.

Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa

Thứ Sáu, 26/06/2015, 08:19 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhờ tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với thị trường tiêu thụ để phát triển bền vững, đến nay, giá trị sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp trên địa bàn thị xã Ba Đồn đã tăng bình quân 5,3%/năm, nâng tổng sản lượng lương thực từ 24.981 tấn năm 2010 lên trên 28.000 tấn năm 2015.

Ở lĩnh vực trồng trọt, thị xã Ba Đồn tiếp tục chỉ đạo các địa phương vừa giữ ổn định diện tích sản xuất lúa, vừa tăng diện tích sản xuất 2 vụ ở những vùng có điều kiện;  đồng thời thực hiện dồn điền đổi thửa nhằm đưa nhanh cơ giới hoá vào sản xuất để giảm sức lao động và chi phí, tăng hiệu quả kinh tế và nâng cao thu nhập.

Theo đó, nhiều địa phương đã chuyển đổi linh hoạt đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn hoặc đầu tư nuôi trồng thuỷ sản theo nhu cầu thị trường, giảm dần các giống dài ngày vụ đông-xuân và tăng tỷ trọng sử dụng các giống trung, ngắn ngày để gieo cấy muộn hơn nhằm tránh ngập úng và rét đầu vụ, bổ sung các giống lúa mới chất lượng cao vào cơ cấu thời vụ để bảo đảm sản xuất bền vững.

Mô hình nuôi gà thả vườn tại xã Quảng Tiên.
Mô hình nuôi gà thả vườn tại xã Quảng Tiên.

Đến nay, tỷ lệ giống lúa xác nhận được bà con nông dân các địa phương đưa vào sản xuất đạt trên 55%. Toàn thị xã có 2.100 ha lúa chất lượng cao, chiếm trên 43% tổng diện tích. Nhờ áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, các biện pháp canh tác tiên tiến vào sản xuất nên trên địa bàn thị xã đã xuất hiện một số mô hình chuyên canh, thâm canh đạt hiệu quả kinh tế cao như: ớt ở xã Quảng Lộc, lạc ở phường Quảng Phúc, các mô hình trồng hoa và rau sạch ở phường Quảng Long, xã Quảng Hòa và xã Quảng Lộc.

Đến nay, diện tích và năng suất các loại cây trồng trên địa bàn thị xã cơ bản ổn định, có nhiều chỉ tiêu đạt cao và vượt kế hoạch đề ra hàng năm. Toàn thị xã hiện có 48,3 ha đạt trên 75 triệu đồng/ha/năm và 1.980 ha đạt trên 70 triệu đồng/ha/năm.

Chăn nuôi trên địa bàn thị xã Ba Đồn hiện phát triển tương đối ổn định và an toàn về dịch bệnh. Mặc dù tổng đàn gia súc giảm bình quân hàng năm 3,3% (nguyên nhân do chăn nuôi nhỏ lẻ ở các hộ gia đình giảm, hiệu quả thấp và ô nhiễm môi trường), nhưng do bà con nông dân biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi nên trọng lượng vật nuôi và tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng vẫn tăng: năm 2014 đạt 4.888 tấn, năm 2015 ước đạt 5.100 tấn.

Chương trình Zêbu đàn bò (nhóm các giống bò u nhiệt đới), nạc hóa đàn lợn trên địa bàn được triển khai thực hiện khá hiệu quả. Đến nay, số lượng bò máu ngoại trên địa bàn chiếm tỷ lệ 32% tổng đàn, đàn gia cầm tăng bình quân hàng năm 3,7% và năm 2015 ước đạt 200.000 con. Tỷ trọng chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp tăng từ 41,2% năm 2010 lên 47% năm 2015.

Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, tiêm phòng dịch bệnh được các ngành, đơn vị, địa phương chú trọng quan tâm nên bước đầu đã hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa tập trung với năng suất và giá trị thu nhập cao như: vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng sản xuất rau an toàn, vùng nuôi tôm khu công nghiệp, nuôi cá chẽm lồng, vùng chăn nuôi gia cầm, bò thịt tập trung...

Theo đó, nhiều mô hình giống mới, kỹ thuật mới được đưa vào sản xuất đạt hiệu quả cao, mang lại thu nhập cho nhiều hộ gia đình như: mô hình sản xuất giống tại chỗ với 112 ha, năng suất đạt 57 tạ/ha; sản xuất giống lúa P6 tại xã Quảng Trung; mô hình lúa-cá, lúa-cá-vịt tại phường Quảng Phong; nuôi tôm thẻ chân trắng tại phường Quảng Thuận; nuôi gà thả vườn tại xã Quảng Tiên...

Hoạt động khai thác thủy sản trong những năm gần đây có sự tăng trưởng khá, cơ cấu nghề nghiệp đánh bắt đã chuyển đổi sang các nghề khai thác khơi và khai thác hải sản xuất khẩu. Nhờ vậy, giá trị sản xuất thủy sản tăng bình quân 7%/năm, tổng sản lượng thủy sản năm 2010 đạt 8.379 tấn, đến năm 2015 ước đạt 10.850 tấn, bình quân 5 năm tăng 5,3%/năm; trong đó sản lượng đánh bắt là 8.650 tấn, tăng gần 25% so với năm 2010 và sản lượng nuôi trồng thủy sản 2.200 tấn, tăng 52% so với năm 2010. Việc khuyến khích khai thác xa bờ và vận động ngư dân có ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng được tăng cường, vì vậy năng lực tàu thuyền được đầu tư sửa chữa, nâng cấp và đóng mới tăng cả số lượng và công suất.

Tổng số tàu cá toàn thị xã đến năm 2015 là 910 chiếc, với tổng công suất 76.350 CV (tổng công suất tăng bình quân gần 9%/năm). Hoạt động khai thác đã chuyển dịch mạnh theo xu hướng đánh bắt xa bờ nhằm khai thác thủy, hải sản có giá trị kinh tế cao và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đặc biệt, thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, thị xã Ba Đồn đang phấn đấu đến tháng 12-2015 đóng mới 13 chiếc tàu, trong đó có 3 tàu khai thác vỏ thép và 10 tàu khai thác vỏ gỗ. Các cơ sở dịch vụ hậu cần cũng được đầu tư và ngày càng phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho khai thác hải sản trên địa bàn.

Riêng đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, bà con đã biết áp dụng các biện pháp kỹ thuật và nuôi trồng có khoa học nên sản lượng tăng lên hàng năm, cụ thể: năm 2010 đạt 1.447 tấn, đến năm 2015 đạt 2.200 tấn. Công tác chế biến nguyên liệu thủy sản trên địa bàn thị xã cũng đã có sự chuyển biến tốt, năm 2014 sản lượng nước mắm đạt 82.000 lít, đến năm 2015 ước đạt 96.000 lít, tăng 100% so với năm 2010, bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa.

P.V