.

Thực hiện dự án bảo vệ rừng cộng đồng tại Lâm Hóa: Còn những khó khăn phía trước

Thứ Ba, 03/03/2015, 07:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Xã Lâm Hóa (huyện Tuyên Hóa) có đông đồng bào dân tộc Mã Liềng sinh sống, trình độ dân trí còn thấp, thiếu đất sản xuất nên đời sống người dân còn gặp rất nhiều khó khăn. Để giúp người dân nâng cao chất lượng sống, bảo đảm sinh kế; bảo tồn được các giá trị tài nguyên rừng và đất rừng trong hệ sinh thái vùng đầu nguồn, Dự án “Quản lý rừng cộng đồng bền vững thông qua thiết chế truyền thống của người Mã Liềng tại Quảng Bình” do Oxfam tài trợ và Trung tâm nghiên cứu bản địa và phát triển (CIRD) thực hiện đã có nhiều mô hình kinh tế bước đầu đã mang lại hiệu quả.

Mục tiêu của dự án nhằm bảo tồn được các giá trị tài nguyên rừng và đất rừng trong hệ sinh thái vùng đầu nguồn thông qua thúc đẩy, nâng cao nhận thức, kiến thức, khả năng triển khai và vận dụng các phương thức quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên thông qua luật tục truyền thống và luật pháp chính thống, góp phần duy trì phục hồi các giá trị bản sắc văn hóa và nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng người dân, nhất là vùng miền núi, trung du, vùng dân tộc thiểu số.

Dự án đã hỗ trợ cho người dân Mã Liềng tiếp cận đất đai đặc biệt là đất rừng truyền thống; UBND huyện Tuyên Hóa đã ký quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng cho cộng đồng bản Kè với tổng diện tích được giao là 465,02 ha, bản Cáo là 223,12 ha và bản Chuối 61 ha.

Đồng thời, dự án đã hỗ trợ cho cộng đồng triển khai xây dựng mô hình phát triển rừng kinh tế tại các bản nhằm tăng thu nhập cho người dân từ rừng. Đây là chiến lược nhằm vận động, thể chế hóa quy trình giao rừng gắn liền với giao đất cho cộng đồng dựa vào thiết chế về văn hoá, truyền thống và phong tục tập quán của người dân bản địa.

Trên cơ sở quyền sử dụng đất rừng cộng đồng đã được Nhà nước công nhận, cộng đồng người Mã Liềng đã thực hiện các giải pháp quản lý sử dụng rừng bền vững, giám sát các hành vi xâm hại từ bên ngoài vào rừng cộng đồng. Mặt khác, thực hiện các mô hình như mô hình làm vườn ươm cây lâm nghiệp, mô hình trồng rừng kinh tế, mô hình trồng cây lương thực như bắp, khoai môn xen canh với cây keo nhằm bảo vệ rừng bền vững và nâng cao thu nhập cho gia đình.

Rừng keo lai mới trồng nhưng bị trâu bò phá hoại tại bản Cáo, xã Lâm Hóa.
Rừng keo lai mới trồng nhưng bị trâu bò phá hoại tại bản Cáo, xã Lâm Hóa.

Theo ông Ngô Văn Hồng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bản địa và phát triển cho biết: “Khi quyền sử dụng đất rừng cộng đồng được Nhà nước công nhận, chúng tôi đã hỗ trợ kinh phí cho bà con tạo vườn ươm giống cây chất lượng cao để trồng rừng, đồng thời hỗ trợ thêm nguồn giống trồng mới được 20 ha keo tai tượng ở bản Kè và bản Cáo (Lâm Hóa). Khi cây chưa khép tán, chúng tôi cũng đã hỗ trợ hơn 4.000 cây giống khoai môn trồng xen canh với cây keo nhằm tăng thu nhập cho bà con nơi đây”.

Để tiếp tục phát triển rừng cộng đồng của cộng đồng Mã Liềng tại xã Lâm Hóa, trung tâm đã tiến hành xây dựng 2 vườn giống tại 2 bản Cáo và Bản Kè với hơn 3 vạn cây giống bản địa như keo lai, huỵnh, lim... Từ nguồn giống ươm được tại bản, Trung tâm CIRD đã hỗ trợ thêm 7 vạn giống keo lai để trồng 8 ha rừng tại bản Cáo, 12 ha ở bản Kè, đồng thời, thành lập một ban quản lý và bảo vệ để rừng không bị phá hoại bởi các đối tượng xấu và trâu bò.

Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án cũng gặp không ít khó khăn như: nhận thức của người dân chưa cao khả năng tiếp cận các kiến thức về kỹ thuật và các kỹ năng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của người Mã Liêng còn hạn chế nên các hoạt động của dự án bị chậm tiến độ; nhiều người lớn tuổi ở các bản Mã Liềng đa số không biết đọc, biết viết nên khi tiến hành các công việc liên quan đến việc ghi chép, theo dõi bằng sổ sách như: sổ nhật ký bảo vệ rừng, sổ theo dõi chi tiêu quỹ quản lý bảo vệ rừng, thường khó khăn hơn...

Hiện nay, gần 8ha rừng trồng của bản Cáo bị trâu bò thả rông ở xã khác tới phá, vấn đề nay cũng đang “làm khó” tiến độ triển khai của dự án. Theo bà con nơi đây thì nếu trồng lại rừng cần có sự phối hợp của kiểm lâm, chính quyền địa phương và người dân mới có thể bảo vệ được.

Bà Cao Thị Lâm, Trưởng bản Cáo cho biết: “Mới bước ra từ rừng, người Mã Liềng chưa thích nghi được với sự phát triển của kinh tế thị trường, họ bị một số đối tượng buôn bán nhỏ “thao túng” bằng rượu, thuốc lá và những món hàng mới lạ được đưa từ dưới xuôi lên, tự biến mình thành con nợ của những đối tượng này, để rồi thường xuyên phải vào rừng khai thác mây, lá nón, gỗ... về trả nợ. Vì nhút nhát, sợ bị trả thù nên khi thấy trâu bò vào phá hoại rừng bà con cũng không dám đuổi nên rừng keo mới trồng bị phá nát, giờ không còn cây keo nào”.

Ông Trương Quang Tấn, Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Hóa cho biết: Xã đã thành lập đội truy quét trâu bò, khi người dân báo có trâu bò phá rừng thì sẽ đi bắt để xử phạt. Nhưng đối với bản Cáo, khi người dân phát hiện thì không báo nên chính quyền xã không biết để xử lý số trâu vào phá hoại rừng cộng đồng. Hiện nay, UBND xã đang có kế hoạch truy bắt số trâu vào phá hoại rừng trồng tại bản Cáo, bắt chủ của đàn trâu bò đền bù thiệt hại cho người dân.

Từ thực trạng trên, để dự án “Quản lý rừng cộng đồng bền vững thông qua thiết chế truyền thống của người Mã Liềng tại Quảng Bình” thành công, không chỉ dựa vào sự nỗ lực của người dân nhận rừng mà cần phải có sự chung tay của cả cộng đồng và sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, cơ quan kiểm lâm.

T.Hoa