.

Nghề nuôi tôm trên cát ở Hải Ninh: Người dân bỏ hoang ao hồ vì thua lỗ

Thứ Tư, 14/10/2015, 07:56 [GMT+7]

(QBĐT) - Nuôi tôm trên cát một thời đã mở ra hướng làm giàu mới đối với các hộ gia đình ở xã Hải Ninh (Quảng Ninh). Tuy nhiên, trong khoảng 2 năm trở lại đây, người nuôi tôm trên cát ở địa bàn xã Hải Ninh đang phải đối mặt với tình trạng thua lỗ nặng. Vì vậy, bước vào vụ nuôi năm nay người dân thả nuôi tôm với diện tích rất ít, còn đa số đã bỏ hoang ao hồ. Để nâng cao hiệu quả nghề nuôi tôm trên cát và hướng tới vùng nuôi tôm phát triển an toàn, bền vững thì đòi hỏi địa phương phải có lộ trình quy hoạch và sớm giải quyết những khó khăn, vướng mắc...

Thực trạng đáng lo ngại...

Đi dọc đường ven biển thuộc địa phận xã Hải Ninh vào thời điểm này, dễ dàng thấy hàng loạt ao hồ nuôi tôm bỏ hoang, máy móc, thiết bị nuôi tôm cũng được cất dọn. Người nuôi tôm ở xã Hải Ninh liên tục thất bát, thua lỗ từ cuối năm 2013 đến nay. Số diện tích nuôi tôm đã không ngừng giảm xuống cho đến thời điểm hiện tại.

Vụ nuôi năm nay các hộ thả nuôi với diện tích hạn chế.
Vụ nuôi năm nay các hộ thả nuôi với diện tích hạn chế.

Theo báo cáo của xã Hải Ninh cho thấy, từ đầu năm đến nay, toàn xã thả nuôi với diện tích 31 ha, giảm so với cùng kỳ 23,7 ha, trong đó Công ty CP Thanh Hương 15 ha, Công ty TNHH Toàn Tâm 1,5 ha, mô hình của ông Ngô Văn Dương 2,7 ha, hộ ông Nguyễn Viết Cương 0,6 ha và tổ hợp Ngọc Thanh 11,2 ha. Sản lượng thu hoạch chỉ đạt 314 tấn, thấp hơn so với cùng kỳ 311 tấn, trong đó doanh nghiệp 160 tấn và các hộ dân 154 tấn.

Điều đáng nói, ngoài diện tích trên địa bàn thì số hộ có hộ khẩu thường trú tại xã Hải Ninh nhưng đầu tư nuôi tôm ở địa phương khác cũng chịu chung số phận. Hiện chỉ còn 121 hộ đang nuôi, giảm so với cùng kỳ 169 hộ. Dịch bệnh tràn lan đã tàn phá vùng nuôi tôm trên cát xã Hải Ninh ở cả tôm sú và tôm chân trắng (như: đốm trắng, hoại tử gan tụy, phân trắng, hồng thân).

Ông Phạm Văn Liệu, Chủ tịch UBND xã Hải Ninh cho biết, đây cũng là thực trạng đáng lo ngại ở xã Hải Ninh trong 2 năm trở lại đây, diện tích nuôi tôm trên địa bàn xã liên tiếp giảm, từ gần 60 ha (cuối năm 2013) giảm xuống chỉ còn hơn 30 ha. Điều này cũng đã kéo theo hệ lụy là hàng loạt hộ dân trong xã đã và đang bị đẩy vào cảnh thua lỗ nặng nề. Ông Phạm Văn Liệu cung cấp thêm thông tin, đến nay, ước tính toàn xã có khoảng 280 hộ vay vốn với khoảng 151 tỷ đồng để đầu tư nuôi tôm và có 169 hộ bị thua lỗ nặng bỏ nuôi, một số hộ còn lại thì không có khả năng trả vốn và lãi.

Đâu là nguyên nhân?

Cách đây khoảng 5-6 năm về trước, vùng nuôi tôm trên cát ở xã Hải Ninh được người dân phát triển tự phát và ồ ạt, không đúng quy hoạch nên bây giờ đã phát sinh nhiều hệ lụy. Đó là hầu hết những hộ nuôi nhỏ lẻ đều có cơ sở hạ tầng chưa bảo đảm như: không có ao chứa lắng lọc, ao xử lý bùn; hệ thống bơm cấp, thoát nước chồng chéo nhau; việc xả thải bừa bãi nguồn nước chưa qua xử lý; quy trình các hộ nuôi tôm ở đây chủ yếu là nuôi hở (cấp, xả liên tục)... đã gây ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực nuôi khiến dịch bệnh dễ lây lan, tôm chết hàng loạt.

