.

Phòng trừ chuột gây hại lúa

Thứ Tư, 05/08/2015, 08:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Hiện nay, lúa tái sinh đã thu hoạch, lúa hè-thu trà sớm đứng cái, trà chính vụ, trà muộn đẻ nhánh rộ, trong khi tình hình phát sinh gây hại của chuột trên lúa ở tỉnh ta có chiều hướng gia tăng về diện tích và tỷ lệ gây hại. Do đó, để cây lúa có thể phát triển tốt, cho năng suất cao thì công tác phòng trừ chuột cần phải được quan tâm hàng đầu và triển khai triệt để.

Tại tỉnh ta, hiện nay lúa tái sinh đã được tiến hành thu hoạch. Tuy nhiên, sau khi thu hoạch lúa tái sinh, các địa phương không tổ chức diệt chuột nên chuột có nơi trú ngụ, cộng với nguồn thức ăn dồi dào trên ruộng tạo điều kiện cho chuột sinh sản nhanh, tích lũy lớn về số lượng. Vào trung tuần tháng 8 trở đi khi trời bắt đầu mưa, chuột tập trung di cư đồng loạt từ vùng sâu không gieo cấy, vùng lúa tái sinh di cư gây hại trên các trà lúa hè-thu nên mức độ gây hại rất lớn làm ảnh hưởng đến năng suất cây lúa.

Ông Hoàng Văn Thiện, đội 4, HTX Mỹ Lộc Thượng, An Thủy, Lệ Thủy cho biết, ruộng nhà ông bị chuột  gây hại từ  đầu vụ đến cuối vụ. Ban đầu là cắn phá những chòm lúa nhỏ, về sau rộng ra từng mảng lớn, có khi gần hết cả sào nên ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, sản lượng của lúa. Với 4 sào ruộng nằm ven đồi, bà Trần Thị Mịn, thôn 1 Lệ Kỳ, Vĩnh Ninh, Quảng Ninh cũng chia sẻ rằng, năm nào chuột cũng phá hoại rất nhiều trên các sào ruộng, tuy nhiên nhờ việc thường xuyên bỏ thuốc theo hướng dẫn của xã nên cũng giảm được thiệt hại đáng kể.

Rào nilon, biện pháp ngăn chuột vào ruộng lúa.
Rào nilon, biện pháp ngăn chuột vào ruộng lúa.

Tuy nhiên, theo đa số nhận xét của bà con nông dân thì việc phòng trừ chuột là việc làm rất khó, bà Dương Thị Vân, xã Tây Trạch, Bố Trạch cho biết: "Chuột tập trung ở các chân ruộng ven làng, ven đồi, ven bờ mương, bờ đê... Do đó khi lúa mới gieo chuột tập trung cắn phá rất nhanh rất khó trừ, tôi dùng bẫy, bỏ thuốc ở ruộng nhà mình nhưng chuột từ ruộng nhà bên cạnh vẫn sang cắn phá”.

Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật, diện tích có chuột hại toàn tỉnh tính đến ngày 9-7 khoảng 250ha. Chuột phát sinh gây hại ở hầu hết các địa phương, đặc biệt gây hại nặng ở các diện tích lúa hè - thu tiếp giáp với vùng lúa tái sinh của các huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, Bố Trạch...

Chuột là loại động vật di chuyển nhiều nếu chỉ diệt ở diện tích nhỏ thì sau một thời gian ngắn chuột ở khu vực xung quanh lại di chuyển tới sinh sôi nảy nở và tiếp tục gây hại. Đặc biệt nếu các địa phương không chú trọng công tác phòng trừ nhiều diện tích lúa sẽ giảm năng suất thậm chí không cho thu hoạch.

Mặc dù công tác diệt chuột đã được các địa phương chú trọng hơn, một số huyện, xã, HTX đã trích ngân sách mua thuốc chuột sinh học hỗ trợ cho nông dân diệt chuột, nông dân đã tích cực triển khai diệt chuột bằng nhiều biện pháp nên đã hạn chế chuột gây hại, tuy nhiên, một số địa phương triển khai diệt chuột chưa thường xuyên, chưa phối hợp đồng bộ các biện pháp (chú trọng biện pháp sử dụng thuốc, việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật chưa đúng với hướng dẫn của cơ quan chuyên môn), chưa huy động được sự tham gia của các đoàn thể và của cộng đồng nên chuột vẫn phát sinh gây hại làm ảnh hưởng đến năng suất lúa, cây trồng.

Để diệt chuột hiệu quả, các cán bộ kỹ thuật của Chi cục Bảo vệ thực vật cho biết, biện pháp diệt chuột thủ công là hữu hiệu nhất: tổ chức đào bắt, dùng chó săn bắt, phá hang ổ chuột, dùng hàng rào nilon bao vây và đào hố bẫy chuột. Các địa phương phải huy động lực lượng, ra quân đồng loạt tổ chức diệt chuột thường xuyên liên tục mới có hiệu quả. Sử dụng các loại thuốc sinh học, hoá học như: Biorat, Rat K 2%D... để làm bã diệt chuột. Ngoài ra, việc bảo vệ các loài chim, thú, rắn, mèo (thiên địch của chuột) là biện pháp cơ bản có tính chiến lược lâu dài để giữ cân bằng hệ sinh thái.

Để công tác diệt chuột có hiệu quả, cần phải tổ chức thường xuyên, liên tục và đồng loạt trên khu vực lớn. Kết hợp biện pháp thủ công với sử dụng các loại thuốc. Đặc biệt, công tác tổ chức diệt chuột ở vùng lúa tái sinh sau khi thu hoạch là rất quan trọng, có tính quyết định trong việc bảo vệ diện tích lúa hè-thu ở những vùng tiếp giáp lúa tái sinh.

Lê Mai-Đặng Thảo