.

Hiệu quả từ mô hình trồng mướp đắng ở xã Xuân Hóa

Thứ Hai, 27/06/2016, 11:49 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ một vùng đất trước đây sử dụng trồng lúa hai vụ, nhưng do điều kiện nước tưới không bảo đảm, năng suất lúa rất thấp, gia đình chị Đinh Thị Lệ Quyên ở thôn Minh Xuân, xã Xuân Hóa (huyện Minh Hóa) đã chuyển sang trồng mướp đắng. Nhờ đó 3 năm nay gia đình chị Quyên đều có thu nhập cao.

Trong những ngày giữa tháng 6, chúng tôi đến vườn mướp đắng đang vào mùa thu hoạch của gia đình chị. Với diện tích trên 2 sào, trước đây gia đình chị sử dụng trồng lúa 2 vụ, do thiếu nguồn nước tưới nên chị đã chuyển qua trồng các loại rau như bí xanh, cà và chủ lực là cây mướp đắng. Chị Quyên cho biết:

Gần hai tháng nay, trung bình mỗi ngày gia đình chị thu hoạch gần 1 tạ mướp đắng, với giá bán trên thị trường từ 8.000-15.000 đồng/kg, chị thu về gần 1 triệu đồng. Gia đình chị đã tập trung cải tạo đất, sử dụng phân chuồng để tạo chất dinh dưỡng cho đất, đầu tư dây thép, dây cước và cọc rào để làm giàn.

Vườn mướp đắng của gia đình chị Quyên.
Vườn mướp đắng của gia đình chị Quyên.

Cuối tháng 12 âm lịch chị bắt đầu gieo hạt giống, để mướp đắng cho hiệu quả cao, ít sâu bệnh gia đình bón phân vào thời điểm khi cây bắt đầu bám giàn, thường xuyên tưới đầy đủ nước trong ngày nắng nóng, nhất là giai đoạn ra hoa. Nhờ đó vườn mướp đắng nhà chị Quyên cho quả rất nhiều, thu hoạch luân phiên. Trừ chi phí về giống, đầu tư hệ thống nước tưới, ước tính vụ mướp đắng này gia đình chị Quyên có thu nhập khoảng 40 triệu đồng.

Ngoài chị Quyên, một số gia đình xung quanh cũng đã trồng mướp đắng và đang cho thu nhập cao. Tuy nhiên, việc trồng cây mướp đắng của các hộ dân chủ yếu vẫn mang tính tự phát, chưa có chính sách hỗ trợ về vốn, kiến thức, nguồn giống nên năng suất và chất lượng chưa thực sự bền vững. Hơn nữa, hiện nay việc tiêu thụ sản phẩm của người dân chủ yếu vẫn là bán nhỏ lẻ ngoài thị trường, bị thương lái ép giá, nhu cầu và giá cả không ổn định. Đây chính là nguyên nhân khó khăn cho việc mở rộng diện tích trồng mướp đắng của các hộ dân.

Nên chăng, huyện Minh Hóa cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hộ dân ở thôn Minh Xuân thành lập tổ hợp tác nhằm giúp nhau trong sản xuất, xây dựng thương hiệu về sản phẩm và tìm đầu ra ổn định, từ đó giúp cho người dân sản xuất bền vững và hiệu quả cao.

Thùy Linh
(Đài TT-TH Minh Hóa)