Mặt khác, công tác kiểm tra tôm giống thả nuôi hiện còn thiếu chặt chẽ, hiện tượng tôm nang mầm bệnh chưa qua kiểm dịch theo tiêu chuẩn vẫn được người dân đưa vào thả nuôi.

Cùng với đó, nhiều hộ nuôi chủ yếu nghĩ đến lợi nhuận nên đầu tư nuôi theo phong trào, tự học hỏi từ người này qua người khác, hoặc chỉ được tư vấn sơ bộ một số kỹ thuật của các hãng thức ăn, thuốc thú y... nên trình độ quản lý và khoa học kỹ thuật còn hạn chế dẫn đến sản xuất kém hiệu quả.

Đáng chú ý, một số người dân chạy theo lợi nhuận sử dụng thuốc, hóa chất tùy tiện, khi có dịch bệnh xảy ra còn giấu dịch, tự ý xả thải ra môi trường nên tôm có hiện tượng chậm lớn, thời gian nuôi kéo dài. Trong khi đó, chi phí đầu tư và sản xuất nuôi tôm trên cát cao hơn nhiều lần so với ao đất (các loại thức ăn, con giống, khoáng chất, thuốc bổ, thuốc kháng sinh, nhân công... đều tăng từ 15 đến 20%/năm). Không chỉ thua lỗ vì tôm chết, người nuôi tôm ở Hải Ninh còn phải chịu cảnh tôm rớt giá.

Một số diện tích nuôi tôm trên cát đã bỏ hoang.
Một số diện tích nuôi tôm trên cát đã bỏ hoang.

Theo ông Phạm Văn Liệu, vì tôm chậm lớn nên người nuôi buộc phải xuất bán tôm sớm dù tôm có kích cỡ nhỏ. Chính vì thế giá bán ra rất thấp, tôm thẻ chân trắng sống bán cho thương lái với giá chỉ 108.000 đồng/kg (cỡ 100con/kg), giảm khoảng gần 25.000 đồng/kg so với thời điểm này năm trước, trong khi chi phí sản xuất 1kg tôm thành phẩm từ 110-120.000 đồng/kg. Rõ ràng, tình trạng tôm chết tôm chậm lớn cộng với giá tôm thấp làm người nuôi thua lỗ nặng. Vì vậy trước những khó khăn hiện nay, nhiều người nuôi tôm không dám mạo hiểm đầu tư nuôi tiếp.

Sớm tháo gỡ những vướng mắc

Để phát triển bền vững nghề nuôi tôm trên cát tại xã Hải Ninh, địa phương cũng như người tham gia nuôi cần có những giải pháp về quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng và áp dụng khoa học-công nghệ. Các ngành chức năng cũng cần có chính sách tháo gỡ những khó khăn về nguồn vốn đối với người nuôi bị thua lỗ.

Theo đó, địa phương cần quy hoạch cụ thể vùng nuôi tôm trên cát tập trung một cách hợp lý và phát triển nuôi tôm trên cát tại các vùng hoang hóa, không chặt phá rừng phòng hộ ven biển, trong đó chú trọng đánh giá trữ lượng nước ngầm làm căn cứ cho việc đầu tư, xây dựng vùng nuôi tôm trên cát. Ðầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm trên cát phải bảo đảm, phù hợp với quy trình nuôi thâm canh: có hệ thống cấp thoát nước riêng biệt, hệ thống xử lý nước thải và chất thải nuôi tôm...

Địa phương cần kiên quyết xử lý, giải tỏa các ao trái phép ngoài vùng quy hoạch, nuôi không bảo đảm các quy định, như không có hệ thống xử lý nước thải, xả nước thải không qua xử lý ra bên ngoài. Đặc biệt, người dân tham gia nuôi chú trọng nghiên cứu và đưa vào áp dụng công nghệ cao như: nuôi khép kín; nuôi tôm sạch bệnh bằng công nghệ nano bạc...

Ngoài ra, cơ quan chuyên môn và địa phương cần tăng cường khuyến cáo người nuôi tôm trên địa bàn phải mua con giống từ các cơ sở sản xuất giống uy tín, bảo đảm chất lượng. Đối với những diện tích thường xuyên bị dịch bệnh hoặc kém hiệu quả các hộ nuôi phải chuyển đổi đối tượng nuôi mới. Đồng thời, việc hình thành các ban (tổ) quản lý vùng nuôi và nâng cao vai trò quản lý cộng đồng sẽ góp phần hỗ trợ nhau trong công tác kỹ thuật, dịch vụ hậu cần và tiêu thụ sản phẩm.

N.L