện trên ruộng lớn.

Thị xã Ba Đồn có 10 xã triển khai dồn điền đổi thửa, gồm: Quảng Tân, Quảng Hải, Quảng Văn, Quảng Lộc, Quảng Hoà, Quảng Minh, Quảng Thuỷ, Quảng Trung, Quảng Tiên và Quảng Sơn. Mặc dù mỗi địa phương có bước khởi đầukhác nhau, nhưng tất cả đều hướng đến mục tiêu khắc phục tình trạng manh mún ruộng đất, tạo ra các ô thửa có diện tích lớn, các vùng chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hoá, sau dồn điền đổi thửa mỗi hộ chỉ còn từ 1 đến 2 thửa.

Tính đến tháng 5-2017, thị xã đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa trên địa bàn 43/46 thôn; trong đó, xã Quảng Hải có 6 thôn, Quảng Văn 3 thôn, Quảng Lộc 5 thôn, Quảng Hoà 4 thôn, Quảng Minh 6 thôn, Quảng Trung 4 thôn, Quảng Thuỷ 5 thôn, Quảng Tiên 6 thôn và Quảng Sơn 4/7 thôn (3 thôn còn lại dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 11-2017). Toàn thị xã có diện tích trước khi dồn điền đổi thửa là 1668,75ha, sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa còn 1.384ha, giảm 284,75ha.

Nguyên nhân diện tích sau dồn điền đổi thửa giảm là do một số xã trước đây thống kê đất trồng cây hàng năm trong cùng thửa đất ở, có quy hoạch tuyến đường cao tốc đi qua nên không đưa vào để dồn điền đổi thửa và hiến đất để làm công trình giao thông, thủy lợi nội đồng.

Ông Đinh Thiếu Sơn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn, Trưởng ban Chỉ đạo dồn điền đổi thửa thị xã cho biết thêm, trước khi dồn điền đổi thửa, toàn thị xã có 23.157 thửa, sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa còn 12.654 thửa, giảm 10.503 thửa.

Số thửa bình quân/hộ trước dồn điền đổi thửa là 3,1 thửa/hộ, sau dồn điền đổi thửa là 1,7 thửa/hộ, cơ bản đạt được mục tiêu mỗi hộ còn từ 1 đến 2 thửa. Diện tích bình quân thửa trước dồn điền đổi thửa là 578,1m2/thửa, sau dồn điền đổi thửa là 867,8m2/thửa, trung bình tăng 1,5 lần so với trước đây.

Dồn điền đổi thửa đã tạo ra các ô thửa có diện tích lớn, thuận lợi cho việc đưa cơ giới vào sản xuất.
Dồn điền đổi thửa đã tạo ra các ô thửa có diện tích lớn, thuận lợi cho việc đưa cơ giới vào sản xuất.

Thị xã đã thực hiện thành công tiêu chí khắc phục tình trạng manh mún ruộng đất, tạo ra các ô thửa có diện tích lớn, các vùng chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hoá. Điển hình như xã Quảng Thủy có diện tích bình quân thửa trước dồn điền đổi thửa là 328,6 m2/thửa và sau dồn điền đổi thửa là 1.276,5 m2/thửa, gấp 3,88 lần.

Cùng với kết quả thực hiện dồn điền đổi thửa, người dân trên địa bàn thị xã Ba Đồn đã tự nguyện đóng góp trên 90 ha đất để làm công trình giao thông, thuỷ lợi nội đồng và đất 5% của xã. Khối lượng đào đắp giao thông, thuỷ lợi nội đồng bình quân mỗi xã khoảng 1.500m3. Hệ thống giao thông, thuỷ lợi nội đồng được các xã thực hiện theo đúng quy hoạch.

