.

"Lão ngư" kiên cường bám biển

Thứ Sáu, 26/06/2015, 08:44 [GMT+7]

(QBĐT) - “Nghề đi biển không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió nhưng dù có gặp khó khăn và khó khăn đến mấy, chúng tôi cũng bám biển, vươn khơi bởi chúng tôi là những người con làng biển, mưu sinh trên biển, nhờ biển mà có cuộc sống ấm no...”. Đó là lời tâm sự của ông Nguyễn Văn Lược (xã Cảnh Dương, Quảng Trạch), một trong những điển hình tiên tiến trong phong trào “Người cao tuổi thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” của Hội Người Cao tuổi tỉnh.

Từng là một thuyền trưởng thuộc xí nghiệp đánh cá Sông Gianh nên ông Nguyễn Văn Lược có nhiều kinh nghiệm trong việc đánh bắt, khai thác nguồn lợi hải sản. Vì thế mà ngay khi nghỉ hưu, ông lại tiếp tục với những chuyến ra khơi, vào lộng, nuôi quyết tâm làm giàu từ biển. Buổi đầu bắt tay vào “làm ăn lớn” với việc mua sắm trang thiết bị hiện đại để vươn khơi bám biển, gia đình ông cũng gặp rất nhiều khó khăn, song với ý chí, nghị lực sẵn có cùng với sự đồng lòng, hợp sức của gia đình đã tiếp thêm sức mạnh để ông biến ước mơ thành hiện thực.

Cảnh Dương quê hương ông là một vùng quê ven biển, hầu như cả làng sống bằng nghề biển, sản lượng thu hoạch từ biển mỗi ngày rất lớn nên ông đã mạnh dạn đầu tư nhà xưởng, cùng trang thiết bị hiện đại để chế biến, bảo quản hải sản. Để có được nguyên liệu ổn định, gia đình ông đã đầu tư một tàu cá đánh bắt xa bờ có công suất 350CV với trang thiết bị hiện đại để đánh bắt xa, đồng thời trực tiếp thu mua sản phẩm do bà con đánh bắt được để bảo quản, chế biến thành các mặt hàng khô.

Nhờ kinh nghiệm sẵn có và thường xuyên học hỏi những kiến thức mới, chủ động nắm bắt thông tin, tìm hiểu thị trường nên cơ sở chế biến hải sản của ông đã nhanh chóng có được uy tín trên thị trường trong, ngoài tỉnh. Các sản phẩm mực, cá, tôm khô, nước mắm, ruốc... từ cơ sở này đều được khách hàng đánh giá cao về chất lượng. Thành quả bước đầu ấy đã tạo động lực để ông mở rộng quy mô nhà xưởng, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Ngoài cơ sở sản xuất tại địa phương, ông còn mở thêm 12 đại lý để cung ứng hàng hóa ra các thị trường. Tổng nguồn vốn sản xuất kinh doanh của gia đình ông lên tới trên 2 tỷ đồng. Doanh thu từ việc chế biến hải sản của gia đình ông tăng lên hàng năm, thu lãi ròng chừng 850-1 tỷ đồng/năm. Đặc biệt từ mô hình này, ông đã tạo việc làm thường xuyên cho 60 lao động có nguồn thu nhập ổn định tại địa phương.

Có của ăn, của để, gia đình ông tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện như giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo... tạo điều kiện cho các chủ tàu trong xã đầu tư trang thiết bị hiện đại để vươn khơi bằng cách cho vay không lấy lãi với số tiền hàng trăm triệu đồng.

Không chỉ được biết đến là tấm gương điển hình trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, ông Nguyễn Văn Lược còn là tấm gương sáng trong công tác xã hội, gương mẫu đi đầu trong các phong trào quần chúng của địa phương. Ông luôn nhắc nhở, giáo dục con cháu rằng: Nghề biển là gian nan song đó là nghề truyền thống của gia đình, của làng nên phải tích lũy kinh nghiệm để gắn bó với biển. Với người dân Cảnh Dương, biển muôn đời là niềm tự hào, là lẽ sống nên việc vươn khơi, bám biển còn là hành động thiết thực góp phần tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Lời dạy của ông luôn được con cháu ghi nhớ, làm theo. Hai người con của ông đều gắn bó với biển. Con trai đầu hiện là thiếu tá hải quân vùng IV, con gái là Giám đốc doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Hoàn Vũ. Gia đình ông luôn được công nhận là gia đình văn hóa.

Từ thành quả lao động của chính mình, ông được nhận nhiều phần thưởng cao quý của các cấp, các ngành như bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, Trung ương Hội Người Cao tuổi Việt Nam... Ông còn được nhận Huy chương vì sự nghiệp nghề cá, Huy chương vì giai cấp nông dân Việt Nam, Kỷ niệm chương vì chủ quyền an ninh biên giới. Đó là những “kỷ vật” vô giá, là động lực để ông và các thành viên trong gia đình tiếp tục thi đua nhằm tạo nên những mùa gặt mới góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

P.V