.

Sản xuất đông-xuân cơ bản thuận lợi

Thứ Năm, 12/02/2015, 10:20 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời điểm đầu tháng 2 này, các địa phương trong tỉnh cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa đông-xuân. Nhìn chung vụ đông-xuân năm nay có nhiều yếu tố thuận lợi, cây lúa đang phát triển tốt, trà lúa đầu đang ở giai đoạn đẻ nhánh, trà chính vụ được 5-7 lá trà muộn vừa gieo xong, diện tích lúa bị hư hại phải gieo cấy lại không đáng kể so với các vụ trước.

Nông dân Mai Hoá (Tuyên Hoá) chăm sóc lúa đông-xuân.
Nông dân Mai Hoá (Tuyên Hoá) chăm sóc lúa đông-xuân.

Ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết vụ đông-xuân 2014-2015 tỉnh ta vẫn giữ ổn định diện tích lúa 29.500ha, ngô 4.000ha, lạc 4.700ha, tương đương vụ đông-xuân năm ngoái.  Sở đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh giống trên địa bàn cung ứng giống bảo đảm chất lượng, chủng loại, đáp ứng nhu cầu sản xuất. Cơ cấu giống tập trung theo hướng chuyển mạnh sang giống chất lượng, giá trị.

Qua báo cáo của các địa phương, lượng giống do doanh nghiệp cung ứng trong vụ đông-xuân được 1.550 tấn giống lúa các loại (giống chất lượng 730 tấn), ngô 25 tấn, lạc 200 tấn và dự phòng 150 tấn giống lúa cực ngắn sẵn sàng bổ sung cho diện tích phải gieo lại do mưa, rét, ngập úng đầu vụ. Nhờ thời tiết tương đối thuận lợi nên số diện tích lúa, lạc, ngô phải gieo cấy lại không đáng kể. Nét mới vụ này là một số địa phương đã đưa vào cơ cấu sản xuất giống lúa (Bte 01) và 4 giống tiến bộ kỹ thuật (giống lúa SV46, SV181, SV47 và giống lạc SVL1).

Việc mở rộng cánh đồng mẫu lớn đang được nhiều địa phương tích cực thực hiện trong vụ này. Qua số liệu từ các địa phương trong tỉnh, bà con nông dân triển khai thực hiện gần 5.000ha cánh đồng mẫu lớn đối với cây lúa, ớt, sắn, ngô, lạc, khoai lang (cụ thể, huyện Lệ Thuỷ thực hiện trên 1.200ha, chủ yếu trồng lúa giống, lúa thương phẩm và khoai lang; huyện Quảng Ninh đăng ký thực hiện 300ha, chủ yếu trồng lúa; huyện Bố Trạch trên 400ha, chủ yếu trồng ớt, lạc, ngô...). Toàn tỉnh có 550ha lúa sản xuất theo biện pháp SRI và chuyển đổi 1.600ha đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác, trong đó vụ đông-xuân đã thực hiện được 831ha.

Huyện Lệ Thuỷ đã hoàn thành gieo cấy gần 9.000 ha lúa đông-xuân đúng tiến độ đề ra, đạt 100% kế hoạch với 99% diện tích được gieo cấy bằng giống lúa mới, trong đó 70% giống lúa chất lượng. Đặc biệt vụ này Lệ Thuỷ thực hiện được 1.200 ha diện tích cánh đồng mẫu lớn, tăng 25% diện tích so với vụ đông - xuân trước. Đến nay các trà lúa đầu đã đẻ nhánh, quá trình sinh trưởng cơ bản thuận lợi.

Tuy nhiên do năm ngoái không có lũ lụt lớn, nên chuột hại lúa đang phát sinh mạnh ở một số cánh đồng. Qua báo cáo sơ bộ của Phòng Nông nghiệp Lệ Thuỷ, thời điểm đầu tháng 2 này, chuột xuất hiện trên diện tích lúa 88ha, chủ yếu ở xã Trường Thuỷ, Văn Thuỷ, Xuân Thuỷ...

Theo ông Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh thì vụ đông-xuân năm nay huyện Quảng Ninh thực hiện gieo cấy đạt 5.200 ha lúa, cây ngô 360 ha, tăng hơn vụ trước 2,5% diện tích.  Bộ giống lúa đưa vào sản xuất vụ đông-xuân năm nay ở Quảng Ninh chủ yếu giống ngắn ngày, chất lượng cao.

Vụ đông-xuân này các địa phương trong huyện tiếp tục thực hiện đề án cải tạo bộ giống lúa theo hướng giảm dần diện tích giống lúa dài ngày, đưa các giống trung và ngắn ngày có năng suất và chất lượng vào sản xuất, nhằm tránh thiệt hại do thời tiết mưa rét đầu vụ gây ra ở các vùng thấp trũng ở các xã: Gia Ninh, Tân Ninh, An Ninh, Vạn Ninh, Võ Ninh...

Huyện Quảng Ninh thực hiện công tác dồn điền đổi thửa đạt kết quả khá tốt, nên vụ đông-xuân có điều kiện mở rộng cánh đồng mẫu lớn. Huyện tích cực chỉ đạo đưa các giống có năng suất, chất lượng cao khả năng chống chịu, kháng sâu, bệnh vào sản xuất phù hợp với từng chân đất; tăng tỷ lệ sử dụng giống xác nhận trên 65%.