Cụ thể, thiết kế bờ vùng cách bờ vùng là 200 đến 300m, bờ thửa cách bờ thửa 50 đến 100m, mặt bờ vùng rộng 3 đến 5m, bảo đảm cho máy cày, máy gặt đập liên hợp hoạt động. Dọc bờ vùng, bờ thửa có mương tưới tiêu nước và thuận lợi cho việc đưa cơ giới vào sản xuất.

Đặc biệt, do công tác dồn điền đổi thửa, chỉnh trang nội đồng theo đúng quy hoạch, nên các xã đều quy hoạch được vùng sản xuất hàng hóa tập trung, mỗi xã có từ 3 đến 4 vùng. Đây là nền tảng để xây dựng và thực hiện cánh đồng mẫu lớn, là điều kiện tốt để các tập thể, cá nhân mạnh dạn đầu tư vốn để mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần làm giảm chi phí, tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm.

Vụ hè-thu năm 2017 là vụ lúa đầu tiên nông dân thị xã Ba Đồn đồng loạt thực hiện sản xuất sau dồn điền đổi thửa. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Khánh, Trưởng Phòng Kinh tế, UBND thị xã Ba Đồn cho hay, toàn thị xã có tổng diện tích sản xuất lúa 2.230ha, năng suất lúa bình quân đạt 54,5 tạ/ha (tăng 2 tạ/ha so với vụ hè-thu năm 2016), sản lượng đạt trên 12.000 tấn.

Các địa phương có năng suất lúa đạt cao, như: Quảng Tiên 57 tạ/ha, Quảng Sơn, Quảng Trung và Quảng Hoà đạt 56 tạ/ha. Đây là vụ mùa thắng lợi toàn diện, năng suất, sản lượng cao nhất từ trước đến nay. Những thắng lợi của vụ hè-thu năm nay đã khẳng định chủ trương đúng đắn trong việc dồn điền đổi thửa.

Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy tại các xã thực hiện dồn điền đổi thửa, bà con đã đầu tư máy móc, cơ giới phục vụ sản xuất, nên khâu làm đất đạt 100%, vận chuyển đạt 100%, gặt 90% và bơm nước 100%. Cũng nhờ được cơ giới hoá nên trong sản xuất lúa, nông dân đã giảm được từ 80.000 đến 100.000 đồng/sào cho chi phí khâu làm đất, khâu gặt giảm 130.000 đồng/sào.

Ông Nguyễn Đăng Hiền (thôn Vân Bắc, xã Quảng Hải) phấn khởi cho biết, cả cuộc đời gắn bó với với nghề nông, nhưng có lẽ đây là vụ mùa ông cảm thấy vui, phấn khởi nhất. Trước đây, gia đình ông có 4 thửa ruộng (mỗi thửa có diện tích 130m2) phân chia không đều và manh mún, sau dồn điền đổi thửa còn 2 thửa với mương máng thông thoáng, không còn bờ đất ngăn cách giữa các ô thửa, nên canh tác rất thuận lợi. Từ khâu làm đất đến thu hoạch đều bằng máy, nên giảm chi phí rất nhiều, năng suất đạt cao nhất từ trước đến nay với 61 tạ/ha, tăng 4 tạ/ha so với vụ mùa trước.

Dồn điền đổi thửa ở thị xã Ba Đồn đã tạo nên một cuộc tổng chỉnh trang, kiến thiết đồng ruộng bảo đảm khoa học, theo quy hoạch, tạo thuận lợi cho nông dân canh tác, thực hiện cơ giới hoá nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng CNH, HĐH. Nhờ hoàn thành dồn điền đổi thửa, việc lập quy hoạch, kế hoạch sản xuất của các địa phương đã bảo đảm các yêu cầu định hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, có tính lâu dài, ổn định và góp phần xây dựng nông thôn mới. Tin tưởng rằng, với niềm vui được mùa sau dồn điền đổi thửa, nông dân thị xã Ba Đồn sẽ có thêm niềm tin, động lực để tiếp tục gặt hái những vụ mùa bội thu. 

Hiền Chi