.

Du lịch-hướng đột phá trong phát triển kinh tế

Thứ Tư, 12/08/2015, 18:50 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm 2006, Quảng Bình đón hơn 500 nghìn lượt khách, trong đó, khách quốc tế gần 16,5 nghìn lượt. Vậy mà chỉ chưa đầy mười năm sau, năm 2014, con số này đã tăng lên gấp 6 lần với hơn 2,8 triệu lượt khách và khách quốc tế là hơn 43 nghìn lượt khách. Tổng doanh thu du lịch trong khoảng thời gian này cũng có đà tăng trưởng mạnh mẽ từ hơn 230 tỷ đồng lên 2,8 nghìn tỷ đồng. Những con số thống kê trên đây đã cho thấy phần nào sự “lột xác không tưởng” của du lịch Quảng Bình trong một vài năm trở lại đây, đồng thời, cũng khẳng định một thực tế, du lịch đang được đánh giá là hướng đi đột phá phát triển kinh tế của tỉnh nhà và là “cơ hội vàng” dành cho không chỉ các nhà đầu tư chuyên tâm khai thác, mà còn cho mỗi một người dân để nâng cao mức sống, thay đổi diện mạo từng vùng quê.

“Người đẹp” Quảng Bình đang thoát ra khỏi giấc ngủ ngàn thu trong rừng thẳm! Đó có lẽ là một ví von không thể chính xác hơn đối với du lịch Quảng Bình trong giai đoạn này. Chưa bao giờ cái tên Quảng Bình được nhắc nhớ nhiều đến thế trên bản đồ du lịch Việt Nam và trên toàn cầu.

Đặc biệt, từ sau khi chương trình Good Morning America của Mỹ trực tiếp những hình ảnh hùng vĩ tuyệt đẹp của hang Sơn Đoòng-hang động lớn nhất thế giới-đến với hàng triệu người xem ở khắp hành tinh, thì nhiều thế mạnh du lịch khác của tỉnh nhà, như: hang động Phong Nha, hang Thiên Đường, hang Tú Làn, hang Én..., lại càng có cơ hội quảng bá, phát triển hơn. Nắm bắt được cơ hội này, nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch đã mạnh dạn đầu tư những sản phẩm du lịch ấn tượng, mang đặc trưng riêng của du lịch vùng di sản.

Trung tâm Du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng tiên phong đưa sản phẩm du lịch hệ thống Zip-line đu dây tự do sông Chày-hang Tối vào khai thác từ tháng 9-2014. Với chiều dài 400 mét, Zip-line đu dây tự do sông Chày-hang Tối được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là Hệ thống đu dây tự do 2 sợi cáp dài nhất Việt Nam.

Tuyến Zip-line này được đánh giá là có địa thế đẹp, hài hòa và xứng đáng là điểm đến vô cùng hấp dẫn đối với những ai thích chinh phục, khám phá. Tín hiệu đáng mừng là đến nay hệ thống đã đón khoảng 30 nghìn lượt khách, trong đó có gần 25 nghìn lượt khách quốc tế.

Hệ thống Zip-line đu dây tự do sông Chày-hang Tối là hệ thống đu dây tự do 2 sợi cáp dài nhất Việt Nam.
Hệ thống Zip-line đu dây tự do sông Chày-hang Tối là hệ thống đu dây tự do 2 sợi cáp dài nhất Việt Nam.

Một sản phẩm du lịch đáng chú ý khác vừa được Trung tâm Du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng đưa vào hoạt động trong tháng 7 vừa qua là Cầu mạo hiểm tại Tuyến du lịch sông Chày-hang Tối. Cầu mạo hiểm dài gần 60m, cách mặt nước 7m được thiết kế với các chướng ngại vật từ dễ đến khó và rất khó.

Để chinh phục được hết cầu mạo hiểm người chơi phải có sức khỏe tốt và kỹ năng nhất định. Trung tâm Du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng đang đề nghị Tổ chức kỷ lục Việt Nam xem xét công nhận đây là Cầu mạo hiểm qua sông dài nhất Việt Nam. Ngoài ra, cũng phải kể đến nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn khác của Trung tâm, như: tắm bùn, khám phá suối nước Moọc, Vườn thực vật...

Ông Lê Thanh Lợi, Giám đốc Trung tâm Du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng cho biết, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đang là một trong những mục tiêu mà Trung tâm hướng đến, với quyết tâm luôn tạo sự hấp dẫn, ấn tượng và mới mẻ đối với du khách. Những nỗ lực đó đã mang lại kết quả khả quan khi tổng lượt khách đón và phục vụ trong năm 2014 của Trung tâm đạt 426 nghìn lượt, tăng 63% so với năm 2013, nhiều tuyến du lịch lượng khách tăng mạnh, như: Phong Nha (tăng 42%), sông Chày-hang Tối (tăng 340%).

Đối với các đơn vị kinh doanh du lịch khác, bên cạnh tour khám phá mạo hiểm hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng, nhiều tour du lịch sinh thái, mạo hiểm khác cũng đã và đang được đầu tư, khai phá, gồm: tuyến Xuyên Sơn Hồ và chinh phục 4.500 mét động Phong Nha, chinh phục 6km hang Tối, tuyến hang Tú Làn, tuyến hang Én và gần đây nhất là tuyến chinh phục hang Nước Nứt-hang Va.

