.

Tuyên Hoá: Tập trung khôi phục sản xuất nông nghiệp sau lũ lụt

Thứ Tư, 28/12/2016, 08:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau các đợt lũ lụt dồn dập xảy ra giữa tháng 10 và đầu tháng 11 năm 2016, ngành nông nghiệp ở huyện Tuyên Hoá đã gánh chịu nhiều thiệt hại nghiêm trọng. Tuy nhiên, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự hỗ trợ kịp thời của các cấp, ngành, nhà hảo tâm..., sản xuất nông nghiệp năm 2016 trên địa bàn huyện Tuyên Hoá đã có sự hồi phục trở lại và đạt được nhiều kết quả tích cực...

Báo cáo của UBND huyện Tuyên Hoá cho biết, tổng thiệt hại do lũ lụt gây ra đối với địa bàn huyện trong năm 2016 ước khoảng 500 tỷ đồng. Đây là con số thiệt hại rất lớn đối với huyện nghèo Tuyên Hoá nói chung cũng như đối với ngành nông nghiệp của địa phương nói riêng...

Sau lũ lụt 2016, được sự quan tâm giúp đỡ tích cực từ các cấp, ngành, đoàn thể, nhà hảo tâm..., toàn thể hệ thống chính trị ở Tuyên Hoá đã gấp rút vào cuộc để cùng với nông dân chung tay khắc phục hậu quả do thiên tai gây nên. Thời gian qua, toàn huyện đã chú trọng đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó ưu tiên khắc phục, sửa chữa lại các công trình bị hư hỏng do lũ lụt; tiến hành bố trí lại cơ cấu giống, khôi phục lại tổng đàn gia súc, gia cầm...

Ông Nguyễn Tri Phương, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Tuyên Hoá chia sẻ: Nhằm giúp bà con nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, kịp thời ổn định đời sống và khôi phục sản xuất, ngay sau lũ, huyện Tuyên Hoá đã tập trung chỉ đạo các địa phương kiểm tra hiện trạng các công trình giao thông, hồ đập, đê kè.

Tiếp đến, UBND huyện Tuyên Hoá khẩn trương chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành đánh giá về mức độ hư hỏng của các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp, để từ đó có biện pháp sửa chữa kịp thời, bảo đảm phục vụ tốt cho sản xuất vụ đông - xuân 2016-2017 và kế hoạch phát triển nông nghiệp năm 2017.

Huyện Tuyên Hoá đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, khắc phục lại những công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Huyện Tuyên Hoá đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, khắc phục lại những công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Sau lũ lụt, huyện Tuyên Hoá đã chỉ đạo nhiều xã, thị trấn tập trung nhân lực, phương tiện đồng loạt ra quân làm công tác thuỷ lợi như: Nạo vét kênh mương, tu bổ công trình thuỷ lợi hư hỏng, khơi thông dòng chảy, xây dựng kế hoạch tưới tiêu hợp lý và tiết kiệm. Bên cạnh đó, các địa phương đã vận động nhân dân tập trung cải tạo lại đồng ruộng, nhất là tại những địa điểm bị vùi lấp, xói lở; lựa chọn cây trồng phù hợp để gieo trồng hết diện tích, tránh việc bỏ hoang đất đai một cách lãng phí.

Đối với những diện tích không bảo đảm nước tưới, Phòng NN và PTNT huyện Tuyên Hoá yêu cầu UBND các xã, thị trấn chủ động hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách phù hợp; tranh thủ tối đa nguồn vốn từ các chương trình, dự án, sự hỗ trợ của cấp trên, nhà hảo tâm... để đầu tư cho khắc phục, sửa chữa, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp...   

Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Tuyên Hoá Nguyễn Tri Phương thông tin thêm: Trên cơ sở nhu cầu đăng ký về giống lúa, ngô, lạc..., Phòng NN và PTNT huyện đã sớm chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành cung ứng đầy đủ giống cho bà con ngay từ đầu mùa vụ.

Theo đó, ở vụ đông-xuân 2016-2017, Tuyên Hoá chú trọng sử dụng các giống lúa chất lượng ở trà chính vụ như: P6, XT28, TBR225; trà muộn gồm PC6, HT1, Nếp IJ352, Nếp SVN1. Đối với giống lúa thâm canh, phòng chỉ đạo bà con sử dụng giống lúa thâm canh ở trà chính vụ là: IR35366, GL105, Xi23, X21, NX30; trà muộn gồm: DV108, KD18, Nhị ưu 838, Nhị ưu 986.

Ngoài ra, Phòng NN và PTNT huyện Tuyên Hoá còn chỉ đạo một số địa phương sử dụng các giống mang tính đặc thù của địa phương, giống có triển vọng như: B-Te1, BG1, TBR1, VN20, SV181... Tương tự, đối với giống ngô lai, huyện bố trí các giống chủ lực như DK9901, CP888, NK6326, PAC 399, CP501, CP3Q...; ngô nếp VN2, MX4, HN88, Tố Nữ, WAX44...; các giống ngô có triển vọng, giống làm thức ăn xanh cho gia súc DK9955, NK4300, B265, DK9901. Riêng đối với giống lạc, huyện chỉ đạo bà con gieo trồng các loại giống L23, L14 ... và giống lạc tiến bộ kỹ thuật SVL1. Ngoài ra, chúng tôi chỉ đạo nông dân gieo trồng các giống đậu xanh hiệu quả cao như ĐX208, ĐX044...

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trong năm 2017, mục tiêu mà UBND huyện Tuyên Hoá đặt ra, đó là tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các đề án liên quan tới tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững; đẩy mạnh phát triển đàn bò lai giai đoạn 2016 - 2020; chú trọng cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt là rừng sản xuất...

Cụ thể, địa phương phấn đấu đến hết năm 2017, tổng đàn gia súc sẽ đạt 51.000 con; tỷ trọng của ngành chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp chiếm 51%; tổng sản lượng lương thực đạt 19.000 tấn... Để đạt được nhiệm vụ nói trên, huyện Tuyên Hoá sẽ triển khai các biện pháp, giải pháp: Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ khuyến khích người dân thay thế đàn bò cái địa phương bằng giống bò lai, bò Úc tại các xã trong vùng dự án SRDP có chuỗi giá trị bò (xã Cao Quảng, Thuận Hóa, Lâm Hóa, Lê Hóa, Kim Hóa); mở rộng diện tích trồng cỏ để phát triển chăn nuôi (dự kiến trồng mới để nâng diện tích trồng cỏ lên 522 ha vào cuối năm 2017); thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y; từng bước triển khai xây dựng thương hiệu “Gà đồi Tuyên Hóa”; phát huy có hiệu quả thương hiệu “Mật ong Tuyên Hóa”.

Bước vào vụ sản xuất đông- xuân 2016-2017, UBND huyện Tuyên Hoá vẫn tiếp tục đưa ra chính sách hỗ trợ 10% giá gốc đối với giống lúa, ngô, lạc cho nông dân. Riêng đối với đồng bào Mã Liềng ở hai xã Lâm Hoá và Thanh Hoá, huyện hỗ trợ 100% giống lúa, ngô, lạc. Với những giải pháp đồng bộ, cụ thể và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tin rằng Tuyên Hoá sẽ găt hái được nhiều thắng lợi trong phát triển nông nghiệp năm 2017 và những năm tiếp theo.

Văn Minh