.

Bố Trạch nỗ lực xây dựng nông thôn mới - Kỳ 2: Sự bứt phá của các xã "tốp sau"

Thứ Tư, 15/04/2015, 08:05 [GMT+7]

(QBĐT) - Với phương châm “nâng đầu, đỡ cuối”, cùng với việc dồn sức cho các xã điểm như Hoàn Trạch, Hải Trạch về đích đúng thời hạn, huyện Bố Trạch đã thành công trong việc hỗ trợ nhóm các xã “tốp sau” bứt phá...

>> Kỳ 1: Dấu ấn nông thôn mới

“Đột phá” từ những tiêu chí cần ít vốn

Đó là câu khẳng định chắc nịch của ông Ngô Đức Thắng, Chủ tịch UBND xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch khi nghe chúng tôi hỏi về lộ trình xây dựng NTM của địa phương. Hưng Trạch là một xã miền núi có địa bàn rộng với tổng cộng 2.833 hộ, 11.700 khẩu, phân bố trên địa bàn 18 thôn; trong đó 42% dân số là đồng bào theo đạo thiên chúa.

Năm 2010, khi vừa bắt tay xây dựng NTM, xã Hưng Trạch chỉ có vẻn vẹn đúng 1 tiêu chí đạt chuẩn, đó là tiêu chí số 19 về an ninh trật tự. Nhưng đến nay, sau 4 năm bắt tay thực hiện Chương trình xây dựng NTM, Hưng Trạch đã có 9/19 tiêu chí đạt chuẩn; trong đó chỉ tính riêng năm 2014 xã đã có 4 tiêu chí gồm tiêu chí hộ nghèo, tiêu chí môi trường, tiêu chí y tế và tiêu chí nhà ở dân cư đạt chuẩn. Đây quả là nỗ lực không hề nhỏ đối với một địa phương còn quá nhiều khó khăn, lại thường xuyên phải gánh chịu ảnh hưởng nặng nề của lũ lụt như Hưng Trạch.

Xây dựng NTM, cách làm của Hưng Trạch là ưu tiên cho những tiêu chí cần ít vốn đầu tư. Cụ thể: đối với tiêu chí hộ nghèo, xã chú trọng phát triển đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất. Trong sản xuất nông nghiệp, xã chú trọng bảo đảm tính ổn định đối với năng suất cây trồng và xem đây là yếu tố quan trọng góp phần tăng năng suất cây trồng trên một đơn vị diện tích.

Bên cạnh đó, xã chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp; phát triển chăn nuôi kết hợp đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản. Đặc biệt, trong khoảng vài ba năm trở lại đây, xã chú trọng phát triển kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ, trong đó tập trung vào các ngành nghề chính như sản xuất bún bánh, rượu, may mặc, sản xuất đá lạnh, mộc, nề...; tạo điều kiện cho con em địa phương xuất khẩu lao động tại thị trường Malaixia, Nhật Bản, Anh...; góp phần đưa tổng thu nhập từ ngành nghề nông thôn, dịch vụ và các nguồn khác của toàn xã ước đạt khoảng 28 tỷ đồng (chiếm 21,53% tổng thu nhập xã hội). Từ việc đa dạng hóa hình thức phát triển sản xuất, xã Hưng Trạch đặc biệt thành công trong việc đưa tỷ lệ hộ nghèo của địa phương từ 29,7% (năm 2010) xuống còn 4,6% (năm 2014).

Diện mạo nông thôn xã Hạ Trạch (Bố Trạch) đang đổi thay từng ngày.
Diện mạo nông thôn xã Hạ Trạch (Bố Trạch) đang đổi thay từng ngày.

Song song với tiêu chí hộ nghèo, một trong những tiêu chí mà Hưng Trạch ưu tiên lựa chọn để thực hiện trước đó chính là tiêu chí môi trường. Từ nguồn đóng góp của người dân địa phương, xã đã đầu tư xây dựng bãi rác tạm, đồng thời phân công cho chi hội phụ nữ từng thôn trực tiếp điều hành thu gom rác thải; mỗi người dân tự tiến hành thu gom và phân loại rác thải ngay tại vườn nhà. Nhờ đó mà trong khi không ít địa phương vẫn đang loay hoay tìm lời giải cho tiêu chí số 17 về môi trường thì Hưng Trạch đã đạt chuẩn khá “nhẹ nhàng”.

Hình thức tổ chức sản xuất là “đầu kéo”

Cũng như Hưng Trạch, Sơn Trạch bắt tay xây dựng NTM khi “vốn liếng” chỉ có 2 tiêu chí đạt chuẩn. Xác định, xuất phát điểm của mình là thấp, Sơn Trạch đã chú trọng lấy hình thức sản xuất làm “đầu kéo”. Với cơ cấu kinh tế gồm: 30% nông, lâm, thủy sản;  21% công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và 49% dịch vụ, xã Sơn Trạch đã chú trọng phát triển diện tích gieo trồng các loại cây hàng năm như lúa, ngô, rau dưa, ớt... . Nhờ đó, tổng sản lượng lương thực năm 2014 đạt 3.302,7 tấn (tăng 22,3% so với kế hoạch và tăng 6,2% so với năm 2013).

