.

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra một loạt "yếu kém" của Vinalines

Thứ Năm, 26/11/2015, 14:10 [GMT+7]

Thực trạng tài chính của Vinalines năm 2014 được đánh giá là yếu kém với số lỗ lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Thậm chí, nguồn thu từ phương án giảm tỷ lệ sở hữu tại các cảng biển quan trọng dự kiến cũng không đủ giải quyết triệt để số nợ phải trả.

"Ôm" hàng nghìn tỷ đồng bảo lãnh

Những đánh giá trên vừa được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) sau khi tiến hành kiểm toán tại đơn vị này từ ngày 7-4 đến 10-6.

Theo đó, thực trạng tài chính của Vinalines đến 31-12-2014 được Kiểm toán Nhà nước đánh giá là "rất khó khăn, yếu kém."

Lợi nhuận sau thuế năm 2014 của tổng công ty được thống kê âm hơn 3.478 tỷ đồng trong đó 19 đơn vị lỗ hơn 4.332 tỷ đồng trong khi 20 đơn vị chỉ lãi gần 887 tỷ đồng.

Lỗ lũy kế của Vinalines qua đó được phía Kiểm toán Nhà nước tính toán là trên 24.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, tình hình tài chính của Vinalines theo nhận định còn một số khó khăn do đơn vị này bảo lãnh cho các đơn vị nhận bàn giao từ Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và các đơn vị thành viên vay số tiền hơn 6.204 tỷ đồng, 151,8 triệu USD và 69,2 triệu euro. Trong khi ấy, thực trạng tài chính của các đơn vị được bảo lãnh là yếu kém và khó có khả năng thanh toán.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Một vấn đề khác theo Kiểm toán Nhà nước là 3 đơn vị nhận bàn giao từ Vinashin góp thiếu vốn điều lệ trên 1.314 tỷ đồng nên chưa thể thực hiện các thủ tục phá sản theo quy định. Trong số trên, vốn điều lệ chưa góp lớn nhất là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vận tải Viễn Dương Vinashin với hơn 1.080 tỷ đồng.

Theo đánh giá của lãnh đạo ngành kiểm toán, những rủi ro ước tính có giá trị khá lớn. Công ty mẹ và một số đơn vị thành viên được kiểm toán còn nhiều khoản nợ phải thu khó có khả năng thu hồi. Ngoài ra, nhiều khoản tổn thất dự kiến trong đầu tư tài chính ngắn hạn, dài hạn, thiệt hại tiềm ẩn của các dự án đầu tư bị dừng, hoãn hoặc không thể tiếp tục thực hiện.

Báo cáo kiểm toán cũng dẫn số liệu của các tổ chức định giá phục vụ cổ phần hóa cho thấy, giá trị thị trường của đội tàu biển của Vinalines đã thấp hơn giá trị còn lại trên sổ kế toán. Riêng đội tàu của công ty mẹ theo thống kê đã giảm giá trị khoảng trên 3.522 tỷ đồng. Ngoài ra, một số đội tàu khác cũng giảm giá hàng trăm tỷ đồng.

Thoái vốn tại cảng biển vẫn khó trả nợ

Ở hướng khác, đánh giá về kế hoạch thoái vốn, giảm tỷ lệ nắm cổ phần tại các cảng biển của Vinalines, đại diện Kiểm toán Nhà nước cho rằng, những cảng biển dự kiến thoái vốn đều là cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế, đầu mối khu vực.

Theo Kiểm toán Nhà nước, việc không giữ cổ phần chi phối tại các cảng biển sẽ ảnh hưởng đến việc quản lý, điều hành đồng bộ, liên kết đồng thời 3 loại hình hoạt động sản xuất kinh doanh chính của Vinalines là: vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải.

Trong khi ấy, dịch vụ cảng biển là dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước quản lý giá của Chính phủ và việc quản lý chặt chẽ sẽ góp phần kiểm soát thị trường.

Đặc biệt, báo cáo của ngành kiểm toán nêu rõ, việc giảm tỷ lệ sở hữu tại các cảng biển quan trọng trước mắt sẽ tạo nguồn tài chính hỗ trợ Vinalines thực hiện cơ cấu nợ, thu hút nhà đầu tư nhưng nguồn thu từ thoái vốn không đủ giải quyết triệt để số nợ phải trả.

Cụ thể, dự kiến nguồn thu từ hoạt động trên là 4.128 tỷ đồng trong khi dư nợ tới 31-3-2015 của Vinalines là 8.739 tỷ đồng.

Qua đó, phía Kiểm toán Nhà nước đề nghị Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ các giải pháp hỗ trợ Vinalines giải quyết khó khăn, vướng mắc trong xử lý nợ đặc biệt là những khoản nợ, khoản đầu tư được thực hiện theo yêu cầu, định hướng của các cơ quan Nhà nước.

Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị ngành giao thông báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành các giải pháp đồng bộ nhằm triển khai hiệu quả đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước của Vinalines.

Theo Xuân Dũng (Vietnam+)