.

Thị trường vật liệu xây không nung: Bao giờ cung mới gặp cầu?

Thứ Hai, 25/05/2015, 07:53 [GMT+7]

(QBĐT) - Với nhiều tính năng ưu việt như cách âm, cách nhiệt tốt, tận dụng được phế thải của ngành công nghiệp nhiệt điện và đặc biệt thân thiện với môi trường..., vật liệu xây không nung (VLXKN) đang được mệnh danh là vật liệu xây của tương lai. Vậy nhưng ở tỉnh ta hiện nay, dòng sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường này vẫn chưa có được vị trí vững chắc trên thị trường.

Thực trạng sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng

Chủ trương sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước và các công trình xây dựng nói chung đã được Chính phủ đề cập đến trong Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28-4-2011 về việc phê duyệt Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16-4-2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng VLXKN, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung và Thông tư số 09/2012/TT-BXD ngày 28-11-2012 của Bộ Xây dựng quy định sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng.

Theo đó, từ năm 2013, tại các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước buộc phải sử dụng 100% vật liệu không nung (đối với các các đô thị loại 3 trở lên) và tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% nhằm phấn đấu đến năm 2015, cả nước sẽ xóa bỏ hoàn toàn các lò nung thủ công và cơ sở sản xuất gạch block nhỏ lẻ.

Thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng, UBND tỉnh đã có chỉ thị về việc tăng cường sử dụng VLXKN và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh; đồng thời ban hành kế hoạch phát triển VLXKN đến năm 2020 và lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại các địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn như số lượng các nhà máy sản xuất gạch không nung ít, công suất chưa đáp ứng nhu cầu...

Do đó, UBND tỉnh có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng cho phép lùi việc sử dụng thời hạn đến đầu năm 2015. Theo đó, lộ trình thực hiện tại các đô thị trên địa bàn toàn tỉnh được quy định cụ thể: tại thành phố Đồng Hới, kể từ năm 2015 các công trình sử dụng vốn ngân sách phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung. Tại các đô thị còn lại trong toàn tỉnh phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung từ đầu năm 2015 và sau năm 2015 phải sử dụng 100%.

Người tiêu dùng vốn đã quá quen với sự hiện diện của gạch nung đỏ truyền thống.
Người tiêu dùng vốn đã quá quen với sự hiện diện của gạch nung đỏ truyền thống.

Riêng đối với các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn, kể từ năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung trong tổng số vật liệu xây (tính theo thể tích khối xây).

Theo thống kê từ Sở Xây dựng, hiện trên địa bàn tỉnh ta có 3 nhà máy sản xuất gạch xây không nung đang hoạt động gồm Nhà máy gạch không nung của Công ty CP SXVL và XD COSEVCO I (Quảng Xuân, Quảng Trạch); Xí nghiệp gạch Block 6.10 (Vạn Ninh, Quảng Ninh) và Công ty TNHH và TM Tân Bình Lợi (Hoàn Lão, Bố Trạch). Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc tiêu thụ sản phẩm và tỷ lệ sử dụng VLXKN trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn khá hạn chế.

Đơn cử, Công  ty TNHH và TM Tân Bình Lợi  là một trong 3 đơn vị “tiên phong” trong lĩnh vực sản xuất gạch không nung chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7 năm 2013. Tuy được đầu tư lớn về kinh phí với công suất hoạt động thiết kế của nhà máy lên đến 40 triệu viên/năm, nhưng hiện tại công ty cũng chỉ cung ứng ra thị trường với con số 15 triệu viên/năm, tập trung chủ yếu ở thị trường Tuyên Hóa, Minh Hóa và Hoàn Lão. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do thị trường VLXKN đang “loay hoay” tìm đầu ra trong điều kiện người tiêu dùng đang còn e dè với dòng sản phẩm mới này.

