.

Thoát nghèo nhờ nuôi lợn

Thứ Năm, 11/06/2015, 07:58 [GMT+7]

(QBĐT) -  Từ hai bàn tay trắng, bằng ý chí vươn lên, dám nghĩ, dám làm, anh Đinh Hữu Thân, thôn Tân Thuận, xã Hóa Hợp (huyện Minh Hóa) đã trở thành chủ mô hình chăn nuôi lợn cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Qua đó không chỉ giúp gia đình anh thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu chính đáng.

Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt từ khi lấy vợ, sinh con, cuộc sống của gia đình anh Thân chỉ trông vào mấy sào ruộng, quanh năm lam lũ. Với quyết tâm không cam chịu đói nghèo, sau nhiều trăn trở, nghĩ suy, anh quyết định đầu tư chăn nuôi lợn. Thông qua hội nông dân xã, anh vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư chăn nuôi.

Thời gian đầu, gia đình anh  chỉ tập trung đầu tư mô hình chăn nuôi lợn thịt, nhưng sau mỗi lứa xuất bán lại khó khăn trong việc mua con giống về nuôi. Nhận thấy chỉ nuôi lợn thịt không chủ động được con giống và mua giống lợn từ nơi khác về nuôi không rõ nguồn gốc xuất xứ, khó kiểm soát dịch bệnh, trong khi nhu cầu mua lợn giống của bà con nông dân trong và ngoài xã rất lớn, cuối năm 2012, gia đình anh đã nuôi thêm cả lợn nái sinh sản để cung cấp giống cho gia đình và bà con trong vùng.

Nhờ chăn nuôi lợn, nhiều hộ gia đình thoát được nghèo đói.
Nhờ chăn nuôi lợn, nhiều hộ gia đình thoát được nghèo đói.

Những khó khăn thiếu vốn, thiếu hiểu biết về kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc lợn nái không làm anh nản lòng. Với sự năng động, ham học hỏi, anh đã tìm hiểu các thông tin, kỹ thuật về chăn nuôi lợn trên các phương tiện thông tin đại chúng, sách báo để tích lũy kinh nghiệm. Ngoài ra, anh còn tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi lợn do xã tổ chức. Nhờ kiên trì, chịu khó ham học hỏi nên anh đã từng bước làm chủ được kỹ thuật chăn nuôi lợn nái và tích lũy được kinh nghiệm cũng như vốn để mở rộng quy mô chăn nuôi.

Những năm qua, việc chăn nuôi lợn sinh sản của gia đình anh Thân luôn cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay gia đình anh đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại kiên cố với, diện tích 400m2, chia làm 2 khu vực, khu nuôi lợn nái sinh sản và khu nuôi lợn con sau khi tách mẹ. Hiện gia đình anh có 12 lợn nái đẻ, trung bình mỗi năm xuất bán trên 300 con lợn, từ 20-25kg/con. Trung bình mỗi năm anh thu lãi trên 100 triệu đồng từ lợn thịt và lợn nái đẻ.

Chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, anh Thân cho biết: Trong quá trình nuôi lợn nái sinh sản, gia đình anh luôn chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh cho lợn, khử trùng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và giữ nhiệt độ phù hợp đối với những chuồng nuôi lợn con mới sinh. Chế độ ăn của lợn mẹ và lợn con lúc mới sinh cũng được hết sức chú ý. Nhờ vậy mà trang trại chăn nuôi của gia đình anh đã phòng tránh được dịch bệnh, lợn giống và lợn thịt luôn bán được giá, thương lái và hộ chăn nuôi tin tưởng.

Ông Đinh Xuân Viết, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hóa Hợp cho biết: Hóa Hợp là một xã còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm 18,62%. Trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của xã, đã có những hộ mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, dịch vụ song chưa nhiều; gia đình anh Đinh Hữu Thân là hộ tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế của xã. Với ý chí và nghị lực vươn lên, đến nay gia đình anh Thân không chỉ thoát được cảnh nghèo đói mà còn từng bước vươn lên làm giàu chính đáng.

Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, anh Thân còn là người đi tiên phong trong việc gây dựng phong trào chăn nuôi lợn hiệu quả ở địa phương. Anh thường xuyên tuyên truyền các biện pháp chăm sóc, phòng bệnh và các kiến thức khoa học kỹ thuật cho hội viên nông dân trong thôn cùng thực hiện. Anh còn giúp đỡ cho nhiều gia đình hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn bằng lợn giống và thức ăn chăn nuôi. Việc làm của anh đã góp phần mang lại thu nhập, tạo việc làm, cải thiện đời sống cho nhiều gia đình hội viên nông dân trong xã.

Phạm Hà