.

Quảng Ninh: Đẩy mạnh phát triển CN-TTCN và ngành nghề nông thôn

Thứ Tư, 21/12/2016, 08:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn (CN, TTCN và NNNT) được các cấp chính quyền huyện Quảng Ninh xác định là giải pháp đẩy nhanh mục tiêu CNH, HĐH nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới. Vì thế, những năm gần đây, CN, TTCN và NNNT ở Quảng Ninh đã có bước phát triển mới bằng nhiều hình thức sản xuất đa dạng, phong phú, góp phần làm thay đổi diện mạo quê hương, nâng cao đời sống cho nhân dân.

 

Nhà máy gạch Tuynel Vĩnh Ninh đi vào sản xuất với sản phẩm đạt chất lượng được thị trường ưa chuộng.
Nhà máy gạch Tuynel Vĩnh Ninh đi vào sản xuất với sản phẩm đạt chất lượng được thị trường ưa chuộng.

Ông Bùi Văn Khảm, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Quảng Ninh cho biết: Những năm trước đây, hầu hết các cơ sở CN, TTCN và NNNT trên địa bàn huyện được hình thành một cách tự phát, nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được yêu cầu của địa phương, hiệu quả sản xuất đạt giá trị thấp...

Để CN, TTCN và NNNT trở thành động lực mang tính đột phá cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, đồng thời khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và ô nhiễm môi trường, những năm gần đây, huyện Quảng Ninh đã chú trọng phát triển CN, TTCN và NNNT theo hướng tập trung, quy hoạch, phát triển khu CN, cụm điểm TTCN, NNNT...

Từ đó, khai thác tiềm năng, lợi thế của huyện về ngành nghề, lao động, nguồn lực hiện có, duy trì tốt các ngành nghề truyền thống, xây dựng làng nghề và nhân cấy nghề mới, đồng thời tranh thủ nguồn lực bên ngoài để đẩy mạnh phát triển sản xuất CN, TTCN...

Cùng với các chính sách đầu tư, hỗ trợ từ nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh, huyện Quảng Ninh đã nỗ lực trong công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư vốn xây dựng kết cấu hạ tầng khu CN, cụm điểm TTCN, NNNT, đồng thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nhằm thu hút doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo nhiều việc làm cho người lao động.

Đến nay trên địa bàn huyện đã hình thành 2 khu CN: khu vực Áng Sơn-Vạn Ninh và khu CN Tây Bắc Quán Hàu, Vĩnh Ninh; trên 100 cơ sở sản xuất CN, TTCN (trong đó 4 cơ sở công nghiệp), tăng 20 cơ sở so với năm 2010. Về NNNT, có 1.379 cơ sở, tăng 285 cơ sở.

Trên cơ sở đó, đã trực tiếp giải quyết việc làm cho 5.860 lao động trên địa bàn huyện (CN-TTCN 1.300 lao động, NNNT là 4.560 lao động). Đặc biệt, Nhà máy may S&D thu hút và giải quyết việc làm cho gần 700 lao động, chủ yếu là con em các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, với mức lương 3-5 triệu đồng/người/tháng. 

Nhờ vậy, năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp của huyện đạt 894,646 tỷ đồng, tăng 0,17% so cùng kỳ. Trong đó: Công ty cổ phần ước đạt 700,177 tỷ đồng (giảm 3,06%); công ty TNHH 73,294 tỷ đồng, tăng 23,12%; HTX 11,922 tỷ đồng, tăng 18,27%; cá thể 109,253 tỷ đồng, tăng 7,91%.

Một số cơ sở sản xuất CN đạt hiệu quả như: sản xuất áo quần gia công ước đạt 2.102 ngàn sản phẩm, tăng 26,22%; Nhà máy xi măng Áng Sơn II hoạt động cho ra sản phẩm clinker tiêu thụ đạt khá, sản xuất xi măng đạt 290.974 tấn (tăng 2,83%), xi măng gia công 188.844 tấn (tăng 5,7%), clinker 536.563 tấn (tăng 6,23%); Nhà máy Tuynel Vĩnh Ninh đi vào sản xuất ổn định, sản phẩm bán ra thị trường đạt chất lượng yêu cầu với 5.845 ngàn viên, tăng 203%; Nhà máy tinh bột sắn Long Giang Thịnh sản lượng đạt 5.375 tấn (tăng 5,33%)...

TTCN và NNNT trên địa bàn tiếp tục duy trì với các sản phẩm chủ yếu như nước mắm, khoai deo Hải Ninh, rượu Võ Xá, mộc dân dụng, các cơ sở sản xuất gạch blốc... Một số cơ sở sản xuất ở khu làng nghề thị trấn Quán Hàu hoạt động khá như: HTX mộc mỹ nghệ Phú Quý - gia công chế biến gỗ...

Có thể thấy, với các giải pháp phù hợp hiệu quả mà địa phương đang thực hiện, sản xuất CN, TTCN và NNNT trên địa bàn Quảng Ninh đã có sự phát triển một cách bền vững, tăng trưởng khá ổn định, tạo nên một diện mạo nông thôn mới hiện đại theo hướng CNH, HĐH, góp phần nâng cao dân trí và thu nhập cho người dân, giúp họ có điều kiện vươn lên làm giàu chính đáng. Đây là tiền đề quan trọng để Quảng Ninh thực hiện mục tiêu mở rộng phát triển các khu CN, cụm điểm TTCN, NNNT trên địa bàn như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra.

Bên cạnh những kết quả đạt được, có thể thấy ngành nghề TTCN và làng nghề trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Quảng Ninh nói riêng hiện nay lại đang trong tình trạng tự sản tự tiêu, tự lo nguyên vật liệu sản xuất, tự bán sản phẩm; chưa có định hướng phát triển rõ ràng, thiếu tính bền vững. Thêm vào đó là sản xuất quy mô nhỏ, manh mún, công nghệ thủ công lạc hậu, không đồng bộ. Trong khi đó lao động chủ yếu được đào tạo bằng hình thức kèm cặp tại cơ sở doanh nghiệp và tự học nghề tại hộ gia đình...

Vì vậy để ngành nghề TTCN, làng nghề được phục hồi và phát triển một cách vững chắc và lâu dài, góp phần xoá đói giảm nghèo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương, tham gia vào phát triển kinh tế của tỉnh, trước hết cần phải có những định hướng cụ thể và mang tính bền vững rồi sau đó ưu tiên phát triển các ngành nghề có thế mạnh trên từng địa bàn như: đan lát, chổi đót, mộc mỹ nghệ, than củi hoa sạch, khai thác vật liệu xây dựng, hàn xì,... “Nhà nước cũng cần ban hành những chính sách cụ thể đồng thời hỗ trợ về tài chính, xây dựng cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào các cụm điểm TTCN nhằm thu hút đầu tư và kích thích sản xuất phát triển.

Mặt khác, cũng cần có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư mặt bằng sản xuất, xúc tiến thương mại để thực hiện sao cho "mỗi làng một nghề, mỗi xã có ít nhất một làng nghề"- ông Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh trao đổi thêm.

Hương Trà