.

Phát triển chuỗi giá trị bò thương phẩm ở xã Tân Hóa

Thứ Ba, 12/05/2015, 13:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Để xây dựng 1 trong 8 ngành hàng hóa tiềm năng trong vùng mục tiêu dự án phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo (SRDP), xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa được chọn để phát triển chuỗi giá trị bò thương phẩm nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là nông dân nghèo...

Trao đổi với chúng tôi, ông Cao Văn Lục, Chủ tịch UBND xã cho biết, Tân Hóa là địa phương thuộc huyện miền núi rẻo cao Minh Hóa có diện tích đất tự nhiên 7.427ha với 659 hộ dân, 3.177 nhân khẩu sinh sống ở 7 thôn.

Nhìn chung, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, trong đó, lao động tham gia chăn nuôi bò là 1.040 người, chiếm 52,4%. Là một trong những xã có ngành chăn nuôi gia súc vươn tới quy mô lớn nên ngoài 200ha đồng cỏ tự nhiên, năm 2014, Tân Hóa đã trồng 10ha cỏ và tiếp tục quy hoạch để trồng mới 15ha vào năm nay nhằm bảo đảm nguồn thức ăn cho vật nuôi. Đây cũng là địa phương duy nhất của huyện Minh Hóa có thương hiệu về chăn nuôi khi người dân có sáng kiến dựng nhà cho bò ở để tránh rét vào mùa đông. Cũng như các xã khác trong toàn huyện, thịt bò nuôi tại Tân Hóa có chất lượng tốt, thơm ngon, được nhiều người tiêu dùng ưa thích.

Theo số liệu thống kê của xã Tân Hóa, số lượng bò trên địa bàn năm 2013 là 1.145 con đến cuối năm 2014 là 1.215 con; sản lượng xuất chuồng đạt 13 tấn/năm vào năm 2013, năm 2014 xuất chuồng 15 tấn/năm. Ngoài các lĩnh vực khác trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi bò được xác định là một nghề chính trong cơ cấu phát triển chăn nuôi của xã nói riêng và của toàn huyện nói chung.

Thực hiện thành công chuỗi giá trị bò thương phẩm sẽ góp phần giúp người dân xã Tân Hóa tăng thu nhập.
Thực hiện thành công chuỗi giá trị bò thương phẩm sẽ góp phần giúp người dân xã Tân Hóa tăng thu nhập.

Tuy vậy, trong những năm qua, nghề chăn nuôi bò ở Tân Hóa vẫn chưa phát triển theo đúng với tiềm năng, lợi thế của xã. Xuất phát từ tình hình thực tế trên nên dự án SRDP đã tổ chức nghiên cứu, phân tích chuỗi giá trị bò để bảo đảm chăn nuôi bò ở Tân Hóa sẽ phát triển đúng với tiềm năng hiện có và những tác nhân tham gia vào chuỗi giá trị bò (người chăn nuôi, người thu gom, giết mổ và chế biến thịt bò) bảo đảm thu nhập ngày một tăng.

Theo một cán bộ thuộc nhóm hỗ trợ dự án SRDP huyện Minh Hoá, thì mục tiêu của dự án là xây dựng chuỗi giá trị bò phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho các hộ tham gia, đặc biệt là những hộ nghèo, cận nghèo, hộ có phụ nữ làm chủ. Qua đó, tập trung nhiều nguồn lực khác nhau để phát triển chuỗi giá trị bò Tân Hóa thành mô hình điểm về khả năng sử dụng vốn để giảm nghèo cho người dân và nâng cao thu nhập cho các tác nhân khác trong chuỗi. Đặc biệt là thu hút được doanh nghiệp, tổ hợp tác, thương nhân tham gia vào xây dựng và phát triển chuỗi giá trị xã Tân Hóa.

