.

Trước sự ô nhiễm môi trường biển: Các cơ sở nuôi tôm trên cát ứng phó thế nào?

Thứ Hai, 16/05/2016, 07:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Trước tình hình nuôi trồng thủy sản có phần khó khăn do nhiều yếu tố tác động, đặc biệt sự ô nhiễm môi trường biển diễn ra nhiều nơi trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tập trung chỉ đạo các cơ sở nuôi thủy sản, nhất là các hộ nuôi tôm trên cát thực hiện các phương án ứng phó nhằm khắc phục và giảm thiểu ô nhiễm để tiếp tục sản xuất, bảo đảm đời sống nhân dân.

Bắt đầu từ cuối cuối tháng 2, nông dân trong tỉnh đã tiến hành cải tạo ao hồ, làm sạch môi trường ao nuôi, đắp lại đê bao...để bước vào vụ nuôi tôm chính của năm 2016. Theo thống kê sơ bộ của Sở Nông nghiệp và PTNT, từ những ngày cuối tháng 3 và đầu tháng 4-2016 đã có nhiều hộ nuôi thủy sản tiến hành thả giống cho vụ nuôi mới.

Theo đó, toàn tỉnh đã có hơn 970 ha được thả nuôi (cả nuôi tôm trên cát và trên ao đất), trong đó huyện Bố Trạch là địa phương có diện tích thả nuôi lớn nhất. Vì vậy, khi xảy ra hiện tượng cá biển chết bất thường đã làm diện tích đang nuôi bị ảnh hưởng.

Qua trao đổi với các hộ nuôi tôm trên cát ở Bảo Ninh (Đồng Hới), Nhân Trạch (Bố Trạch), Hồng Thủy (Lệ Thủy)... thì người nuôi tôm đang đứng trước tình huống tiến thoái lưỡng nan: Cấp nước bổ sung thì sợ nguồn nước không an toàn cho nuôi trồng thủy sản và nguy cơ tôm chết do nguồn nước không bảo đảm.

Không tiến hành cấp nước cho hồ đang nuôi thì lâu ngày thì tảo giáp xuất hiện dày, hồ nuôi ô nhiễm sẽ gây ra các mầm bệnh khác cho tôm. Còn nếu xử lý ô nhiễm bằng chế phẩm có khả năng cải thiện chất lượng môi trường ao nuôi người nuôi tôm phải bỏ ra chi phí rất lớn mà chưa biết có thể thu hoạch được vụ tôm này hay không. Riêng đối với hồ nuôi đã cải tạo nếu để lâu ngày không lấy nước tiến hành nuôi cũng sẽ thiệt hại kinh tế rất lớn cho bà con.

Một số hộ nuôi sử dụng các loại chế phẩm sinh học để tăng sức đề kháng giúp tôm nhanh lớn và phòng chống dịch bệnh.
Một số hộ nuôi sử dụng các loại chế phẩm sinh học để tăng sức đề kháng giúp tôm nhanh lớn và phòng chống dịch bệnh.

Ông Nguyễn Cẩm Long, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bố Trạch cho biết, vụ tôm chính này bà con trong huyện đã thả nuôi diện tích gần 500 ha, trong đó tôm trên cát chiếm 50% diện tích, tập trung ở xã Trung Trạch, Nhân Trạch... Chưa kể, nhiều chủ hồ đã cải tạo ao hồ, chuẩn bị cho vụ nuôi chính năm 2016. Hiện nay các hộ nuôi nuôi tôm rất lo lắng, nhất là các hộ nuôi tôm trên cát, do vậy người dân rất cần sự hướng dẫn cụ thể để xử lý kịp thời và hạn chế thấp nhất thiệt hại trước mắt.

Trước tình hình khó khăn của các hộ nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đề xuất chính sách hỗ trợ cho các hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do hiện tượng hải sản chết bất thường được hưởng mức hỗ trợ như đối với thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh (theo Quyết định 142/2009/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ).

Cùng với đó, trong khi chờ các cơ quan chức năng xác định nguyên nhân hiện tượng hải sản chết bất thường, căn cứ thông báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường; thông báo của Tổng cục Môi trường; Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cũng đã có Văn bản số 24/STNMT ngày 30/4/2016 về đánh giá chất lượng nước ven biển tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên- Huế, theo đó chất lượng nước biển hiện nay bảo đảm Quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước biển phục vụ cho thể thao, giải trí, nuôi trồng thủy sản và các mục đích khác. Từ đó, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã hướng dẫn bà con nông dân một số biện pháp kỹ thuật tạm thời trong nuôi trồng thủy sản.