Không chỉ chú trọng vào các sản phẩm du lịch hang động là thế mạnh vốn có của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, các công ty du lịch đã mạnh dạn đầu tư vào những sản phẩm mới, mang đặc trưng riêng của Quảng Bình, như: trượt cát, khám phá làng nghề, du lịch biển, khám phá các di sản văn hóa phi vật thể...

Và đáng chú ý là sự rộng mở của du lịch tâm linh hướng về nguồn cội. Kể từ khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp về với đất mẹ Quảng Bình tại Vũng Chùa-Đảo Yến, nơi yên nghỉ của Đại tướng đã trở thành địa chỉ viếng thăm quen thuộc của hàng nghìn lượt người, theo ước tính, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2015, con số này đã lên tới gần 1 triệu lượt người. Ngoài ra, nhiều địa điểm tâm linh khác, như: các điểm di tích trên đường Trường Sơn-Hồ Chí Minh huyền thoại, lăng mộ và đền thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh..., cũng là những điểm đến tiềm năng trong các tour, tuyến du lịch.

Một khi các sản phẩm du lịch phát triển mạnh mẽ, lượng khách đổ về ngày một đông, thì các dịch vụ phục vụ du lịch khác, như: vận chuyển, ăn uống và nhất là cơ sở lưu trú lại càng có cơ hội “bùng phát”.

Bên cạnh nhiều dự án thương mại, dịch vụ lớn do các nhà đầu tư mạnh dạn rót hầu bao, một điểm nhấn ấn tượng khác của Quảng Bình chính là du lịch cộng đồng-một hình thức kinh doanh mà bất cứ hộ dân nào đều có thể tham gia với số vốn đầu tư thấp, vừa nâng cao thu nhập, vừa quảng bá hiệu quả văn hóa ẩm thực địa phương và đem đến những đổi thay tích cực trong lối sống, sinh hoạt của người dân. Tuy mới mẻ với những bước thử nghiệm ban đầu, nhưng du lịch cộng đồng đang là hướng đi đầy tiềm năng với những xã nghèo trên đất di sản, như: Sơn Trạch, Hưng Trạch, Tân Hóa...

Du lịch cộng đồng đang là hướng đi đầy tiềm năng trong phát triển du lịch tỉnh ta.
Du lịch cộng đồng đang là hướng đi đầy tiềm năng trong phát triển du lịch tỉnh ta.

Anh Đỗ Chí Hùng (Sơn Trạch, Bố Trạch) đang chuẩn bị đầu tư cho mô hình homestay của gia đình mình. Từng có kinh nghiệm làm việc cho các farmstay, homestay khác ở Đà Nẵng và ở Quảng Bình, anh mạnh dạn quyết tâm xây dựng một homestay cho riêng mình với khoảng 4-5 phòng. Bên cạnh tự mày mò tìm hiểu, anh cũng tìm đến những chủ homestay khác trong thôn để học hỏi thêm kinh nghiệm, kỹ năng quản lý, giao tiếp với khách nước ngoài...

Thôn Phong Nha, Sơn Trạch hiện có 4 homestay và chủ yếu đều do chính tay người dân bản địa xây dựng nên. Hồ Khanh, người phát hiện ra hang động Sơn Đoòng, cũng xây dựng một homestay cho riêng mình bên bờ sông Son. Một người cháu họ hàng của anh cũng mở một homestay theo mô hình tương tự và đang dần thu hút khách. Với giá phòng từ 700 nghìn -1 triệu đồng/phòng/1 đêm, thu nhập từ du lịch cộng đồng đang dần thay đổi cuộc sống của người dân nơi đây. Họ-những người trước đây quen kiếm sống dựa vào rừng-nay bắt tay làm du lịch và quay trở lại bảo vệ rừng, góp phần nâng cao ý thức của người dân cũng như khách du lịch.

Ông Nguyễn Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch khẳng định, du lịch cộng đồng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới, không tách rời với những hoạt động, mục tiêu chung của ngành du lịch. Tỉnh sẽ nỗ lực hỗ trợ tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư một số cơ sở vật chất thiết yếu và tạo cầu nối với các doanh nghiệp để có sự liên kết trong quảng bá, marketing... cho các hộ gia đình làm du lịch cộng đồng.

Để hoàn thành mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch Quảng Bình trong thời gian tới vẫn còn đó rất nhiều việc phải làm. Trong đó, một trong những nhiệm vụ hàng đầu là chú trọng các hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch trong nước và quốc tế bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Mới đây, việc hang Sơn Đoòng được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch được lựa chọn để quảng bá cho du lịch Việt Nam tại Sea Games 28 Singapore chính là “cơ hội vàng” để đưa hình ảnh du lịch Quảng Bình vươn xa.

Ngoài ra, nhiều giải pháp phát triển đồng bộ ngành du lịch theo chiều sâu sẽ là những bước đi mang tính đột phá của ngành, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác song hành phát triển, như: đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, chất lượng cao; nâng cao chất lượng môi trường và dịch vụ du lịch; triển khai hiệu quả các chính sách khuyến khích đầu tư du lịch; đẩy mạnh sự tham gia của người dân trong hoạt động du lịch; tăng cường liên kết bền vững với các tỉnh, các vùng, quốc gia về du lịch...

Mai Nhân