.

Cổ phần hoá Công ty TNHH MTV Lệ Ninh: Bài toán khó

Thứ Sáu, 22/05/2015, 07:56 [GMT+7]

(QBĐT) - Thực hiện Nghị định 118/NĐ-CP, ngày 17-12-2014 Chính phủ về sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp, Công ty TNHH MTV Lệ Ninh được sắp xếp lại theo mô hình cổ phần hoá. Tuy nhiên, để cổ phần hoá thành công doanh nghiệp này có rất nhiều vấn đề cần được tháo gỡ.

Theo tinh thần của Nghị định 118/NĐ-CP, tỉnh ta phải sắp xếp lại 4 công ty nông, lâm nghiệp 100% vốn Nhà nước (Công ty TNHH MTV LCN Long Đại, Công ty TNHH MTV LCN Bắc Quảng Bình, Công ty TNHH MTV Việt Trung và Công ty TNHH MTV Lệ Ninh). Trong đó, Công ty TNHH MTV Lệ Ninh, sắp xếp lại theo mô hình cổ phần hoá.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trình tự thực hiện cổ phần hoá một doanh nghiệp nhà nước phải thông qua nhiều bước, trong đó quan trọng nhất là xác định đúng thực trạng giá trị doanh nghiệp, cân đối công nợ, tài sản, đất đai và giải quyết  lao động dôi dư...

Việc cổ phần hoá Công ty TNHH MTV Lệ Ninh đang gặp phải một số vấn đề  vướng mắc cần được xử lý. Khó khăn nổi lên là việc thoái vốn của công ty đầu tư vào các lĩnh vực kém hiệu quả bao gồm: Xí nghiệp chăn nuôi lợn, Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi và Nhà trưng bày giới thiệu sản phẩm tại thành phố Đồng Hới.

Nhà trưng bày và giới thiệu sản phẩm của công ty tại Đồng Hới đang rao bán.
Nhà trưng bày và giới thiệu sản phẩm của công ty tại Đồng Hới đang rao bán.

Trong đó, đối với Xí nghiệp chăn nuôi, Công ty đã đầu tư nguồn vốn khá lớn, lên đến hàng chục tỷ đồng, với quy mô nuôi lợn công nghiệp. Qua 7 năm hoạt động đàn lợn của xí nghiệp duy trì thường xuyên khoảng 2.000 con, trong đó lợn nái sinh sản và hậu bị 270 con, lợn thịt 1.050 con, lợn cai sữa 400 con, lợn con theo mẹ 250 con, đực giống 8 con. Sản phẩm chính của xí nghiệp là lợn thịt và lợn giống. Những năm gần đây thị trường tiêu thụ ngày một khó khăn, có thời điểm giá bán sản phẩm của xí nghiệp chăn nuôi thấp hơn giá thành sản xuất.

Chính vì vậy việc thoái vốn của xí nghiệp này đang rất khó khăn. Tương tự có Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, luôn gặp khó khăn giá cả  nguyên liệu đầu vào tăng cao trong khi sản phẩm đầu ra khó tiêu thụ, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp. Hiện tại thức ăn chăn nuôi trên thị trường đang chịu sự canh tranh vô cùng khốc liệt, nên hoạt động của nhà máy cũng kém hiệu quả. Nếu thực hiện bán Nhà máy này để thoái vốn cho công ty cũng không hề đơn giản.

Đặc biệt, nhà trưng bày giới thiệu sản phẩm tại thành phố Đồng Hới, qua nhiều năm rao bán nhưng đến nay chưa có kết quả. Nguyên nhân chính là giá chào bán khá cao (trên 5 tỷ đồng) trong lúc thị trường bất động sản suy giảm nên ít ai chú ý.

