.

Xây dựng nông thôn mới ở các xã biển - Kỳ 2: "Còn chồi"... sẽ "nảy cây"!

Thứ Tư, 20/07/2016, 16:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau sự cố môi trường do Formosa Hà Tĩnh xả chất độc hại làm cá biển chết hàng loạt, đi về các xã biển bây giờ, điều dễ gặp nhất là những con tàu, con thuyền nằm lặng lẽ thu mình trên bờ cát, những hàng quán vẫn mở cửa nhưng khách hầu như vắng bóng, duy chỉ có ánh mắt của người dân miền biển vẫn đau đáu khát khao tiếp tục vươn khơi để làm giàu, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Nhìn vào những ánh mắt sáng ngời ý chí đó, tin tưởng rằng lộ trình xây dựng nông thôn mới tại các xã ven biển, bãi ngang, cồn bãi tuy khó chồng khó, nhưng đích cuối vẫn sẽ không xa, bởi “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”. Điều quan trọng là lộ trình này phải được xem xét, đánh giá lại cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại và có những bước đi kịp thời, linh hoạt, hiệu quả nhất.

>> Kỳ 1: Khi "biển" đang làm khó nông thôn mới

Mấu chốt là ổn định kế sinh nhai

Formosa Hà Tĩnh cam kết sẽ hỗ trợ để người dân các xã bị ảnh hưởng bởi sự cố cá chết hàng loạt chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp. Tuy nhiên, để thực hiện điều này không phải là việc đơn giản, ngày một ngày hai.

Ông Nguyễn Văn Thuân, Trưởng thôn Bắc Phú (Quang Phú, TP.Đồng Hới) cho biết, tập quán truyền thống của người dân Quang Phú từ trước đến nay là đánh bắt vùng lộng, từ 15 hải lý trở vào đất liền. Bà con đã quá quen thuộc với phương thức sản xuất này từ nhiều đời nay, giờ đây chuyển đổi sang đánh bắt xa bờ hay nghề nghiệp khác sẽ vô cùng khó khăn.

Qua tâm tư chia sẻ, lớp thanh niên mong muốn được hỗ trợ đi xuất khẩu lao động, lớp trung niên thì vẫn muốn bám biển và chờ đợi sự giúp sức để đóng tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ. Nhưng, nếu như vậy, bà con băn khoăn tàu công suất nhỏ cũ sẽ biết xử lý như thế nào đây, biết bán cho ai, biết sử dụng vào mục đích gì?. Đó là những câu hỏi đau đáu theo đuổi bà con suốt thời gian qua.

Theo ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Quang Phú, sinh kế cho người dân là vấn đề được đặt ra hàng đầu để có thể tiếp tục giữ vững các tiêu chí xây dựng nông thôn mới mà xã đã đạt được. Trước mắt, chính quyền xã tiếp thu nguyện vọng của nhân dân, chờ đợi chính sách hỗ trợ và định hướng từ cấp cao hơn.

Song song với đó, chính quyền xã cũng đề đạt ý kiến, nếu khuyến khích người dân tiếp tục đi biển, thì cần khoanh nợ, giãn nợ với các hộ đã vay để đóng tàu thuyền, cam kết tổ chức thu mua cá cho người dân đánh bắt xa bờ, bảo đảm môi trường biển sạch, xét nghiệm mẫu cá an toàn để khuyến cáo cho ngư dân, người tiêu dùng và quan trọng hơn, cho bà con xã biển khám sức khỏe, hỗ trợ bảo hiểm y tế và ưu đãi cho con em đang học tại các trường để giảm bớt gánh nặng cho hộ gia đình đi biển.

Với người dân bãi ngang chuyên đánh bắt gần bờ như Ngư Thủy Nam (Lệ Thủy), việc đóng tàu đánh bắt xa bờ vẫn còn nhiều điều phải bàn.
Với người dân bãi ngang chuyên đánh bắt gần bờ như Ngư Thủy Nam (Lệ Thủy), việc đóng tàu đánh bắt xa bờ vẫn còn nhiều điều phải bàn.

Đó cũng là nguyện vọng chung của người dân các xã biển khác trên địa bàn tỉnh ta, đúng như ông Nguyễn Văn Nghị, Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Trạch (Bố Trạch) đã tâm sự, biển được ví như “ngôi nhà thứ hai” của mỗi ngư dân, nếu rời xa ngôi nhà này, mặc dù thu nhập có ổn định thì tâm lý nhớ thương sẽ không thể nguôi ngoai. Chính vì vậy, hơn ai hết, với sự hỗ trợ nhiều mặt, bà con luôn muốn ở lại với biển.

