.

Điểm sáng vùng đồi

Thứ Sáu, 03/06/2016, 13:45 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm gần đây xã Trường Thủy nổi lên như một điểm sáng của vùng gò đồi huyện Lệ Thủy. Mặc dù điều kiện tự nhiên không có gì khác biệt so với 11 xã vùng đồi và miền núi trong huyện, nhưng nhờ đầu tư chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển trồng rừng gắn với chăn nuôi nên Trường Thủy đã gặt hái được nhiều kết quả trên mặt trận sản xuất nông nghiệp.

Đất tự nhiên của xã Trường Thủy khoảng 3.000ha, phân bố đều ở 9 thôn, trong đó  đất lâm nghiệp có trên 1.200 ha, diện tích cây cao su gần 200 ha, cây thông nhựa 257 còn lại là cây sắn, hồ tiêu và các loại cây công nghiệp ngắn ngày khác.

Xác định diện tích đất sản xuất có hạn nên thời gian qua Đảng ủy, UBND xã đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát huy tối đa tiềm năng lợi thế vùng gò đồi. Đặc điểm  vùng gò đồi diện tích đất gieo trồng rất ít và manh mún cộng với thiếu nước canh tác nên trong phương hướng chuyển đổi đã tập trung  vào những diện tích đất trồng lúa, đất trồng chè kém hiệu quả sang trồng màu, trồng cây công nghiệp ngắn ngày.

Hai năm qua Trường Thủy đã chuyển đổi 25ha  đất lúa, thiếu nước năng suất thấp sang trồng lạc, đậu xanh cho hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa một vụ và chuyển đổi gần 45ha đất trồng chè sang trồng cây cao su.

Nét nổi bật ở Trường Thủy là trước khi chuyển đổi đất, UBND xã đã lập quy hoạch phát triển các vùng cây chuyên canh và chăn nuôi trang trại một cách cụ thể và công khai cho người dân biết. Đối với cây công nghiệp ngắn ngày xã đã chuyển đổi đất trồng chè kém hiệu quả ở Hồng Gang, Long Thủy sang trồng cây cao su. Nếu như năm 2005 toàn xã chỉ có 9,5ha cây cao su thì đến nay đã có gần 200ha, trong đó đưa vào khai thác 95ha.

 Cây tiêu ở xã Trường Thuỷ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cây tiêu ở xã Trường Thuỷ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Để phát triển cây công nghiệp hiệu quả, UBND xã đã liên kết với Công ty TNHH MTV Lệ Ninh trong việc cung cấp giống cây cao su, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng, cạo mủ và bao tiêu sản phẩm. Số diện tích cao su đưa vào khai thác đạt năng suất mủ tươi bình quân 3.700kg/ha, với giá thu mua của Công ty Lệ Ninh 14 ngàn đồng/kg thì thu nhập bình quân mỗi ha cây cao su đạt trên 50 triệu đồng/năm. Giá cao su của Công ty thu mua bao giờ cũng cao hơn giá thị trường một vài giá nên bà con nông dân phấn khởi tin tưởng vào sự liên kết này.

Trường Thủy một thời được xem là trung tâm hồ tiêu của huyện Lệ Thủy, nhưng sau đợt dịch bệnh trên cây hồ tiêu xảy ra năm 2010-2011 hồ tiêu của xã bị thiệt hại nặng. Vừa qua Đảng ủy xã đã chỉ đạo phục hồi lại vườn hồ tiêu trên địa bàn, theo đó khuyến khích nông dân chuyển đổi đất đồi sang trồng hồ tiêu giống mới, ít bị sâu bệnh. UBND xã đã hỗ trợ 40 triệu đồng từ nguồn đầu tư chương trình xây dựng nông thôn mới cho các hộ trồng mới hồ tiêu. Nhờ vậy mà diện tích cây hồ tiêu trên địa bàn dần dần hồi phục.

Ông Trương Tấn Tạo ở thôn Lục Giang cho biết, mấy năm qua hồ tiêu được giá, hiện tại năng suất hồ tiêu 28 tạ/ha, với giá 225 ngàn đồng/kg, thì mỗi ha hồ tiêu cho thu nhập 630 triệu đồng. Thấy được hiệu quả cao từ cây hồ tiêu mang lại, trong năm 2015 bà con nông dân đã trồng mới 6 ha, dự kiến trong năm nay sẽ trồng 5 ha nữa, trong tương lai gần Trường Thủy sẽ dẫn đầu diện tích cây hồ tiêu trên địa bàn.

