.

Xã Cao Quảng: Nông dân gặp khó khăn do ruộng đất bị bồi lấp, sạt lở

Thứ Sáu, 23/12/2016, 14:06 [GMT+7]

(QBĐT) - Hiện nay đang là thời điểm xuống đồng sản xuất vụ đông-xuân, nhưng nhiều hộ dân ở xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa lại đang gặp rất nhiều khó khăn do phần lớn diện tích đất sản xuất đã bị bồi lấp hoặc sạt lở.

Lũ dữ đã đi qua, hậu quả trước mắt đã được khắc phục, người dân đang dần ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, những thiệt hại về đất đai canh tác do bị bồi lấp và sạt lở thì còn ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống của người dân. Đang là thời điểm chính vụ xuống giống ngô đông-xuân nhưng chị Võ Thị Lài ở thôn Quảng Hòa, xã Cao Quảng chỉ biết đi làm giúp cho người khác, còn hơn một sào đất trồng ngô của gia đình chị tại cánh đồng Sũng Hà thì vẫn nằm sâu dưới lớp cát dày hơn một mét.

Theo chị Lài thì, bằng sức người khó có thể cải tạo lại được đồng ruộng để sản xuất như trước đây, còn nếu chuyển đổi cây trồng thì cũng chẳng có cây gì sống nổi trên cánh đồng cát như thế này. Hiện gia đình chị cũng như nhiều hộ khác trong thôn đang lâm vào cảnh khó khăn vì thiếu đất sản xuất.

Đất sản xuất bị sạt lở tại thôn Chùa Bụt, xã Cao Quảng.
Đất sản xuất bị sạt lở tại thôn Chùa Bụt, xã Cao Quảng.

Ông Nguyễn Đức Hạnh, Trưởng thôn Quảng Hòa, xã Cao Quảng cho biết: Thôn có 60 hộ, 218 khẩu, là thôn có diện tích đất sản xuất ít nhất so với các thôn khác trên địa bàn xã Cao Quảng, toàn thôn chỉ có 4 ha đất sản xuất. Trong đó, diện tích bị bồi lấp gồm 0,5 ha đất trồng lúa và trên 1 ha đất trồng màu các loại.

Do phần lớn diện tích đất canh tác nằm gần bờ sông nên sau hai đợt lũ vào giữa tháng 10 và đầu tháng 11 vừa qua, khoảng 1/3 diện tích đất của thôn bị bồi lấp và xói lở nặng, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của người dân trong thôn.

Bi đát hơn người dân thôn Quảng Hòa, hơn 20 hộ gia đình ở thôn Chùa Bụt, xã Cao Quảng đã mất hẳn đất canh tác do sạt lở bờ sông. Dẫn chúng tôi tới thăm cánh đồng Cồn Bàn, ông Trần Vũ Thắng, Bí thư chi bộ thôn Chùa Bụt cho biết, đây là vùng đất canh tác chính của người dân trong thôn. Hằng năm, bà con trồng ngô, trồng lạc và một số cây ngắn ngày phục vụ đời sống. Thế nhưng, sau hai đợt lũ vừa rồi, diện tích bị sạt lở gần 1 ha, tập trung vào khoảng 20 hộ dân có đất nằm sát bờ sông. Số hộ này hiện nay không còn đất để canh tác nên sẽ hết sức khó khăn trong thời gian tới.

Tổng hợp của UBND xã Cao Quảng cho thấy, hiện toàn xã có 15 ha đất sản xuất bị vùi lấp và sạt lở sau những đợt lũ vừa qua, trong đó đất trồng lúa trên 1 ha, còn lại là đất trồng cây hàng năm và đất trồng rừng. Hiện UBND xã đang chỉ đạo bà con nhân dân tiến hành cải tạo, khắc phục các diện tích bị bồi lấp nhẹ để sản xuất, một số diện tích chuyển đổi sang trồng các loại cây khác. Còn những diện tích bị sạt lở hoặc bồi lấp nặng thì trước mắt đưa ra khỏi kế hoạch sản xuất năm 2017, đồng thời đề nghị cấp trên để có phương án xử lý và hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống.

Không chỉ có xã Cao Quảng, mà tại nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Tuyên Hóa, hiện tượng ruộng đất bị bồi lấp và sạt lở diễn ra khá phổ biến, khiến cho việc sản xuất của người dân gặp không ít khó khăn.

Hiện nay, các địa phương đang tích cực triển khai việc cải tạo đất để kịp thời sản xuất cây trồng vụ đông – xuân. Song đối với những vùng bị bồi lấp nặng thì hầu hết các địa phương vẫn chưa có phương án xử lý hiệu quả. Riêng đối với diện tích bị sạt lở thì đành phải chấp nhận mất hẳn đất sản xuất, nhiều gia đình đang lâm vào cảnh khó khăn vì không còn đất để canh tác.

Văn Tư