Ngoài ra, cần lưu ý không chỉ chú trọng vấn đề việc làm cho các ngư dân đánh bắt gần bờ, mà còn phải quan tâm đến sinh kế cho những đối tượng chịu tác động gián tiếp, như: buôn bán, dịch vụ du lịch, làm muối, chế biến hải sản... Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh (Đồng Hới) chia sẻ thêm, xã Bảo Ninh còn có thêm một đối tượng đặc thù bị ảnh hưởng cần được hỗ trợ kế sinh nhai, đó là những người đánh bắt trên sông Nhật Lệ.

Mặc dù không mưu sinh trên biển, nhưng với sự tác động nghiêm trọng của sự cố cá chết và tâm lý của người dân, nguồn thu nhập của họ cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Bên cạnh đó, không chỉ ngư dân đánh bắt gần bờ, ngư dân vươn khơi xa cũng chịu thiệt hại, bởi thị trường tiêu thụ và giá cả hải sản giảm mạnh. Họ cũng cần được hỗ trợ để giảm lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ và bảo đảm nguồn thu mua hải sản, giá cả cũng như kiểm định chất lượng hải sản từ cơ quan chức năng.

Ông Nguyễn Quốc Út, Phó Chánh Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, cho hay, trên thực tế, việc chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân đánh bắt gần bờ đã được triển khai từ 4-5 năm nay, nhưng kết quả không đáng là bao, bởi một khi đã là thói quen, tập quán thì rất khó bỏ.

Nay, cùng với sự cố cá chết, các cơ quan chức năng sẽ có sự rà soát, đánh giá lộ trình chuyển đổi nghề nghiệp này trên cơ sở tâm tư nguyện vọng của bà con ngư dân ở mỗi địa phương. Suy cho cùng, một khi đã ổn định kế sinh nhai, thu nhập bền vững thì cơ hội để giữ vững và hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới sẽ thực sự rộng mở ở các xã biển.

Suy ngẫm về tiêu chí môi trường và đổi mới bộ tiêu chí

Tiêu chí 17 về môi trường trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới quy định về tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường, không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh-sạch-đẹp, nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch, chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định.

Vậy, nếu tham chiếu theo các quy định của tiêu chí này, sẽ không có xã biển nào của tỉnh ta đạt được tiêu chí 17, bởi môi trường biển đang bị ô nhiễm nghiêm trọng sau khi Formosa Hà Tĩnh xả chất độc hại làm cá biển chết hàng loạt.

Ông Nguyễn Quốc Út thì cho rằng, đây là nguyên nhân hoàn toàn không xuất phát từ địa phương, do đó, việc đạt tiêu chí 17 của các xã biển không bị ảnh hưởng gì. Nhân đây, cần bàn thêm về tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới ở các xã biển. Với đặc điểm địa lý đặc thù, không chỉ có môi trường dân cư, môi trường lao động, các xã trên còn có môi trường biển để nâng niu, bảo vệ. Vì lý do đó, đối với các xã biển, tiêu chí môi trường cần đề cập đến rộng hơn, chi tiết và cụ thể hơn, qua đó, nâng cao ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân cũng như chính quyền địa phương.

Không chỉ tiêu chí về môi trường, mà theo ông Nguyễn Quốc Út, nhiều tiêu chí khác trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới trong thời gian tới cũng sẽ được thay đổi. Theo định hướng của Chính phủ, có thể mỗi tỉnh sẽ có những điều chỉnh các tiêu chí cho phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương mình trên cơ sở bảo đảm “sườn cơ bản” của Bộ tiêu chí quốc gia. Đồng thời, trong thời gian tới, các xã biển bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường cần có sự đánh giá, xem xét lại và có sự

Dù khó khăn chồng chất khó khăn, dù vất vả tràn lên vất vả, nhưng người dân “kẻ biển” với sự chịu thương, chịu khó và niềm tin vào biển sẽ vượt qua tất cả để xây dựng thành công lộ trình nông thôn mới, ổn định và nâng cao cuộc sống. Vấn đề lớn nhất của chính quyền các cấp là lắng nghe người dân và có những bước đi đúng đắn, phù hợp nhất.

Mai Nhân