Chủ một doanh nghiệp thương mại chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng tại huyện Quảng Trạch cho biết: Cùng một loại gạch 6 lỗ nhưng nếu so về giá cả thì VLXKN rẻ hơn với giá 2.300 đồng/viên trong khi gạch nung có giá 2.500 đồng/viên. Tuy nhiên, rất ít người hỏi mua loại VLXKN và nếu có mua thì chủ yếu cũng là để dùng xây các công trình phụ trợ như tường rào, cổng ngõ... chứ ít ai “mạnh dạn” dùng VLXKN để xây các công trình kiên cố như nhà ở, công xưởng...

Điều này là hoàn toàn dễ hiểu bởi mấy chục năm nay, người tiêu dùng vốn đã quá quen với sự hiện diện của gạch nung truyền thống trong khi việc sử dụng VLXKN vẫn đang còn là khái niệm mới mẻ. Để họ chuyển sang sử dụng gạch không nung là một chặng đường dài và rất gian khó. Cũng chính bởi vì thế, con đường tiếp cận thị trường của VLXKN trở nên chật vật và lắm chông gai hơn.

Giải pháp tăng thị phần cho VLXKN

Nhằm tạo “cú hích” mới trên thị trường, các doanh nghiệp đã chủ động nghiên cứu các dòng sản phẩm mới với mẫu mã bắt mắt, chất lượng cao nhằm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.

Ông Trần Mạnh Dũng, Giám đốc công ty TNHH và TM Tân Bình Lợi chia sẻ: Các sản phẩm gạch không nung trên địa bàn tỉnh ta hiện nay chủ yếu là gạch xây, gạch lát vỉa hè... sản xuất từ nguyên liệu chính là xi măng, đá mạt sạch được tạo hình và đóng rắn bằng công nghệ rung-ép thủy lực để đạt các chỉ tiêu cơ lý, độ hút nước, độ thấm nước mà không qua nung đốt bằng than, điện hay các nguồn năng lượng khác.

Trong thời gian tới, công ty sẽ liên kết với một số doanh nghiệp ở Bình Dương đầu tư thêm dây chuyền sản xuất gạch 2 lỗ và gạch thẻ. Hy vọng rằng thông qua việc cho ra đời nhiều dòng sản phẩm mới với mẫu mã bắt mắt, chất lượng cao, người dân sẽ sớm “mở lòng” với sản phẩm VLXKN.

Tuy nhiên, xem ra sức tiêu thụ VLXKN trên thị trường tỉnh ta hiện nay vẫn chưa thể khả quan hơn. Trao đổi với phóng viên, anh Lê Minh Châu, Phó phòng Vật liệu xây dựng, Sở Xây dựng cho biết: Theo lộ trình chung của tỉnh, tại thành phố Đồng Hới, kể từ năm 2015 các công trình sử dụng vốn ngân sách phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung; tại các đô thị còn lại trong toàn tỉnh phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung từ đầu năm 2015 và sau năm 2015 phải sử dụng 100%. Tuy nhiên, lộ trình này chỉ áp dụng cho các dự án được phê duyệt mới trong năm 2015, không tính cho các dự án đã được phê duyệt từ trước đó.

Rõ ràng, việc các nhà máy sản xuất VLXKN ra đời vào lúc nền kinh tế nước ta bị ảnh hưởng của suy thoái, đầu tư công bị cắt giảm, thị trường bất động sản trầm lắng... thực sự là trở ngại không hề nhỏ. Thêm vào đó, nhận thức của các nhà đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu, người tiêu dùng về sản phẩm VLXKN còn chưa đầy đủ nên việc thay đổi thói quen sử dụng gạch đất sét nung truyền thống của người dân cũng không dễ thực hiện trong một sớm, một chiều.

Để giải quyết vấn đề trên và tăng thị phần sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng, thiết nghĩ cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các nhà máy sản xuất gạch không nung và chính quyền các cấp trên địa bàn thông qua việc tăng cường công tác tuyên truyền vận động việc sản xuất và sử dụng VLXKN trong phạm vi quản lý; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với các công trình xây dựng.

Bên cạnh đó, các nhà máy sản xuất gạch không nung cần sản xuất và cung cấp ra thị trường các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn và có kích thước phù hợp với truyền thống sản phẩm vật liệu tại địa phương, đồng thời thực hiện tốt việc công bố chất lượng sản phẩm... 

Thanh Hải