.

Tuyên Hóa: Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững

Thứ Năm, 26/11/2015, 09:03 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch của Đại hội Đảng bộ huyện Tuyên Hoá lần thứ XX (nhiệm kỳ 2015-2020) đề ra, những ngày đầu tháng 11-2015, UBND huyện Tuyên Hoá đã tổ chức đánh giá kết quả sản xuất nông nghiệp trong năm 2015, triển khai kế hoạch sản xuất năm 2016... với quyết tâm tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. 

Năm 2015, huyện Tuyên Hóa thực hiện nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp trong điều kiện thời tiết, sâu bệnh... rất khắc nghiệt. Cụ thể, giữa vụ đông-xuân dịch bệnh rầy nâu, rầy lưng trắng đã gây hại đối với hơn 120 ha lúa; cuối vụ đông-xuân nắng nóng kéo dài làm cho một số diện tích lúa trổ mà không có nước tưới, dẫn tới năng suất cuối vụ đạt thấp; đầu tháng 4-2015, lốc xoáy làm gãy đổ 30 ha ngô trong thời kỳ chín sữa ở xã Thanh Hoá, Thanh Thạch, Hương Hoá.

Bước vào vụ hè-thu 2015, nắng nóng gay gắt và kéo dài đã làm chậm tiến độ gieo trồng theo kế hoạch của UBND huyện đưa ra. Nắng nóng cũng khiến cho 15 ha ngô, 3 ha đậu xanh, 51,7 ha lúa bị chết. Cuối vụ hè-thu 2015, hoàn lưu bão số 3 gây ra mưa lớn khiến gần 200 ha lúa, ngô, lạc, đậu, sắn, khoai lang, rau màu, cỏ bị ngập úng...

Những khó khăn do sự tác động của thiên tai, sâu bệnh, biến động giá cả... đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ở huyện Tuyên Hoá trong năm 2015 là khá lớn. Thế nhưng, bằng sự quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà, sản xuất nông nghiệp Tuyên Hoá năm 2015 vẫn tiếp tục đạt được nhiều kết quả rất khả quan.

Thông tin từ UBND huyện Tuyên Hoá cho biết: tổng sản lượng lương thực năm 2015 của huyện đạt 20.114 tấn/kế hoạch 19.473 tấn, tăng 532,5 tấn so với năm 2014; tổng đàn gia súc đến ngày 1-10-2015 là 48.618 con/kế hoạch 48.500 con, tăng 2.905 con so với cùng kỳ năm 2014; tổng đàn gia cầm 259.592 con/kế hoạch 242.000 con, tăng 22.293 con so với cùng kỳ năm 2014.

Đến nay, toàn huyện Tuyên Hoá có 620,21 ha cao su (trong đó 261 ha đang trong thời kỳ khai thác mủ) sản lượng đạt trên 200 tấn, giá trị gần 2 tỷ đồng; trồng rừng tập trung được 747 ha, đạt 88%KH; tổng đàn ong lấy mật đến ngày 1-10-2015 là 3.046 đàn, sản lượng mật thu được trên 15.000 kg, giá trị khoảng 2 tỷ đồng...

Nông dân xã Đồng Hoá, huyện Tuyên Hoá đưa giống ngô chất lượng cao vào thay thế giống ngô kém chất lượng trước đây.
Nông dân xã Đồng Hoá, huyện Tuyên Hoá đưa giống ngô chất lượng cao vào thay thế giống ngô kém chất lượng trước đây.

Báo cáo đánh giá về kết quả sản xuất nông nghiệp trong năm 2015 của UBND huyện Tuyên Hoá cho thấy: Nét nổi bật ở lĩnh vực trồng trọt của huyện trong năm 2015, đó là toàn huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt gieo trồng hết diện tích và tương đối sát lịch thời vụ đưa ra; công tác dịch vụ giống, phân bón, tưới tiêu, bảo vệ thực vật... đáp ứng tương đối tốt cho quá trình sản xuất; nhiều tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng được áp dụng đối với lúa, ngô, lạc..., nhờ đó mà năng suất, chất lượng tăng lên đáng kể; tỉnh, huyện kịp thời thực hiện chính sách hỗ trợ với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng cho nông dân để đẩy mạnh sử dụng các bộ giống xác nhận...

