.

Thăng trầm "vàng trắng" Lê Hóa

Thứ Hai, 03/07/2017, 08:28 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau nhiều năm, người dân xã Lê Hóa (Tuyên Hóa) đã gây dựng nên những cánh rừng cao su xanh mướt. Thế nhưng, vào thời điểm này, hàng trăm hộ nông dân ở đây đang đứng trước tình trạng "bỏ thì thương, vương thì nặng với cây cao su". Giá mủ cao su lên xuống khó lường chính là bài toán khó đối với chính quyền xã Lê Hoá khi họ phải đưa ra những giải pháp chỉ đạo "sống còn" đối với loài cây này...

Thăng trầm cùng cao su

Bắt đầu từ năm 1998, nằm trong chương trình phát triển cây cao su tiểu điền do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) hỗ trợ cho một số địa phương ở huyện Tuyên Hoá, xã Lê Hoá chuyển đổi một số diện tích trồng rừng theo chương trình 327 sang trồng cây cao su. Với sự hỗ trợ về kinh phí làm đất, giống, phân bón, kỹ thuật, tạo điều kiện cho tín chấp vay vốn..., trong đợt 1, toàn xã đã trồng được khoảng 70 ha cây cao su.

Một số diện tích cao su vẫn được người dân Lê Hoá
Một số diện tích cao su vẫn được người dân Lê Hoá "kiên trì" giữ nguyên hiện trạng để chờ giá tăng lên.

Bước sang giai đoạn 2001-2002, địa phương tiếp tục mạnh dạn trồng thêm đợt hai, với khoảng 60 ha, đưa tổng diện tích cây "vàng trắng" của xã đứng vào tốp đầu của huyện Tuyên Hoá. Năm 2008, lứa cao su đầu tiên bắt đầu cho mủ và mang lại lợi ích lớn. Các hộ dân ở xã Lê Hoá mạnh dạn trồng thêm hàng chục ha cao su trong khuôn viên vườn nhà, vườn đồi...

Chủ tịch UBND xã Lê Hoá Nguyễn Đình Hoàn chia sẻ về lịch sử cây cao su ở địa bàn. Theo đó, vào thời điểm mới triển khai trồng cao su ở địa phương, từ lãnh đạo cấp huyện đến xã thường xuyên về tận hộ dân để kiên trì hướng dẫn, chỉ đạo, vận động nhân dân tích cực đầu tư chăm sóc cho loài cây kinh tế chiến lược. Cả hệ thống chính trị ở Lê Hoá đều tích cực vào cuộc trong trồng cây cao su, xem đây là một trong những mũi nhọn để tạo sự đột phá mạnh về phát triển kinh tế.

Là một địa phương nghèo của huyện Tuyên Hoá, mặt bằng dân trí chưa cao, trình độ và kỹ thuật sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế..., việc đưa cây cao su về với vùng đất Lê Hoá được xem như một chiến lược "tuyên chiến" với đói nghèo, mở ra một kỳ vọng mới mang tính đột phá cho người dân nơi đây. Cao su là một cây công nghiệp dài ngày "khó tính" nên rất cần sự bền bỉ trong việc đầu tư chăm sóc, bảo vệ, bón phân.

Ở thời điểm cao su bắt đầu bén rễ trên đất Lê Hoá, bên cạnh một số hộ dân ở địa phương rất hào hứng vẫn còn những hộ thờ ơ, dẫn đến sự bỏ bê, thiếu đầu tư khiến cao su phát triển còi cọc. Bình quân mỗi ha, bà con địa phương đều trồng với mật độ 500 đến 600 cây, nhưng nhiều diện tích do thiếu sự chăm sóc kỹ lưỡng, thường xuyên nên tỷ lệ sống chỉ còn khoảng 400 cây/ha...

Mãi đến năm 2008, khi những dòng mủ cao su đầu tiên "ra lò" và thu hiệu quả kinh tế bước đầu, cao gấp nhiều lần so với trồng cây lương thực, nhiều hộ có cao su ở Lê Hoá bắt đầu “hào hứng”. Từ đó, các hộ rất tự giác, tích cực trong việc đầu tư chăm sóc. Đến năm 2011, khi giá mủ cao su ở thị trường tăng vọt với mức 45 nghìn đồng/1kg, nhiều hộ dân đã tận dụng tối đa quỹ đất vườn, đất đồi, tự mua cây giống... nhằm mở rộng thêm diện tích cao su của gia đình.

Ngoài hai đợt trồng chính, từ 2008 đến 2013, người dân xã Lê Hoá còn trồng thêm được chừng 30 ha cây cao su. Năm 2011, giá mủ cao su đạt đỉnh, có những hộ thu về mỗi ngày trên 4 triệu đồng từ việc bán mủ. Đây là nguồn thu nhập vượt sức tưởng tượng ở một địa phương nghèo như Lê Hoá. Giá trị kinh tế của cây cao su "lên ngôi", nhiều người đã ví đây là thứ cây "vàng trắng", cây "đổi đời"...

Thế nhưng, niềm vui từ cây cao su đem lại chỉ kéo dài được một quãng thời gian ngắn. Vào cuối năm 2013, 4 ha cây cao su đang trong kỳ khai thác mủ ở địa phương đã bị bão lớn làm gãy đổ. Những diện tích còn lại cũng bị ảnh hưởng dẫn tới lượng mủ giảm mạnh, mật độ cây sống chỉ còn bình quân khoảng 300-350 cây/ha.