Theo ông Trần Đình Du, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, đối với các ao đang thả nuôi, bà con cần thường xuyên theo dõi và kiểm tra các yếu tố môi trường ao nuôi như oxy hòa tan, pH, H2S, NH3,... nhằm phát hiện kịp thời các hiện tượng bất thường để có biện pháp xử lý phù hợp. Đồng thời, các hộ nuôi tăng cường vệ sinh đáy ao, sử dụng các loại chế phẩm sinh học có khả năng cải thiện chất lượng môi trường ao nuôi, trong đó định kỳ bổ sung vitamin, khoáng chất để tăng sức đề kháng giúp tôm nhanh lớn và phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, nghiêm cấm không sử dụng cá biển đã chết bất thường để chế biến làm thức ăn cho các đối tượng nuôi thủy sản (tôm, cá, cua,...).

Trong những trường hợp bắt buộc phải lấy nước biển vào ao nuôi, vùng nuôi thì các cơ sở nuôi cần tuân thủ theo quy trình hướng dẫn, đó là chỉ lấy nước tầng mặt, lúc đỉnh triều. Không cấp trực tiếp nước biển vào ao và bể nuôi mà phải lấy nước biển qua ao chứa, ao lắng và thực hiện kỹ quy trình xử lý nước trước khi cấp vào ao đầm, bể nuôi. ”Vào thời điểm này, các hộ nuôi phải chú trọng” biện pháp xử lý nước biển trong ao chứa, ao lắng bằng các loại chất có khả năng hấp thụ khí độc, kim loại nặng...”, Ông Trần Đình Du nhấn mạnh thêm.

Còn đối với các vùng nuôi tôm chuẩn bị xuống giống nên áp dụng hình thức ương tạm trong giai hoặc ao nhỏ khoảng 30 - 45 ngày trước khi chuyển ra ao nuôi thương phẩm, nhằm bảo đảm thời vụ, hạn chế sử dụng nước, tiết kiệm chi phí và kiểm soát các yếu tố môi trường trong giai đoạn đầu. Những ao chưa nuôi thì bà con tạm thời chưa thả giống trong khi chờ xác định nguyên nhân, tập trung xử lý, cải tạo ao đầm và chuẩn bị con giống.

Bên cạnh những động thái tích cực của các sở, ngành liên quan, các hộ nuôi trong tỉnh cũng đã có những giải pháp thiết thực nhằm tiếp tục duy trì sản xuất. Hiện có rất nhiều cơ sở nuôi tôm trên cát như Công ty cổ phần Đức Thắng, ở xã Bảo Ninh (Đồng Hới), Công ty TNHH Phú Thành Đạt, ở xã Trung Trạch (Bố Trạch), Trại giống mặn, lợ Quang Phú (Trung tâm giống Thủy sản Quảng Bình) và một số hộ nuôi ven biển thuộc xã Trung Trạch (Bố Trạch), Hồng Thủy (Lệ Thủy)... đã thực hiện tốt giải pháp xử lý nước biển trong ao chứa, ao lắng.

Anh Nguyễn Văn Sỹ, Giám đốc Công ty cổ phần Đức Thắng chia  sẻ, đơn vị đã thực hiện phương án bơm nước biển vào ao chứa và thực hiện xử lý lặp lại 2 - 3 lần nước biển có nghi ngờ khí độc, kim loại nặng. Ngoài ra, sử dụng quạt nước hoặc sục khí mạnh, liên tục từ đáy ao và phơi nắng tối thiểu 10 ngày, rồi lọc nước qua hệ thống lọc cát trước khi cấp bổ sung vào ao đầm, bể nuôi. Tiến hành  thử nghiệm các mẫu nước khi bơm từ biển và xử lý trước khi đưa vào nuôi để tiếp tục sản xuất. Nhiều hộ nuôi trước khi cấp nước vào ao nuôi cũng tiến hành thử bằng cách thả cá, tôm giống trực tiếp vào mẫu nước đã được xử lý lấy từ ao lắng.

N.L