Theo đó, dự án sẽ phối hợp với chính quyền địa phương và người dân hình thành các tổ hợp tác chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản chất lượng cao để cung cấp thịt và giống bò tốt cho thị trường hàng năm khoảng 30 tấn thịt và 200 bò giống chất lượng (giống bò lai sind từ 25-30% nhóm máu ngoại). Xây dựng được cơ sở thống nhất thu gom để đáp ứng nhu cầu của thị trường về từng sản phẩm khác nhau từ bò, như bò thịt, bò nái giống..., thông qua các tổ hợp tác, doanh nghiệp hoặc thương nhân trong vùng.

Bên cạnh đó, dự án sẽ nâng cao năng lực tiếp cận thị trường cho các thành viên trong tổ hợp tác với biện pháp chuyển dần từ phương thức nhỏ lẻ, manh mún sang chăn nuôi hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của thị trường về thịt và giống; nâng cao năng lực về kỹ thuật chăn nuôi, trồng cỏ, chế biến, dự trữ cỏ cho các hộ chăn nuôi trong địa bàn. Đồng thời, củng cố, duy trì và phát triển tổ hợp tác trong xã (toàn xã mới hình thành 5 tổ hợp tác chăn nuôi bò); xây dựng kênh tiêu thụ bền vững với khách hàng, và luôn luôn tìm kiếm thị trường tiêu thụ khác để bảo đảm bò cung cấp cho thị trường ổn định.

Để thực hiện được các mục tiêu này, nhóm hỗ trợ dự án SRDP huyện Minh Hoá sẽ nâng cao năng lực cho các thành viên tham gia tổ hợp tác bằng cách tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản, trồng, chế biến, dự trữ cây thức ăn cho chăn nuôi; nghiệp vụ kinh doanh, kỹ năng bán hàng và kiến thức về quản lý, tổ chức và điều hành tổ hợp tác để nâng cao hiệu quả trong sản xuất; tổ chức các cuộc hội thảo để mời các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh liên kết mở rộng tiêu thụ sản phẩm bò Tân Hóa; xây dựng và mua sắm trang thiết bị để cất giữ, bảo quản vật tư hỗ trợ sản xuất như: thức ăn tinh, thuốc thú y, tủ bảo quản tinh, dụng cụ phối tinh...

Cùng với các ngành hàng tiềm năng như gà, lúa, lạc, ngô, mật ong.... đang được triển khai tại 40 xã của 7 huyện, thị xã trong vùng dự án, chuỗi giá trị bò ở xã Tân Hóa sẽ phát huy được lợi thế để trở thành thương hiệu không chỉ ở trên địa bàn mà còn vươn ra các vùng lân cận, nhằm góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững cho người dân nơi đây.

Kế hoạch giảm nghèo của chuỗi giá trị bò thương phẩm ở xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa sẽ được thực hiện trong 2 giai đoạn, gồm: giai đoạn 1 (2014-2015), xây dựng mô hình chuỗi giá trị; giai đoạn 2 (2016-2017), nhân rộng mô hình chuỗi giá trị.

Theo đó, năm 2014, xã Tân Hóa có 178 hộ nghèo, chiếm 27%; cận nghèo 318 hộ, chiếm 57,81%. Mục tiêu của xã Tân Hóa trong năm 2015 là giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 22%; tỷ lệ hộ cận nghèo 50% thông qua các giải pháp phát triển kinh tế đồng bộ của địa phương. Với việc phát triển chuỗi giá trị bò thịt tại các thôn của xã Tân Hóa, dự kiến sẽ có 559 hộ nghèo và cận nghèo được hưởng lợi. Các hộ này sẽ được hỗ trợ bò cái (bò cái nền sinh sản cho ít nhất 100 hộ và đực giống cho 14 hộ), kỹ thuật chăn nuôi bò, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.

Dự kiến sau 3-5 năm, các hộ cận nghèo của xã tham gia trong chuỗi giá trị bò sẽ trở thành các hộ có thu nhập khá và các hộ nghèo sẽ trở thành các hộ có thu nhập trung bình; ít nhất có 559 lao động được tạo ra trong chuỗi giá trị bò của 7 thôn trên toàn xã.

T.M.Văn