Đối với chân ruộng trũng, huyện bố trí giống trung ngày nhằm tránh ngập đầu vụ; đồng thời tích cực chỉ đạo nông dân áp dụng sản xuất theo phương pháp thâm canh lúa cải tiến SRI, chỉ gieo 3 đến 5 kg/ sào cho vụ đông- xuân, khuyến khích vận động nhân dân tăng cường đầu tư thâm canh, mở rộng vùng đầu tư thâm canh đạt 5.500 ha, tập trung ở các xã: An Ninh, Vạn Ninh, Tân Ninh, Xuân Ninh, Duy Ninh, Hàm Ninh và Gia Ninh...

Đáng chú ý là, trong vụ sản xuất này, huyện đã chỉ đạo cơ cấu giống chặt chẽ theo vùng, trong đó cơ cấu 3-4 giống/vụ, tránh tình trạng phân tán, manh mún, nhằm tạo điều kiện cho đầu tư thâm canh, hạn chế khả năng lây lan của các loại sâu bệnh và dịch hại trên đồng ruộng. Tuy nhiên, theo dự báo, một số xã trên địa bàn sẽ gặp hạn nặng vào cuối vụ, đó là các xã: Duy Ninh, Hàm Ninh, Lương Ninh, Vĩnh Ninh...; đồng thời trong sản xuất sẽ có nguy cơ chuột phá hoại.

Vụ đông-xuân này ở huyện Tuyên Hoá diễn ra khá suôn sẻ, các xã tiếp tục thực hiện chuyển đổi bộ giống lúa, ngô, lạc đáp ứng tiêu chí nâng cao chất lượng, giá trị trên một đơn vị diện tích... Ông Trần Văn Cần, Phó trưởng Phòng NN và PTNT huyện Tuyên Hoá cho biết: đến thời điểm đầu tháng 2, bà con nông dân ở các địa phương trong huyện đã hoàn thành gieo cấy 1.500 ha lúa và 954 ha ngô đạt 100% kế hoạch đề ra.

Sản xuất rau màu đông-xuân ở Hồng Thuỷ (Lệ Thuỷ).
Sản xuất rau màu đông-xuân ở Hồng Thuỷ (Lệ Thuỷ).

Bám sát sự chỉ đạo của các cấp chính quyền, bà con nông dân trên địa bàn huyện đã sử dụng các giống lúa chủ lực như: NX30, P6, IR35366 (chiếm hơn 40% diện tích); ngoài ra, các giống lúa có chất lượng, giá trị cũng được một số địa phương trong huyện mạnh dạn đưa vào sản xuất ở vụ mùa này là: SV3, SV5, SV46, SV181...(chiếm khoảng 20%). Đối với giống ngô, huyện chỉ đạo duy trì gieo trồng các giống DK9901, CP888, LVN10...cho năng suất cao ít bị bệnh. Đối với cây lạc, 100% diện tích của Tuyên Hoá đều được gieo trồng giống lạc SVL1, L14, L23...

UBND huyện Tuyên Hoá ban hành chính sách hỗ trợ giá 10% đối với giống lúa, ngô, lạc. Tính đến thời điểm này, huyện đã hỗ trợ khoảng 3.000 gói thuốc diệt chuột (nhãn hiệu RAT K2% D) cho các địa phương, đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai kế hoạch diệt chuột trước thời vụ sản xuất. Ngoài việc hướng dẫn cho nông dân diệt chuột bằng phương pháp dùng thuốc, Phòng NN và PTNT còn chỉ đạo bà con tiến hành vệ sinh đồng ruộng trước khi gieo bằng cách làm sạch cỏ dại, phát quang bụi rậm, bờ đê, bờ kênh và không để ruộng hoang làm nơi trú ẩn của chuột; tổ chức đào bắt và dùng bẫy bán nguyệt, bẫy lồng, bẫy keo dính...

Ông Đặng Xuân Thọ, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quảng Trạch cho biết, các xã trong huyện đã hoàn thành 100% kế hoạch gieo cấy 3.500 ha lúa đông-xuân. Vụ này các loại giống lúa mới được đưa vào canh tác chiếm tỷ trọng xấp xỉ 95%. Ngoài ra bà con đã gieo 250 ha ngô, trồng khoai 880 ha, lạc 600 ha và  520 ha sắn...

Đến thời điểm này cơ bản lúa đông-xuân phát triển tốt, một số nơi có sâu bệnh và chuột xuất hiện nhưng diện tích bị nhiễm không đáng kể. Vừa qua, các xã đã phát động phong trào ra quân diệt chuột đồng loạt trước khi bước vào vụ sản xuất, khuyến cáo bà con đào bắt, dùng các loại bẫy hoặc sử dụng các loại thuốc diệt chuột sinh học để bảo đảm an toàn cho người và gia súc; thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện các loại sâu bệnh kịp thời, sử dụng hợp lý và thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật tránh ảnh hưởng đến môi trường.

H.Quân