Ngoài ra, theo Giám đốc Công ty Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, công ty đang gặp trở ngại với số công nợ phải thu hồi, trong đó có nhiều khoản nợ lưu trữ rất nhiều năm chưa tìm ra chủ nợ... Ví dụ như khoản nợ mà công ty đầu tư nuôi lợn gia công từ năm 2008 số tiền 27,7 triệu đồng; khoản nợ 24,3 triệu đồng do chủ thầu tạm ứng trước nay bỏ trốn không thực hiện hợp đồng; các khoản nợ do chủ nợ đã bỏ đi nơi khác không tìm ra địa chỉ với số tiền 52,3 triệu đồng...

Đáng lưu ý có khoản kinh phí thiệt hại tài sản của công ty do bão số 10, năm 2013 gây ra số tiền 3,3 tỷ đồng. Công ty đã nhiều lần kiến nghị khoanh nợ, nhưng Sở Tài chính không chấp nhận mà đề nghị công ty phân bổ dần vào chi phí sản xuất kinh doanh hàng năm. Tuy nhiên từ sau bão đến nay sản xuất kinh doanh của công ty không có lợi nhuận, nên số tiền này vẫn chưa phân bổ được đồng nào. Hiện tại tổng số công nợ tại công ty phải thu và thiệt hại do thiên tai cần xử lý 3.871 triệu đồng.

Mặt khác công ty phải trả 459 triệu đồng là khoản công ty nợ tại Kho bạc Nhà nước Quảng Bình  cho các chủ hộ gia đình vay trồng cao su tiểu điền theo Chương trình 327 từ năm 2005. Tất cả các vấn đề vướng mắc về nợ nần đó đang ảnh hưởng lớn đến năng lực tài chính của công ty trước lúc cổ phần hoá.

Theo đề án cổ phần hoá Công ty TNHH MTV Lệ Ninh trình UBND tỉnh phê duyệt thì Nhà nước nắm giữ 64,9%  cổ phần chi phối, trong tổng số 110 tỷ đồng nguồn vốn hiện có. Theo nhận định của các chuyên gia  trong Ban sắp xếp đổi mới doanh nghiệp tỉnh thì việc bán 35,1% số cổ phần còn lại ra công chúng sẽ khó khăn. Hầu hết người lao động trong công ty thuộc diện nghèo, ít có điều kiện đầu tư mua cổ phần. Hiện tại hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty đang khó khăn, nguồn thu hầu như rất hạn chế và trong tương lai cũng chưa có gì sáng sủa nên chưa có sức hấp dẫn nhà đầu tư mua lại cổ phần tại công ty.

Một vấn đề cần tháo gỡ nữa là phương án sử dụng đất. Hiện tại công ty đang thuê 2.718 ha đất để sản xuất, trong đó đất trồng cao su là 2.160ha, đất lúa 87ha...Vừa qua trên địa bàn công ty xảy ra nhiều vụ tranh chấp lấn chiếm đất giữa người dân với công ty rất khó giải quyết. Qua rà soát đất đai lần này công ty đề nghị tỉnh thu hồi 98.900m2 đất xen kẽ của công ty với đất của dân bàn giao cho địa phương quản lý.

Trong thời điểm tiến hành rà soát đất đai để xác định số diện tích thực tế, công ty đề nghị xin thuê đất tại TK400, TK402 là đất rừng nghèo kiệt thuộc xã Ngân Thuỷ để chuyển đổi trồng cao su diện tích 370ha...Vấn đề này đang được các cơ quan chức năng xem xét xử lý. Về lao động, đơn vị hiện có 735 người, sau khi cổ phần hoá sẽ dôi dư 22 người giải quyết nghỉ theo chế độ, số tiền chi phí cho việc này cần khoảng 1,3 tỷ đồng.

Như vậy, để thực hiện được cổ phần công ty TNHH MTV Lệ Ninh, vấn đề đặt ra là phải xử lý được các vướng mắc, tồn đọng về công nợ giữa công ty với các đối tác khác, đồng thời thoái được vốn của 3 lĩnh vực đầu tư kém hiệu quả như nói ở trên.

Trọng Thái