Tương tự, đối với lĩnh vực chăn nuôi, chính quyền huyện Tuyên Hoá đã quan tâm chỉ đạo phát triển theo hướng trang trại, gia trại, bảo đảm an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường. Thời gian qua, tranh thủ nguồn vốn từ nhiều chương trình, dự án, UBND huyện Tuyên Hoá đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành, các xã, thị trấn tích cực triển khai thực hiện các mô hình chăn nuôi bò lai sind, lai tạo đàn bò, đình sản bò đực cóc, hỗ trợ con giống, trồng cỏ, tập huấn cho nông dân..., nên tổng đàn và chất lượng được nâng lên rõ rệt. Đến nay, tỷ lệ bò lai toàn huyện Tuyên Hoá chiếm khoảng 43%; tỷ lệ lợn thuần ngoại chiếm 6%, lợn có máu ngoại đạt 98%...

Trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm từ sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2011-2015 và bám sát nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tuyên Hoá lần thứ XX đề ra, bước vào vụ đông-xuân 2015-2016, huyện Tuyên Hoá đã chủ động xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, huyện đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015-2020.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này, địa phương tập trung khai thác có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững và bảo đảm môi trường, sinh thái. Tiếp đến là chú trọng nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, xem đây là khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp; phát triển mạnh những sản phẩm có lợi thế của huyện; có chính sách hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Mặt khác, huyện chỉ đạo cơ cấu lại quy mô sản xuất, hình thức tổ chức sản xuất, khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; phát triển các loại hình kinh tế trang trại, gia trại, hợp tác xã, tổ hợp tác; không ngừng nâng cao thu nhập và đời sống của người dân nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững, gắn với thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới...

Theo kế hoạch triển khai vụ đông-xuân 2015-2016 của UBND huyện Tuyên Hoá, địa phương sẽ duy trì ổn định những diện tích đất trồng lúa chủ động được nguồn nước tưới. Bên cạnh đó, huyện chủ trương tích cực sử dụng các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao để đưa vào sản xuất.

Phấn đấu năm 2016 Tuyên Hóa đưa tổng sản lượng lương thực đạt 19.423 tấn (trong đó dự ước vụ đông-xuân đạt trên 13.200 tấn); tỷ trọng chăn nuôi chiếm 49,5% giá trị sản xuất nông nghiệp; trồng rừng tập trung 800 ha...; tiếp tục chỉ đạo vùng thâm canh lúa, nâng cao tỷ lệ sử dụng giống lúa tiến bộ kỹ thuật; thực hiện các mô hình trình diễn hiệu quả để nhân rộng nhằm nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích...

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, Tuyên Hoá chủ trương đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trở thành ngành chính; duy trì, phát triển tốt diện tích trồng cỏ hiện có và dần chuyển đổi hàng trăm ha đất trồng các loại cây kém hiệu quả sang trồng cỏ để phục vụ chăn nuôi; tập trung nâng cao chất lượng đàn, khuyến khích chăn nuôi theo hướng tập trung, trang trại; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò lai...

Bên cạnh đó, huyện tiếp tục chỉ đạo phát triển mạnh kinh tế lâm nghiệp; nâng cao chất lượng, hiệu quả rừng trồng; chú trọng quy hoạch, làm tốt công tác cải tạo rừng, chuyển diện tích rừng nghèo kiệt sang trồng rừng kinh tế, nhất là ở các xã Cao Quảng, Thanh Thạch, Ngư Hóa, Thuận Hóa, Lâm Hóa...; nghiên cứu để đưa các loại giống cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao vào trồng rừng, như các loại cây lấy gỗ, cây dược liệu...

Đồng thời, huyện chỉ đạo gắn trồng rừng với chế biến lâm sản, hạn chế việc bán sản phẩm thô, nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm lâm nghiệp; tích cực thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới...

Văn Minh