.

Minh Hóa: Chưa khai thác tốt đất lâm nghiệp

Thứ Sáu, 08/07/2016, 07:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Có thể nói huyện Minh Hóa có nhiều tiềm năng đất đai để phát triển kinh tế nông nghiệp, mà trọng tâm là trồng rừng kinh tế. Tuy nhiên suốt cả một thời gian dài từ khi tái lập huyện đến nay các địa phương trong huyện chỉ trồng được khoảng 4.000ha rừng kinh tế, nguồn thu từ trồng rừng còn quá khiêm tốn so với một huyện miền núi có nhiều lợi thế về đất lâm nghiệp như Minh Hóa.

Còn nhớ, gần 15 năm trước khi Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh về thăm huyện Minh Hóa, nhận thấy Minh Hóa có nhiều lợi thế về đất đai, điều kiện tự nhiên so với vùng núi phía bắc nước ta, Tổng Bí thư đã đề nghị lãnh đạo huyện chỉ đạo bà con tập trung trồng rừng và chăn nuôi bò, xem đó là hướng đi lên bền vững lâu dài của huyện miền núi Minh Hóa. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, những năm qua Minh Hóa đã chú trọng phát triển trồng rừng, một số địa phương trong huyện có thu nhập khá nhờ rừng.

Nhờ nguồn vốn của các chương trình dự án hỗ trợ, Minh Hóa đã  đầu tư công tác quản lý bảo vệ và trồng rừng. Ngoài ra bà con tự bỏ tiền ra để trồng rừng, phát triển kinh tế gia đình. Đến nay toàn huyện đã xây dựng được 46 mô hình trang trại trồng rừng và chăn nuôi. Một số mô hình có hiệu quả kinh tế cao, thu nhập từ 50-70 triệu đồng/năm, hình thành các nhân tố tích cực cho nông dân trong huyện học tập và nhân rộng.

Trong 5 năm qua, bình quân mỗi năm người dân trong huyện đã trồng mới 450 đến 500ha rừng (chủ yếu trồng lại rừng sau khi kết thúc chu kỳ khai thác), đưa tổng diện tích rừng trồng trên địa bàn đạt gần 4.000 ha. Đi đầu trong phong trào nhận đất để trồng rừng là xã Hoá Phúc, Xuân Hoá, Hồng Hoá...

Cây cao su không phù hợp với nhiều vùng đất ở Minh Hóa.
Cây cao su không phù hợp với nhiều vùng đất ở Minh Hóa.

Ngoài việc đầu tư chủ yếu trồng keo lai và cây bản địa, một số xã ở Minh Hoá đã đầu tư trồng cây cao su ở các vùng đất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của cây cao su. Đến nay trên địa bàn huyện có tổng diện tích cao su gần 650 ha, trong đó, diện tích trồng mới 5 năm qua khoảng 300ha. Sản lượng khai thác mủ cao su bình quân 50-60 tấn/năm. Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng cũng tăng đáng kể: năm 2011 là 14.522m3, năm 2012 là 64.800m3, năm 2013 đạt 75.500m3 và nay khoảng 80.000m3. Thu nhập từ trồng rừng không ngừng tăng lên đã từng bước cải thiện cuộc sống của người dân, tạo nguồn vốn cho người dân đầu tư mua sắm máy móc, công cụ sản xuất, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì việc phát triển rừng trồng ở Minh Hóa còn quá khiêm tốn, thu nhập từ trồng rừng còn chiếm tỷ trọng nhỏ đối với nền kinh tế của huyện. Trong khai thác rừng trồng, chủ yếu hộ dân khai thác rừng non để bán gỗ dăm nên hiệu quả mang lại còn rất thấp. Đối với cây cao su, sau gần 15 năm canh tác đến nay cho thấy, điều kiện tự nhiên khí hậu ở Minh Hóa không phù hợp với loại cây được xem là "vàng trắng" này. Hầu hết các vườn cây cao su trên địa bàn chậm phát triển, tỷ lệ cây bị chết do rét qua hàng năm ngày một tăng và sản lượng mủ thu hoạch trên một đơn vị diện tích đạt thấp so với mức bình quân trong tỉnh.

Bên cạnh đó, người dân còn mang nặng tư duy sản xuất nhỏ, chưa chủ động và khó tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất; quá trình trồng rừng còn đang sử dụng các giống không rõ nguồn gốc, giống trôi nổi trên thị trường nên chất lượng rừng trồng về sau rất thấp; mật độ trồng thường cao hơn nhiều so với khuyến cáo.

Theo lộ trình, năm 2016 Minh Hóa sẽ chuyển đổi 500ha rừng nghèo kiệt, trong đó xã Tân Hóa được giao chuyển đổi 3 tiểu khu với diện tích 281,8ha. Năm 2017 và các năm tiếp theo tiếp tục chuyển đổi 500ha/năm, để đến năm 2020 phải chuyển đổi đạt 3.000ha rừng nghèo kiệt sang rừng kinh tế.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, khó nhất khi thực hiện chuyển đổi rừng là các thủ tục và nguồn vốn. Theo quy hoạch ba loại rừng và thực tế có sự sai khác về hiện trạng, vì vậy khi tiến hành chuyển đổi một số diện tích thiếu cơ sở pháp lý quy hoạch, người dân không thể tổ chức sản xuất được. Chính quyền địa phương một số nơi chưa thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, còn trông chờ, ỷ lại vào sự chỉ đạo và làm thay của UBND cấp trên hoặc giao phó cho các ngành chức năng như kiểm lâm, công an...; thiếu sự quan tâm chỉ đạo, đôn đốc.

Mặt khác, tình trạng người dân không thực hiện đúng trình tự của công tác cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt, tự ý phát rừng để trồng rừng vẫn còn xảy ra. Nhu cầu phát triển kinh tế ngày càng cao, diện tích rừng nghèo trên địa bàn khá lớn nhưng chưa có giải pháp để cải tạo, trồng rừng thay thế. Một thực trạng đáng buồn đang tồn tại bấy lâu nay ở Minh Hóa là rừng trồng không theo đúng quy trình kỹ thuật, dẫn đến chất lượng rừng thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Hầu hết các địa phương có mật độ cây rừng trồng dày đặc.

Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp và PTNT, mỗi ha trồng keo mật độ từ 2.000-2.200 cây, nhưng ở Minh Hóa hầu hết bà con đã trồng 5.000-6.000 cây/ha. Vì vậy cây rừng chỉ phát triển chiều cao, trữ lượng gỗ rất thấp.

Trong số diện tích rừng nghèo kiệt ở Minh Hóa mà UBND tỉnh cho phép chuyển đổi, phần lớn được giao cho hộ gia đình khoanh nuôi bảo vệ (rừng có sổ đỏ). Để chuyển đổi rừng cần thuê đơn vị tư vấn chuyên ngành lâm nghiệp thiết kế cải tạo rừng với kinh phí  881.729 đồng/ha, số tiền này người dân phải bỏ ra.

Riêng đối với các xã có Dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo tỉnh Quảng Bình (SRDP) hỗ trợ, công tác cải tạo rừng sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí. Qua phản ánh của người dân thì do chính quyền địa phương chưa tổ chức chuyển đổi rừng nên từng hộ dân đơn lẻ có muốn làm cũng không thể được.

Tóm lại, tiềm năng lợi thế về đất lâm nghiệp ở Minh Hóa còn rất lớn, nhưng do khâu tổ chức thực hiện của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương làm chưa tốt đã gây lãng phí không nhỏ đối với nguồn tài nguyên này.

Trọng Thái