.

Thâm canh lúa cải tiến SRI nâng cao năng suất, thu nhập cho người dân

Thứ Năm, 11/05/2017, 14:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Sáng 11-5, tại HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Quy Hậu (xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy), Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tổ chức hội thảo chia sẻ kết quả thực hiện mô hình thâm canh lúa cải tiến (SRI) trên cánh đồng mẫu lớn thuộc dự án FLOW/EOWE do Chính phủ Hà Lan tài trợ.

Các đại biểu tham quan mô hình lúa cải tiến SRI tại HTX Quy Hậu (xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy).
Các đại biểu tham quan mô hình lúa cải tiến SRI tại HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Quy Hậu (xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy).

Nhằm giảm gánh nặng, áp lực công việc và nâng cao vai trò phụ nữ trong sản xuất nông nghiệp, Tổ chức phát triển Hà Lan-Việt Nam (SNV) đã ký kết, hợp tác với UBND tỉnh dự án “Tăng cường cơ hội cho doanh nghiệp nữ/Nâng cao vai trò phụ nữ trong phát triển kinh tế và nông nghiệp” (FLOW/EOWE) với mục tiêu thúc đẩy kinh tế-xã hội, góp phần giảm nghèo, tăng cường bình đẳng giới, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và giao Sở Nông nghiệp-PTNT là đối tác chính trong việc triển khai các hoạt động.

Theo đó, vụ đông-xuân 2016-2017, Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật được Sở Nông nghiệp-PTNT giao thực hiện hợp phần sản xuất lúa theo hệ thống thâm canh cải tiến thuộc dự án FLOW/EOWE tại 3 HTX thuộc huyện Lệ Thủy: Mỹ Lộc Thượng, Quy Hậu, Thanh Tân với tổng diện tích 250ha. Mô hình có sự tham gia của 1.062 hộ, trong đó có đến 65% là nữ giới. Đến nay, mô hình đã cơ bản hoàn thành.

Tại hội thảo, đại diện Chi cục cho biết, mô hình lúa thâm canh cải tiến SRI có khả năng chống chịu với sâu bệnh cao, do đó chi phí cho công tác bảo vệ thực vật cũng thấp hơn so với ruộng lúa ngoài mô hình (tiết kiệm 39,5%).

Việc sử dụng nguồn nước tiết kiệm có hiệu quả hơn so với canh tác lúa truyền thống (giảm 3 lần), lúa sinh trưởng phát triển tốt, bộ rễ ăn sâu, tăng khả năng chống chịu với điều kiện thiếu nước hoặc hạn chế tối đa hiện tượng đổ ngã khi gặp điều kiện thời tiết bất lợi.

Lúa canh tác theo mô hình SRI có tỷ lệ hạt chắc trên bông, dẫn đến năng suất cao hơn so với ngoài mô hình. Phương pháp SRI lợi nhuận 1 sào (500m2) so với ruộng sản xuất thông thường cao hơn từ 179.800-191.300 đồng, tương đương 3.596.000-3.791.000 đồng/ha.

Với 60ha thực hiện tại HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Quy Hậu, thu nhập cao hơn ruộng ngoài mô hình từ 215-277 triệu đồng. Nếu toàn bộ diện tích lúa huyện Lệ Thủy (10.150ha) tham gia thực hiện mô hình SRI thì thu nhập được tăng thêm khoảng 35,5-38,4 tỷ đồng/vụ.

Việc áp dụng đồng bộ hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI giúp cải tạo đất, bảo vệ môi trường (giảm lượng khí phát thải N2O, khí CH4). Sản xuất SRI tạo được sản phẩm lúa gạo sạch, chất lượng cao, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo đảm an toàn an ninh lương thực; hiệu quả kinh tế cao hơn, giúp người phụ nữ có thêm thu nhập và có tiếng nói trong gia đình…

Do đó, Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật đề nghị Tổ chức phát triển Hà Lan tiếp tục hỗ trợ kinh phí để nhân rộng mô hình trong những năm tiếp theo.

Lê Mai