.

Sắc xuân trên làng biển Quảng Phúc

Thứ Năm, 04/02/2016, 16:10 [GMT+7]

(QBĐT) - Có dịp trở lại phường Quảng Phúc (thị xã Ba Đồn) trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, ấn tượng đầu tiên mà chắc hẳn ai cũng cảm nhận được đó là không khí rộn ràng, tất bật của Đảng bộ, chính quyền cũng như người dân nơi đây. Cảnh sắc thay đổi khác hẳn làng biển yên ả ngày nào, thay vào đó là hình ảnh những đội tàu hối hả ra khơi để kịp về đoàn viên bên gia đình ngày Tết.

Phường Quảng Phúc hiện có 1.853 hộ với 8.603 nhân khẩu, trong đó hơn 90% dân số theo đạo công giáo. Những năm trở lại đây, bằng sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, vùng quê xứ đạo này đang dần được "thay da đổi thịt". Tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm xuống. Đời sống người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Đặc biệt, Đảng bộ xác định đẩy mạnh phát triển kinh tế biển là một trong những hướng đi đúng đắn và thích hợp giúp Quảng Phúc đổi mới.

Ông Nguyễn Tiến Thành-Bí thư Đảng ủy phường Quảng Phúc cho biết: Xác định kinh tế biển là tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần đem lại nguồn thu nhập chính cho nhân dân trong phường, Quảng Phúc đã chỉ đạo bà con ngư dân đầu tư phát triển đồng bộ trên cả ba lĩnh vực đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy sản.

Đảng bộ phường ban hành chương trình phát triển thủy sản giai đoạn 2010-2015; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ phường lần thứ XXIV (nhiệm kỳ 2015-2020) tiếp tục xác định “Kinh tế biển là mũi nhọn, lao động xuất khẩu là động lực, để tạo tiền đề cho dịch vụ thương mại phát triển” trong đó tập trung vào việc động viên bà con ngư dân đầu tư vốn từ nhiều nguồn, như vốn vay từ các chương trình, từ ngân hàng để đóng tàu to, máy lớn, đủ sức vươn khơi đánh bắt xa bờ, bám biển dài ngày.

Đặc biệt nhờ thụ hưởng ưu đãi từ chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước từ Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg và Nghị định số 67/2013/NĐ-CP, nhân dân phường Quảng Phúc phấn khởi yên tâm đầu tư thêm tàu có công suất lớn vươn khơi bám biển.

 Hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn Quảng Phúc ngày càng được đầu tư đồng bộ. Ảnh: THU HIỀN
Hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn Quảng Phúc ngày càng được đầu tư đồng bộ. Ảnh: Thu Hiền

Nếu như năm 2010 toàn phường có 192 tàu thì đến nay con số đó đã tăng lên 227 tàu (tăng 35 tàu); trong đó có 203 tàu công suất từ 100-800CV, 15 tàu 700-900 CV. Nhờ sự động viên kịp thời của Ban Thường vụ Đảng ủy phường, toàn phường có 15 gia đình ngư dân tham gia đóng mới tàu theo Nghị định số 67/2013/NĐ-CP, trong đó có 14 tàu vỏ gỗ, 1 tàu vỏ thép.

Nhờ thực hiện nghiêm túc những quy định về khai thác, đánh bắt trên biển, mạnh dạn đầu tư tàu lớn, trang thiết bị hiện đại cho việc đánh bắt xa bờ, đồng thời đẩy mạnh khai thác hàng đặc sản xuất khẩu, nên những năm qua, nghề biển đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân Quảng Phúc. Tính riêng năm 2015, sản lượng đánh bắt thủy sản đạt 2.880,4 tấn (đạt 101%KH) tăng 4,25% so với năm 2014, đạt doanh thu trên 210 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đã tích cực chỉ đạo người dân tăng cường đầu tư thâm canh về nuôi tôm công nghiệp, phát triển thêm diện tích ao hồ nuôi cá nước ngọt. Tính đến nay, toàn xã có 31,6ha diện tích nuôi tôm cho năng suất 2,5 tấn/ha, sản lượng 66,5 tấn, đạt giá trị trên 13,8 tỷ đồng. Để giải quyết việc tiêu thụ sản phẩm cho các hộ đánh bắt, nuôi trồng, góp phần thu hút lao động, giải quyết việc làm, tăng thêm nguồn thu nhập cho bà con, nhiều cơ sở thu mua, chế biến hải sản mới được thành lập, đi vào hoạt động có hiệu quả bên cạnh các cơ sở đã có trước đây.

Hiện nay, trên địa bàn phường có 7 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, một tổ dịch vụ nước sạch, 12 cơ sở sản xuất đá lạnh, 8 cơ sở thu mua chế biến thủy sản, 2 công ty đóng mới và dịch vụ triền đà sửa chữa tàu thuyền, hàng chục cơ sở dịch vụ cung cấp thực phẩm, dụng cụ nghề biển, từ đó làm tăng nguồn thu nhập ngành nghề dịch vụ thương mại trên địa bàn, nên trong nhiệm kỳ qua thu nhập từ ngành nghề thương mại dịch vụ đạt 500 tỷ đồng, tạo cho bà con nhân dân có việc làm tại chỗ và góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Quảng Phúc xác định phát triển kinh tế biển phải gắn chặt với phát huy giá trị nguồn lợi hải sản của địa phương, tạo thêm nhiều việc làm cho ngư dân, giảm nghèo cho nhân dân vùng ven biển, bảo vệ tài nguyên biển, góp phần giữ vững an ninh, chủ quyền vùng biển của Tổ quốc. Hiện nay, phường có 38 tổ đoàn kết và 6 tổ hợp tác trên biển, vừa tham gia khai thác, đánh bắt vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho trên 2.000 lao động với thu nhập ổn định từ 5.000.000 đồng/tháng trở lên.

Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, chương trình phát triển thủy sản của Quảng Phúc cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, trở ngại. Tài nguyên thủy hải sản ngày càng khan hiếm, vì vậy chi phí cho một chuyến biển càng tăng cao, ngư trường tại các vùng chồng lấn còn có những tranh chấp nên không thuận lợi cho ngư dân yên tâm sản xuất.

Toàn thị xã Ba Đồn có trên 900 tàu, thuyền trong đó trên 400 tàu đánh bắt xa bờ nhưng chưa có cầu cảng, hay cảng cá để tiêu thụ sản phẩm, cũng như tiếp nhiên liệu, thực phẩm cho chuyến biển mới; chưa có nơi neo đậu tàu thuyền khi mùa mưa bão đến. Đây chính là những “rào cản” đáng ngại trong việc phát triển thủy sản của địa phương.

Vì vậy, để nâng cao hiệu quả Chương trình phát triển thủy sản của thị xã Ba Đồn nói chung, địa phương nói riêng, trong thời gian tới, cần tiếp tục động viên ngư dân thực hiện tốt Quyết định 48/2010/QĐ-TTg và Nghị định 67/2014/NĐ-CP để chuyển đổi ngành nghề từ câu, chụp truyền thống sang nghề vây rút đánh cá vùng biển xa, tạo điều kiện cho thủy sản ven bờ phát triển; mạnh dạn đóng tàu vỏ thép hoặc vỏ gỗ có công suất lớn để đi biển được dài ngày, giảm chi phí cho mỗi chuyến biển và an toàn khi có gió mùa, đồng thời góp phần cùng ngư dân cả nước khai thác đánh bắt trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Cần có những chính sách linh hoạt để hỗ trợ cho ngư dân trong tiêu thụ sản phẩm khi làm ra.

Lệ Hằng
(Đài TT-TH Ba Đồn)