.

Niềm vui mới cho ngư dân

Thứ Bảy, 14/11/2015, 07:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Nghị định 67/2014/NĐ-CP được cho là bước đột phá trong chính sách phát triển thủy sản nước ta từ trước đến nay nhằm giúp ngư dân yên tâm bám biển. Tuy nhiên, sau hơn một năm thực hiện, những phát sinh qua thực tế triển khai đã khiến nghị định này chưa thực sự “vươn khơi”. Nhằm từng bước tháo gỡ những khó khăn cho ngư dân, Chính phủ đã ban hành Nghị định 89/2015/NĐ-CP trên cơ sở sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Đây được xem là niềm vui mới, động lực mới để bà con ngư dân vươn khơi, bám biển.

Sau một năm triển khai đợt thí điểm đóng mới tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP (từ đây gọi tắt là Nghị định 67), Quảng Bình được đánh giá là 1 trong 5 tỉnh có số hợp đồng vay vốn nhiều nhất và tiến độ giải ngân nhanh nhất cả nước cùng với các địa phương khác như Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bình Thuận.

mp
Nghị định 89 sẽ tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong Nghị định 67, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi.

Cụ thể: trong đợt thí điểm đóng mới và nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67, tổng số hồ sơ đề nghị của UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh ta là 40 hồ sơ; đã thẩm định 17 hồ sơ. UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách 17 đối tượng được vay vốn với 6 tàu vỏ thép và 11 tàu khai thác vỏ gỗ. Trong số 17 đối tượng được phê duyệt, đã ký kết 10 hợp đồng vay vốn và đã triển khai đóng mới 8 tàu với số tiền đã giải ngân là 23,42 tỷ đồng.

Riêng về chính sách bảo hiểm khai thác hải sản xa bờ, tính đến tháng 7 năm 2015, tỉnh đã tiếp nhận 51 hồ sơ đề nghị hỗ trợ với tổng kinh phí gần 2 tỷ. Trong đó có 13 hồ sơ thẩm định đủ điều kiện được hỗ trợ kinh phí với kinh phí trên 470 triệu đồng bao gồm bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm ngư lưới cụ, bảo hiểm rủi ro đặc biệt, bảo hiểm tai nạn thuyền viên.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan đã đạt được, việc triển khai Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn một số điểm hạn chế như: việc phê duyệt danh sách thí điểm chưa đủ chỉ tiêu, kế hoạch (thiếu 1 tàu dịch vụ hậu cần vỏ gỗ và 6 tàu nâng cấp); việc triển khai đóng tàu còn chậm (chỉ đóng được 7 tàu vỏ gỗ/11 tàu được phê duyệt, 1 tàu vỏ thép/6 tàu được phê duyệt).

Ngay sau khi đợt thí điểm đóng mới, nâng cấp tàu theo Nghị định 67  kết thúc, Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 tỉnh ta dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Văn Tuân, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã tiến hành họp sơ kết đánh giá với sự tham gia của đại diện các huyện, thị xã, thành phố; các ngân hàng thương mại trên địa bàn; đông đảo ngư dân và các cơ sở đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu.

Theo đó, nguyên nhân của việc chậm trễ trên được chỉ rõ là do Nghị định 67 có khá nhiều quy định khắt khe, không phù hợp với thực tế khiến ngư dân lúng túng trong việc lập phương án đầu tư, hồ sơ, thủ tục vay vốn. Kèm theo đó, thiết kế mẫu tàu vỏ thép được ban hành trong thời gian ngắn, chưa qua kiểm nghiệm thực tế nên nhiều chi tiết không phù hợp, đòi hỏi chủ tàu phải điều chỉnh và chịu thêm chi phí thiết kế điều chỉnh với giá tối thiểu là 70 triệu đồng/mỗi tàu khiến giá thành đầu tư tàu vỏ thép bị đội lên.

Bên cạnh đó, các cơ sở đóng tàu vỏ gỗ lâu nay vốn chưa quen thực hiện hồ sơ dự án đầu tư, hồ sơ thủ tục về nghiệm thu, giải ngân; các đơn vị thiết kế tàu vỏ gỗ lâu nay chỉ thiết kế bản vẽ kỹ thuật mà chưa có kinh nghiệm lập dự toán đóng tàu, nên việc triển khai thiết kế và lập dự toán đầu tư khá chậm.

Không chỉ bất cập trong khâu thiết kế tàu, Nghị định 67 còn làm “khó” nhiều ngư dân trong việc bắt buộc phải xây dựng phương án vay vốn, phương án sản xuất kinh doanh, lập dự toán, chứng minh khả năng trả nợ... Quy trình cho vay vốn tại các ngân hàng thương mại theo chính sách hỗ trợ đòi hỏi phải chặt chẽ, thận trọng nên việc triển khai Nghị định 67 do đó vẫn chưa thể thực hiện một cách quyết liệt.

ho
Tàu thuyền đánh bắt xa bờ neo đậu trên sông Nhật Lệ. Ảnh: P.V

Trước những khó khăn, vướng mắc chung trong thực tế triển khai Nghị định 67, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định 89/2015/NÐ-CP (từ đây gọi tắt là Nghị định 89) sửa đổi, bổ sung Nghị định 67 theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Trong đó có những điểm đáng lưu ý, có thể xem là tín hiệu vui cho ngư dân như: bổ sung đối tượng được hưởng chính sách tín dụng; bổ sung quy định theo hướng cho phép sử dụng máy thuỷ đã qua sử dụng đối với trường hợp nâng cấp máy tàu; bổ sung đối tượng được hưởng chính sách bảo hiểm; thời hạn cho vay lãi suất đóng mới tàu vỏ thép, tàu vỏ vật liệu mới tăng lên thành 16 năm thay vì 11 năm như Nghị định 67, điều này sẽ kéo dài thời gian trả nợ cho ngư dân.

Kèm theo đó, điểm đáng lưu ý là Nghị định 89 quy định: đối với trường hợp gia cố bọc vỏ thép, bọc vỏ vật liệu mới; mua ngư lưới cụ, trang thiết bị hàng hải, trang thiết bị khai thác, máy móc trang thiết bị bảo quản sản phẩm, trang thiết bị bốc xếp hàng hóa: chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị nâng cấp với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm...

Với những nội dung sửa đổi, bổ sung, Nghị định 89 được đánh giá là phù hợp với thực tiễn và thực sự đã tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong việc thực hiện Nghị định 67 trước đây. Tin rằng, với những động thái tích cực từ phía các cấp, các ngành, Nghị định 89 sẽ sớm được “vươn khơi” cùng nhiều ngư dân vùng biển, góp phần nâng cao hiệu quả, sản lượng đánh bắt, khai thác thuỷ sản, phát triển nền kinh tế biển theo hướng bền vững.

Thanh Hải