Và ngay sau đó, việc giá mủ cao su trên thị trường bắt đầu "rớt" liên tục và kéo dài trong nhiều năm đã khiến cho hàng trăm hộ trồng cao su ở Lê Hoá dần rơi vào tình trạng lao đao. Lúc thấp nhất, giá mủ cao su hạ xuống chỉ còn 7 nghìn đồng/kg...            

"Bỏ thì thương, vương thì nặng"

Tổng diện tích cao su ở Lê Hóa hiện khoảng 170 ha. Từ cuối năm 2013, do giá cao su trên thị trường giảm mạnh cộng thêm nhiều diện tích bị thiệt hại do thiên tai, hầu hết các hộ có cao su ở Lê Hoá đã ngừng việc khai thác mủ. Một vài hộ đã tự chặt phá cao su để trồng cây keo lai thay thế. Số khác thì trồng xen cây keo lai vào giữa vườn cao su...

Trước thực tế đó, chính quyền địa phương đã tích cực vận động người dân kiên trì bảo vệ, chăm sóc cao su, đợi khi giá mủ tăng lên thì khai thác tiếp. Tuy nhiên, do giá mủ cao su ở thị trường giảm mạnh và duy trì trong quãng thời gian dài, nên việc vận động nhân dân giữ lại diện tích cây cao su gặp rất nhiều khó khăn.

Có những thời điểm ở địa phương hình thành hai quan điểm trái chiều, một bên thì muốn tiếp tục giữ lại vườn cao su, số khác thì đề nghị chặt bỏ để chuyển sang loại cây trồng khác hiệu quả hơn. “Bài toán” khó tìm được lời giải nói trên đã khiến chính quyền xã Lê Hoá rơi vào thế "bí" trong suốt một thời gian dài. Dù đã được đưa ra bàn luận trong nhiều cuộc họp để tìm phương án tối ưu, nhưng các cán bộ cốt cán ở địa phương này vẫn chưa thể thống nhất được cách giải quyết phù hợp...

Nhiều hộ dân xã Lê Hoá trồng xen cây keo lai vào vườn cao su.
Nhiều hộ dân xã Lê Hoá trồng xen cây keo lai vào vườn cao su.

"Thực tế chúng tôi chỉ có thể động viên người dân giữ lại vườn cao su chứ không thể xử phạt được. Bởi, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của họ có ghi mục đích là để trồng cây lâm nghiệp dài ngày chứ không ghi rõ loại cây gì. Chặt bỏ cao su thì coi như "đầu hàng", phá vỡ một chủ trương lớn mang tính chiến lược. Giữ lại thì xảy ra tranh cãi, bức xúc, thiệt thòi cho dân, đặc biệt là đối với những hộ có mật độ cây cao su trên 1 ha diện tích đạt thấp..."- một cán bộ xã Lê Hoá tâm sự.

Cho đến đầu năm 2017, giá mủ cao su trên thị trường bắt đầu tăng dần và cầm chừng ở mức nhiều hộ chấp nhận được. Theo nhiều người dân trồng cao su ở xã Lê Hoá, nếu duy trì ở mức 20 nghìn đồng/kg mủ cao su như thời gian gần đây thì cũng nhỉnh hơn chút so với giá trị việc trồng keo lai. Nhưng nếu giá mủ cao su giảm xuống dưới 15 nghìn như mấy năm trước thì bà con ngừng khai thác vì lỗ ngày công...

Tuy nhiên, có một thực tế đang "dở khóc, dở cười" ở Lê Hoá đó là, khá nhiều diện tích cao su hiện đang "rơi" vào thế muốn giữ được cao su thì phải chặt bỏ cây keo lai và ngược lại. Nguyên do là không ít diện tích cao su ở địa phương đang có cây keo lai mọc xen, lên cao gần bằng đầu người...

"Chúng tôi cũng đã tiến hành điều tra thực tế, lấy ý kiến của từng hộ có cao su trong xã để tập hợp và đề xuất lên cấp huyện xin ý kiến chỉ đạo. Nói chung, trong dân vẫn đang tồn tại hai quan điểm trái chiều, một bên thì muốn chặt bỏ, bên khác thì đề nghị giữ nguyên, nên rất khó giải quyết..."- Chủ tịch xã Nguyễn Đình Hoàn cho biết thêm.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Nam Giang, Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hoá cho biết, mới đây, UBND huyện Tuyên Hoá đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tiến hành khảo sát thực trạng cây cao su và tâm tư nguyện vọng của các hộ có cao su ở xã Lê Hoá để tham mưu cho huyện đưa ra giải pháp chỉ đạo phù hợp, hiệu quả. Quan điểm chỉ đạo của UBND huyện là sẽ khuyến khích những hộ trồng cao su ở địa phương tiếp tục đầu tư chăm sóc, bảo vệ, khai thác có hiệu quả đối với những diện tích cao su phát triển tốt, có mật độ cây đáp ứng yêu cầu trên 1 ha diện tích.

Riêng đối với những diện tích đất cằn cỗi, cây cao su phát triển kém, sản lượng mủ thấp, mật độ cây không đáp ứng yêu cầu trên 1 ha diện tích..., UBND huyện tạm đồng ý cho chuyển đổi sang trồng cây lâm nghiệp có hiệu quả kinh tế cao hơn như keo lai một mùa vụ (khoảng 5 - 7 năm), sau đó xem xét lại để chỉ đạo nên trồng keo lai hay cao su cho thật phù hợp...    

Văn Minh