.

Để miền núi gần hơn với đồng bằng

Thứ Sáu, 17/07/2015, 13:54 [GMT+7]

(QBĐT) - Huyện Quảng Ninh có hai xã miền núi Trường Xuân và Trường Sơn là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Vân Kiều. Để kinh tế-xã hội ở hai xã miền núi phát triển, xích lại gần hơn với vùng đồng bằng, Huyện ủy Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/HU về “Phát triển kinh tế-xã hội các xã miền núi giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020”. Bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, những năm qua, bộ mặt hai xã miền núi Trường Xuân, Trường Sơn đã có sự khởi sắc, “thay da đổi thịt”.

Hai xã miền núi Trường Xuân, Trường Sơn nằm phía tây huyện Quảng Ninh có đường biên giới giáp nước bạn Lào dài 38km. Địa hình rừng núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, diện tích đất tự nhiên trên 93.000ha, chiếm 78% tổng diện tích toàn huyện. Dân số hai xã có 1.651 hộ, 6.542 nhân khẩu gồm hai dân tộc Kinh và Vân Kiều sinh sống, trong đó đồng bào Vân Kiều 781 hộ, 3.154 nhân khẩu.

Cuộc sống đồng bào chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhưng diện tích đất sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; phương thức canh tác lạc hậu, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế nên năng suất, sản lượng lương thực đạt thấp, chưa đáp ứng nguồn lương thực tự cung tự cấp tại chỗ. Lương thực chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ từ Nhà nước. Một bộ phận đồng bào còn mang nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách Nhà nước, chưa phát huy hết nội lực bản thân, chăm lo xây dựng kinh tế.

Nội dung quan trọng nhất, tạo nên tính đột phá trong triển khai Nghị quyết số 07-NQ/HU cùng đề án “Phát triển kinh tế-xã hội các xã miền núi giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020” của UBND huyện Quảng Ninh là vấn đề giao đất, giao rừng cho đồng bào dân tộc Vân Kiều, tạo ra tư liệu sản xuất, tập quán canh tác mới cho bà con. Từ đó các bản làng đồng bào định canh định cư bền vững hơn, đồng bào gắn bó hơn với rừng, yêu rừng, đặt trọn niềm tin vào Đảng, Nhà nước.

Đồng bào Vân Kiều canh tác trên những phần đất được Nhà nước giao.
Đồng bào Vân Kiều canh tác trên những phần đất được Nhà nước giao.

Để thực hiện việc giao đất giao rừng cho đồng bào, UBND huyện Quảng Ninh đã chỉ đạo, triển khai rà soát, thống kê, phân loại các loại đất; xây dựng phương án giao đất giao rừng cho các hộ gia đình, cá nhân tại các địa phương; phối hợp với các sở, ngành liên quan để thu hồi đất từ các nông, lâm trường giao lại cho các xã.

Từ năm 2012 đến năm 2014, UBND tỉnh thu hồi đất của Công ty TNHH MTV LCN Long Đại giao cho UBND xã Trường Sơn quản lý với diện tích trên 3.817ha. Tại xã Trường Xuân, nhiều diện tích đất rừng bà con lấn chiếm từ Ban quản lý rừng phòng hộ Long Đại để trồng cây cũng được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để bà con tiếp tục sản xuất.

Sau khi được bóc tách đất rừng từ các đơn vị trên, UBND huyện Quảng Ninh chỉ đạo các ngành và UBND hai xã Trường Sơn, Trường Xuân lập phương án, triển khai giao đất, giao rừng kịp thời cho người dân. Đến nay, xã Trường Sơn giao đất giao rừng cho 276 hộ và 5 cộng đồng dân cư với tổng diện tích trên 1.899ha.

Cụ thể, năm 2013, UBND xã tiến hành giao đất cho 102 hộ và 1 cộng đồng dân cư, tổng diện tích trên 384 ha. Năm 2014, tiếp tục giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gần 1.515 ha cho 174 hộ và 4 cộng đồng dân cư. Tại xã Trường Xuân, UBND xã giao đất giao rừng và công nhận quyền sử dụng đất rừng cho 249 hộ, tổng diện tích trên 937ha. Trong đó 112 hộ được cấp 412,8ha qua hai năm 2012- 2013. Năm 2014, UBND huyện công nhận và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 240 hồ sơ của 137 hộ dân, diện tích trên 525 ha...

Có thể khẳng định rằng: chủ trương giao đất, giao rừng cho nhân dân hai xã miền núi trong đó có đồng bào dân tộc Vân Kiều thực sự trở thành hướng thoát nghèo nhanh và bền vững đối với người dân, hộ nhiều nhất được gần 10ha, hộ ít nhất từ 2-3 ha.

Tiếp chuyện chúng tôi, ông Hồ Văn Phần, Trưởng bản Trung Sơn khoe: “Đây! Sổ đỏ đất rừng của cả nhà đó. Tổng đất rừng hơn 5ha. Tài sản lớn nhất mà gia đình có được từ trước đến nay. Tao và người thân đầu tư trồng rừng, trồng sắn. Rừng thì đang phát triển, còn sắn đã cho thu hoạch được vài chục triệu đồng mỗi vụ. Bản Trung Sơn có 67 hộ dân sở hữu hơn 322 ha rừng, chia bình quân ra mỗi nhà gần 5ha. Chắc chắn trong tương lai không xa, bà con dân bản sẽ thoát nghèo. Nhờ được làm chủ rừng nên đồng bào ý thức hơn trong việc giữ rừng”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Nguyễn Ngọc Thụ khẳng định: “Chủ trương giao đất, giao rừng thực tế rất hợp lòng dân, đồng bào phấn khởi chăm lo trồng cây gây rừng, bảo vệ và chăm sóc rừng. Cả cộng đồng cùng chung tay bảo vệ rừng tạo nên “thế trận” toàn dân giữ rừng. Cũng từ đó, những cánh rừng được giao không còn “chảy máu”. Rừng trở lại bình yên, độ che phủ ngày càng dày thêm, cuộc sống đồng bào ngày càng ấm no, hạnh phúc”.

Về tổng thể, huyện Quảng Ninh cơ bản hoàn thành rà soát quy hoạch quỹ đất, giao đất giao rừng cho nhân dân, bình quân  từ 2 đến 3 ha/hộ, ổn định sản xuất, bảo đảm thu nhập. Đời sống nhân dân ổn định, bộ mặt nông thôn hai xã miền núi ngày càng khởi sắc.

Về kết cấu hạ tầng, trên 50% đường giao thông từ trung tâm xã đến thôn, bản; hơn 50% số hộ dùng nước sạch hợp vệ sinh. Có 80% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng. Cơ bản không có hộ đói; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 40%, đến năm 2020 còn dưới 25%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 20%, có 80% đội ngũ cán bộ cơ sở đạt chuẩn theo quy định. Thực tế đã minh chứng hai xã miền núi Trường Xuân, Trường Sơn xích lại gần hơn với đồng bằng.

Xuân Vương