Bên cạnh đó, xã đã tập hợp những hộ nông dân nuôi cá lồng, ao hồ tham gia thành viên CLB  nhằm giúp nhau về nguồn vốn, kỹ thuật chăm sóc, liên kết mua con giống, thức ăn... từng bước đa dạng hóa giống nuôi và bảo đảm khâu tiêu thụ. Năm 2014, sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản của xã đạt  294,7 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 220,7 tấn. Cùng với sự hoạt động hiệu quả của đội thuyền du lịch Phong Nha và hợp tác xã dịch vụ điện..., tất cả đã tạo nên tính ổn định và hiệu quả trong hình thức tổ chức sản xuất ở Sơn Trạch.

Trong năm 2014, tranh thủ nguồn vốn bố trí hơn 350 triệu đồng từ tỉnh, huyện rót về cùng với nguồn thu từ thủy lợi phí, sự đóng góp của nhân dân địa phương, xã Sơn Trạch tiếp tục bê tông hóa trên 4km kênh mương và trạm bơm, bảo đảm phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp vững chắc; đưa tổng số tiêu chí đạt chuẩn NTM của xã lên 11 tiêu chí.

“Trong năm 2015, cùng với hỗ trợ của huyện trong khâu vốn, trong công tác tập huấn kỹ năng bán hàng hóa cho bà con phát triển du lịch, xây dựng mô hình sản xuất phù hợp... xã Sơn Trạch đang nỗ lực phấn đấu và hoàn toàn tin tưởng có thêm 2 tiêu chí gồm tiêu chí thu nhập và tiêu chí hộ nghèo đạt chuẩn bền vững” - Ông Nguyễn Công Trứ, Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch phấn khởi cho biết thêm. 

Diện mạo nông thôn đang đổi thay từng ngày

Đó là điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận được khi về thăm Hạ Trạch vào những ngày này. Các công trình cơ sở hạ tầng, đường làng, ngõ xóm đã được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp; đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên. Thật phấn khởi và tự hào khi Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây đã cùng nhau chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành 16/19 tiêu chí xây dựng NTM, trong đó riêng năm 2014 xã hoàn thành một lúc 3 tiêu chí gồm: hộ nghèo, môi trường và văn hóa. Hiện xã Hạ Trạch đang dồn sức hoàn thiện các tiêu chí còn lại gồm trường học, chợ và giao thông để cán đích NTM đúng lộ trình.

Điểm nổi bật sau 4 năm triển khai xây dựng NTM là Hạ Trạch đã tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng cũng như hoàn thành các dự án cải tạo về thủy lợi phục vụ nông nghiệp và sinh hoạt của người dân. Thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xã đã phát huy hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, xây dựng các mô hình kinh tế cho thu nhập cao, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,6% (năm 2014).

Ông Lưu Văn Tác, Chủ tịch UBND xã Hạ Trạch cho biết: trong quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, xã xác định tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội và chọn giao thông nông thôn làm khâu đột phá. Bởi đây là một trong những tiêu chí khó, cần nhiều vốn đầu tư trong quá trình xây dựng NTM. Nhưng khó không có nghĩa là không làm được và Hạ Trạch đủ “tự tin” để hoàn thành tiêu chí này trong năm 2015 bởi sức dân đã sẵn sàng và huyện đã hứa sẽ hỗ trợ vốn đối ứng theo tỷ lệ: tỉnh huyện 40% và xã 60%.

Trao đổi với chúng tôi về việc ưu tiên phân bổ nguồn vốn cho các xã trong xây dựng NTM, ông Trần Quang Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch chia sẻ: Xây dựng NTM là chương trình lớn, mục tiêu lâu dài, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương chú trọng rà soát, đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện; không vì chạy theo thành tích mà nâng cao các tiêu chí đã đạt chuẩn nhằm bảo đảm tính bền vững và lâu dài hiệu quả của Chương trình xây dựng NTM. Đối với các địa phương trên địa bàn, huyện chủ trương hỗ trợ đồng đều về nguồn vốn theo tỷ lệ tỉnh huyện 40%, xã 60%.

Tuy nhiên, do ngân sách địa phương còn hạn hẹp nên thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án trên địa bàn như Dự án phân cấp giảm nghèo, dự án vùng đệm, Chương trình 135... để hỗ trợ các xã trong phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng NTM. Bên cạnh đó, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các phòng ban tăng cường mở các lớp tập huấn, tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật...; tạo mọi điều kiện cho bà con phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập...

Tin tưởng rằng, cùng với sự “tiếp sức”, hỗ trợ của huyện, các xã trên địa bàn sẽ lựa chọn được hướng đi phù hợp với điều kiện thực tế, phát huy sức mạnh nội sinh, góp phần xây dựng NTM ngày một khởi sắc.

Thanh Hải