.

Canh chừng "giặc lửa"

Thứ Ba, 09/06/2015, 07:57 [GMT+7]

(QBĐT) - Với đặc điểm diện tích rừng và đất rừng rộng lớn, độ dốc cao, đường sá đi lại khó khăn..., hàng năm, cứ vào mùa khô hanh, công tác bảo vệ rừng (BVR) và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) ở địa bàn huyện Tuyên Hoá lại được các cấp chính quyền, người dân đặc biệt quan tâm. Bước vào những tháng mùa khô năm 2015, Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong BVR và PCCCR của huyện đã được củng cố, kiện toàn để tập trung thực hiện mọi biện pháp, chủ động đối phó với “giặc lửa”.

Huyện Tuyên Hóa hiện có trên 93.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó đất rừng tự nhiên có hơn 80.000ha, rừng trồng trên 7.000ha và gần 3.000ha đất chưa có rừng. Thời gian gần đây, trên địa bàn toàn tỉnh đã có nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao, dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao.

Vào ngày 29-5-2015, tại khu vực rừng phòng hộ Cửa Hầm thuộc thôn 4, xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa) đã xảy ra một vụ cháy rừng. UBND xã Thanh Hóa buộc phải điều động trung đội dân quân cơ động của xã phối hợp với Kiểm lâm địa bàn khẩn trương tiến hành dập lửa. Tuy nhiên, "giặc lửa" vẫn thiêu rụi khoảng 2ha rừng phòng hộ... Tiếp đó, ngày 2-6 lại xảy ra cháy rừng ở xã Sơn Hóa...

Để chủ động phòng chống và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng cháy rừng, từ đầu năm 2015 đến nay, UBND huyện Tuyên Hoá đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác BVR và PCCCR trên địa bàn; thành lập đoàn liên ngành kiểm tra, truy quét lâm tặc; tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp BVR và PCCCR, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trái phép.

Diện tích rừng trồng trên địa bàn được chăm sóc bảo vệ tốt
Diện tích rừng trồng trên địa bàn được chăm sóc bảo vệ tốt

Đáng chú ý là UBND huyện đã kịp thời ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp cấp bách trong công tác PCCCR trên địa bàn; theo đó, UBND huyện Tuyên Hoá chỉ đạo các xã, thị trấn lấy lực lượng Kiểm lâm địa bàn, công an và dân quân tự vệ địa phương làm nòng cốt; khi xảy ra cháy rừng ở địa phương nào thì sẽ có lực lượng cơ động của địa phương đó cùng tham gia chữa cháy. Nếu vùng cháy lan rộng thì Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong BVR và PCCCR của huyện sẽ huy động các lực lượng công an, quân sự, dân quân tự vệ, các cơ quan, đơn vị, cán bộ và nhân dân ở các vùng lân cận kịp thời ứng cứu để dập tắt đám cháy.

Đối với các chủ rừng, lực lượng BVR và PCCCR phải thường xuyên túc trực 24/24 giờ/ngày tại các chòi canh lửa, tổ chức thành từng tổ, nhóm để thực hiện việc quản lý theo từng tiểu khu rừng. Hạt Kiểm lâm thực hiện giao địa bàn quản lý cho từng trạm kiểm lâm.

Với phương châm “phòng là chính, chữa cháy phải khẩn trương và triệt để”, ngay từ đầu năm 2015, UBND huyện Tuyên Hoá đã bố trí một phần kinh phí để các địa phương, chủ rừng đầu tư mua sắm dụng cụ PCCCR...

Xác định công tác PCCCR là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh, UBND huyện Tuyên Hoá đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm phối hợp với Phòng Tài nguyên- Môi trường chú trọng thực hiện nhiệm vụ theo dõi, cập nhật diễn biến rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn ngay từ đầu năm. Mặt khác, tiến hành điều chỉnh, cập nhật số liệu phù hợp với số liệu quy hoạch 3 loại rừng; tìm hiểu những nguyên nhân dẫn tới thay đổi rừng, đất lâm nghiệp; rà soát ranh giới giữa chủ rừng và các địa phương; kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các thôn, bản và các chủ rừng thực hiện tốt quy ước bảo vệ và phát triển rừng; duy trì thực hiện tốt công tác PCCCR trong suốt mùa khô...

Theo phương án BVR và PCCCR năm 2015 của Ban Chỉ huy các vấn đề cấp bách trong BVR và PCCCR huyện Tuyên Hoá cho thấy, các vùng trọng điểm về khai thác gỗ, tập kết, mua bán lâm sản, vận chuyển lâm sản trái phép đã được "khoanh vùng" cụ thể. Vùng trọng điểm về khai thác gỗ trái phép được xác định tại các xã Lâm Hoá, Thanh Hoá, Thuận Hoá, Kim Hoá (trên toàn tuyến giáp ranh tỉnh Hà Tĩnh) và xã Cao Quảng; vùng trọng điểm về tập kết, mua bán lâm sản trái phép là tại các tiểu khu rừng đầu nguồn Khe Nét, một số tiểu khu rừng ở địa phận các xã Thanh Hoá, Cao Quảng (nơi giáp ranh huyện Minh Hoá), các tuyến Khe Rái-Khe Núng (xã Thanh Hoá), khu vực Đồng Tràm (xã Đồng Hoá)...

Điểm nóng về vận chuyển lâm sản trái phép được xác định gồm đường Hồ Chí Minh, Khe Tang, Khe Núng, Khe Nét, tuyến sông Gianh, tuyến Rào Trổ, Quốc lộ 12A, tuyến Cao Quảng-Châu Hoá; điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp tại xã Thanh Hoá, Kim Hoá, Ngư Hoá...

Như vậy, các vùng rừng có nguy cơ bị xâm hại, dễ cháy đã được huyện Tuyên Hoá khẩn trương "khoanh vùng" để triển khai các biện pháp ngăn chặn, BVR một cách chủ động, hiệu quả. Hiện nay, toàn huyện đã củng cố, kiện toàn lại Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong BVR và PCCCR từ cấp huyện đến xã, thị trấn có rừng; phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên; rà soát, bổ sung công cụ chữa cháy cho các tổ, đội PCCCR.

Đặc biệt, nhiều địa phương ở huyện Tuyên Hoá đã tổ chức ký cam kết tới từng chủ hộ gia đình để thực hiện các biện pháp PCCCR hiệu quả. Các địa phương, đơn vị có rừng trên toàn huyện đều chủ động xây dựng quy chế hoạt động, phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên trong BVR và PCCCR. UBND huyện Tuyên Hoá cũng chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCCCR đến mọi tầng lớp nhân dân...   

Văn Minh