.

Kinh tế-xã hội 9 tháng năm 2017: Nhiều chuyển biến tích cực

Thứ Sáu, 27/10/2017, 08:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Tỉnh ta thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 trong điều kiện vô cùng khó khăn. Đó là thách thức từ sự cố môi trường biển, 2 trận lụt lớn của năm 2016 và cơn bão số 10 vào tháng 10-2017. Nhưng, bằng sự đoàn kết, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, “bức tranh” tổng thể kinh tế-xã hội của tỉnh vẫn có nhiều gam màu sáng.

Đường bay quốc tế Đồng Hới-Chiang Mai mở ra cơ hội phát triển mới cho du lịch Quảng Bình.
Đường bay quốc tế Đồng Hới-Chiang Mai mở ra cơ hội phát triển mới cho du lịch Quảng Bình.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đã đạt 6,25% (kế hoạch cả năm là 6,5%). Đây là mức tăng trưởng khá cao trong điều kiện tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều chỉ tiêu quan trọng khác cũng đạt và vượt kế hoạch đề ra, như: dự ước sản lượng lương thực cả năm đạt hơn 310 ngàn tấn, vượt 9,2% kế hoạch.

Kết quả này rất khả quan trong việc thực hiện Đề án tái sản xuất nông nghiệp theo hướng chất lượng, giá trị cao. Sản xuất nông nghiệp được mùa với sản lượng đạt cao nhất từ trước đến nay. Hoạt động khai thác thủy sản dần phục hồi sau sự cố môi trường biển. Đến hết tháng 9-2017, dự ước sản lượng thủy sản đạt hơn 57 ngàn tấn, tăng 16,1% so với cùng kỳ; trong đó, sản lượng khai thác ước đạt 47.600 tấn, tăng 21,2% so với cùng kỳ.

Để tiếp tục giúp ngư dân vươn khơi bám biển, khai thác thủy sản, tỉnh cũng đã chủ động đẩy nhanh việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại theo đúng quy định. Đến thời điểm này, tổng kinh phí Trung ương cấp tạm ứng cho tỉnh qua 4 đợt là 2.950 tỷ đồng; trong đó, tỉnh đã phê duyệt hơn 2.600 tỷ đồng, bằng 98,8% số thiệt hại thực tế.

Một kết quả đáng mừng nữa là mặc dù hậu quả sự cố môi trường biển vẫn còn nặng nề, nhưng lĩnh vực du lịch đã khôi phục trở lại. Thống kê từ đầu năm đến nay, Quảng Bình đã đón hơn 2,5 triệu lượt khách du lịch, tăng 40% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế là khoảng 60 ngàn lượt, tăng 75%. Tỉnh cũng đã hoàn tất việc khai trương và đưa vào hoạt động đường bay Đồng Hới – Chiang Mai (Thái Lan) khá hiệu quả, góp phần quan trọng thu hút khách quốc tế đến Quảng Bình.

Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến, tổ chức phần thi trang phục dân tộc các sự kiện giải trí quy mô lớn cũng đã được tỉnh quan tâm bằng việc phối hợp tổ chức phần thi trang phục dân tộc cuộc thi Hoa hậu Hòa bình thế giới, lễ hội Hang động Quảng Bình... và sắp tới đây sẽ là Giải đua xe địa hình RFC Việt Nam năm 2017 vào cuối tháng 10. Hình ảnh Quảng Bình với những kỳ quan hang động, bãi biển tuyệt đẹp, con người thân thiện sẽ tiếp tục được du khách trong và ngoài nước tìm đến thông qua các sự kiện này.

Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh vẫn quyết tâm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm. Kế hoạch tài chính và kế hoạch đầu tư công, trung hạn 2016-2020 và năm 2017 sẽ ưu tiên vốn cho các công trình cần thiết, cấp bách xóa đói giảm nghèo, các công trình trọng điểm có tính lan tỏa. Đến thời điểm hiện tại, khối lượng vốn đầu tư Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh là khoảng 2.678 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương quản lý ước thực hiện đạt 675 tỷ đồng. vốn ngân sách địa phương quản lý hơn 2 ngàn tỷ đồng.

Dự ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển đến hết tháng 9 là khoảng 65%. Cũng trong 9 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đã thực hiện được số thu ngân sách đạt 2.162 tỷ đồng, tăng 16,6% so với cùng kỳ. Có được kết quả này là nhờ tỉnh đã tích cực, chú trọng công tác xúc tiến đầu tư. Trong đó, trọng tâm là triển khai quyết liệt Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

Thời điểm hiện tại, tỉnh ta đã thu hút được một số nhà đầu tư lớn triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh, như: Vingroup, FLC, Hòa Phát, An Việt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dohwa (Hàn Quốc)... Cũng trong những tháng đầu năm 2017, tỉnh đã hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2 dự án FDI với tổng số vốn 56 triệu USD; quyết định chủ trương đầu tư cho 65 dự án của nhà đầu tư với tổng mức vốn hơn 2.055 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện đã có 5.578 doanh nghiệp đăng ký sản xuất kinh doanh với tổng vốn đăng ký hơn 28 ngàn tỷ đồng.

Nuôi bò thịt áp dụng công nghệ cao đang trở thành thế mạnh của ngành chăn nuôi tỉnh ta.
Nuôi bò thịt áp dụng công nghệ cao đang trở thành thế mạnh của ngành chăn nuôi tỉnh ta.

Lĩnh vực văn hóa-xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Hệ thống cơ sở vật chất giáo dục, đào tạo được tăng cường; các hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao triển khai có hiệu quả, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cho các tầng lớp nhân dân. Hoạt động khám sức khỏe được chú trọng, nhất là khám chữa bệnh cho người dân vùng sâu, vùng xa. Công tác an sinh xã hội được quan tâm đúng mức. Những tháng đầu năm toàn tỉnh đã giảm được tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều xuống dưới 11% và giải quyết việc làm cho 28 ngàn lao động.

Bên cạnh những kết quả khả quan đã đạt được, nhiệm vụ còn lại những tháng cuối năm của tỉnh ta vẫn rất nặng nề, đòi hỏi phải có sự hợp lực với tinh thần đoàn kết, thống nhất cao của các cấp chính quyền địa phương.

Trong đó, cần tập trung thực hiện có hiệu quả các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh về thực hiện các giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2017; tập trung đẩy mạnh công tác thu ngân sách Nhà nước; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình, dự án trọng điểm, như: Cầu Nhật Lệ 2, Trung tâm Văn hóa tỉnh; tiếp tục khôi phục và phát triển du lịch trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh du lịch hang động, phát triển du lịch biển và các loại hình du lịch mới; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư...

Nguyễn Hoàng