Theo tinh thần chỉ đạo của UBND xã không khuyến khích nông dân mở rộng diện tích lúa nước mà giữ ổn định 69 ha lúa vụ đông-xuân. Để phát huy hiệu quả đất lúa  xã khuyến khích bà con đầu tư giống lúa chất lượng cao và chăm bón theo quy trình canh tác tiên tiến để nâng cao năng suất qua hàng năm. Thời điểm chúng tôi đến Trường Thủy, đúng lúc bà con vừa thu hoạch xong vụ đông-xuân 2015-2016, năng suất bình quân đạt 43 tạ/ha, cao hơn cùng kỳ 1,5 tạ/ha; cây ngô 16 ha, năng suất bình quân đạt 36 tạ/ha, lạc 25 ha, năng suất bình quân đạt 15 tạ/ ha; sắn 91 ha, năng suất 210 tạ/ ha...

Đối với cây lâm nghiệp, trên địa bàn xã Trường Thủy trồng chủ yếu cây thông nhựa, cây keo, tràm và trầm hương.... Ông Phan Hữu Tình, Chủ tịch UBND xã Trường Thủy cho biết: diện tích rừng trên địa bàn khoảng 1.187 ha, trong đó có 257 ha cây thông nhựa. Cây thông nhựa trên địa bàn phát triển khá tốt, mỗi ha khai thác nhựa được 27 tạ/năm, với giá bán hiện nay 22.500 đồng/kg, mỗi ha thông cho thu nhập 60 triệu đồng/năm. Số diện tích keo tràm trên địa bàn khoảng 732ha, mỗi năm thu hoạch trắng 150ha, giá thu mua hiện nay 1,1 triệu đồng/tấn, sau khi trừ chi phí, mỗi ha thu hoạch 60 triệu đồng. Vụ trồng rừng vừa rồi, bà con nông dân trong xã đã trồng mới được gần 400ha trên tổng số 500 ha rừng theo kế hoạch, trong đó chủ yếu là cây keo và cây tràm.

Trong chăn nuôi, UBND xã đã quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung ở thôn 26/3, Lục Giang, Kim Tiền, Cồn Thi...và chỉ đạo sản xuất theo hướng trang trại và gia trại, nâng cao giá trị chăn nuôi. Sau đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng ủy đã chỉ đạo đẩy mạnh phát triển đàn bò lai, lợn nạc, nuôi gà thả vườn và nuôi ong lấy mật... Hiện nay trên địa bàn xã có 30 trang trại sản xuất, có những mô hình trang trại chăn nuôi hiệu quả  như trang trại anh Mai Văn Tấn - chị Lê Thị Thú.

Đây là trang trại chăn nuôi lợn rừng có quy mô lớn khá lớn, trong đó 8 con lợn rừng giống sinh sản, mỗi lứa thu nhập hàng chục triệu đồng. Ngoài ra trang trại anh chị còn chăn nuôi hơn 1.000 con gà, gần 100 con ngan, thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/năm. Chăn nuôi ở Trường Thủy đã trở thành phong trào sâu rộng, hiện nay trên địa bàn có 30% hộ nuôi gà bán công nghiệp, phục vụ thị trường trong huyện và khu vực thành phố Đồng Hới. Trong đó có 5 hộ nuôi với quy mô lớn với đàn gà 4-5 ngàn con.

Tuy tỷ lệ bò lai ở Trường Thủy đứng đầu toàn huyện với 70% đàn bò. Bình quân mỗi hộ trên địa bàn nuôi ổn định 2 con bò lai. Tuyệt đại đa số hộ chăn nuôi ở đây đều nuôi bò thịt, thức ăn chủ yếu trồng cỏ, chuối, cám. Theo chu kỳ 3 năm sẽ xuất bán một lứa bò, giá bán hiện nay từ 30-40 triệu đồng/con, là một nguồn thu đáng kể đối với người nông dân. 

Một nét mới nữa ở Trường Thủy là biết mạnh dạn đầu tư nuôi ong lấy mật. Qua câu chuyện của ông Lê Văn Thìn, một hộ nuôi ong ở đây được biết, xã này mới nuôi ong vài ba năm nay, nhưng tổng đàn tăng rất nhanh, hiện tại xã có hơn 300 đàn ong đang thu hoạch.  Nhiều hộ nuôi trên 10 đàn, bình quân mỗi đàn ong cho thu nhập 9-11 kg mật, với giá 300 ngàn đồng/kg. Tổng thu nhập từ ong đưa lại mỗi năm cho toàn xã khoảng 1 tỷ đồng. Để hỗ trợ kỹ thuật cho người nuôi ong, xã đã thành lập câu lạc bộ người nuôi ong, thu hút gần 100 hội viên tham gia.

Qua tâm sự của Chủ tịch UBND xã được biết đường hướng phát triển kinh tế mà đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra đã rõ, vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện làm sao đạt được hiệu quả cao nhất. Tin tưởng Trường Thủy tiếp tục giành được nhiều thắng lợi hơn nữa trên bước đường xây dựng quê hương.

P.V