.

Quản lý tổng hợp đới bờ hướng tới phát triển bền vững

Thứ Hai, 04/08/2014, 07:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Đới bờ được hiểu là vùng chuyển tiếp giữa lục địa và biển, bao gồm cả vùng đất ven biển và vùng biển ven bờ. Đới bờ rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội vì những nguồn tài nguyên hiếm có của nó. Với những vùng đất đồng bằng ven biển màu mỡ và các nguồn tài nguyên biển phong phú, cộng với khả năng tiếp cận thị trường quốc tế một cách dễ dàng, đới bờ đã và đang thu hút sự quan tâm của con người. Đối với Việt Nam, vùng đới bờ biển được xác định theo Quyết định số 158/2007/QĐ-TTg ngày 10-9-2007 của Thủ tướng Chính phủ bao gồm các huyện, thành phố ven biển, vùng biển tính từ mép nước ra biển 6 hải lý.

Đới bờ là tụ điểm phát triển kinh tế của nhiều quốc gia, nơi tập trung rất nhiều hoạt động kinh tế, xã hội, đồng thời cũng chịu nhiều ảnh hưởng bởi các hoạt động này. Trong tương lai, tầm quan trọng của đới bờ sẽ càng lớn hơn do số lượng người dân đến đó sinh sống càng nhiều hơn. Quá trình công nghiệp hóa phát triển thương mại và áp lực của sự gia tăng dân số liên tục ở nhiều nơi đã làm gia tăng việc khai thác bừa bãi đất đai và nguồn nước ven bờ, tăng xói mòn, lũ lụt, làm mất các vùng ngập nước, gây ô nhiễm môi trường.

Quản lý tổng hợp đới bờ (QLTHĐB) là quá trình thích hợp nhất để giải quyết các thách thức tại đới bờ trước mắt cũng như lâu dài. QLTHĐB tạo cơ hội cho các vùng ven biển hướng tới sự phát triển bền vững, cho phép tính đến các giá trị tài nguyên và lợi ích hiện nay và trong tương lai của đới bờ. Thông qua việc tính đến các lợi ích ngắn hạn và dài hạn, QLTHĐB có thể kích thích sự phát triển kinh tế tại đới bờ, phát triển tài nguyên và hạn chế sự suy thoái các hệ thống tự nhiên...

Chính vì lẽ đó, sự ra đời của Chương trình QLTHĐB vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 (gọi tắt là Chương trình 158) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 158/2007/QĐ-TTg ngày 9-10-2007 đã trở thành một bước tiến lớn trong việc áp dụng QLTHĐB trong sự phát triển kinh tế bền vững của các địa phương ven biển.

Quảng Bình có đường bờ biển dài 116,04 km với vùng đặc quyền lãnh hải khoảng 20.000 km2, gấp 2,5 lần diện tích đất liền; ven biển có các đảo: Hòn La, Hòn Cỏ, Hòn Nồm, Hòn Gió..., có 5 cửa sông chính tạo ra nguồn cung cấp phù du sinh vật có giá trị cho việc phát triển nguồn lợi thủy sản. Bờ biển có nhiều thắng cảnh đẹp, cùng với thềm lục địa rộng tạo cho tỉnh ta một ngư trường rộng lớn và phong phú về loài...

Quản lý tổng hợp đới bờ hiệu quả sẽ góp phần thiết thực nhằm bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai.
Quản lý tổng hợp đới bờ hiệu quả sẽ góp phần thiết thực nhằm bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai.

Có thể nói, vùng lãnh hải tương đối lớn cùng với những đặc thù về khí hậu, thời tiết và điều kiện địa lý, kinh tế - xã hội đã tạo ra cho tỉnh ta nhiều ưu thế về tiềm năng, lợi thế và cơ hội của đới bờ. Tuy nhiên, đới bờ của chúng ta cũng đang phải đối mặt với các khó khăn, thách thức từ những mặt trái của sự phát triển kinh tế - xã hội, từ các tai biến tự nhiên, điều kiện thủy hải văn của vùng ven biển...

Cụ thể: trong những năm gần đây, vùng ven biển của tỉnh ta đang phải đối mặt với vấn đề suy thoái nghiêm trọng nguồn tài nguyên và môi trường biển, sự gia tăng ô nhiễm trong các cộng đồng dân cư, tình trạng xâm nhập mặn, xâm thực của thủy triều và những nguy cơ tiềm ẩn do biến đổi khí hậu...

Trong những năm qua, thực hiện Quyết định số 158 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã có Quyết định số 58/QĐ-UBND phê duyệt dự án Quản lý tổng hợp dải ven biển tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến 2030 và giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường làm chủ đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành điều tra, khảo sát, thu thập, tổng hợp tài liệu, xây dựng các báo cáo chuyên đề; hoàn thiện hồ sơ, bản đồ vùng bờ tỉnh Quảng Bình; tổ chức lớp tập huấn về QLTHĐB.

Các nhiệm vụ QLTHĐB chủ yếu được tỉnh thực hiện lồng ghép thông qua việc triển khai xây dựng và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện các chương trình, đề án phát triển KT-XH của tỉnh. Trong xây dựng cơ bản và phát triển kinh tế vùng ven biển, tỉnh cũng đã triển khai các đề án khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; khu du lịch đô thị ở vùng ven biển thuộc các huyện và thành phố có biển của tỉnh theo hướng đẩy mạnh phát triển du lịch biển đi đôi với việc bảo vệ tài nguyên và môi trường biển.

Nhìn chung trong thời gian qua, với những nỗ lực lồng ghép các chương trình, dự án, thực hiện tốt quan điểm phát triển toàn diện, phát huy lợi thế, phối hợp quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ có hiệu quả tài nguyên và môi trường biển; hướng đến phát triển kinh tế biển bền vững; các cấp, các ngành đã từng bước triển khai cơ chế QLTHĐB, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và bảo vệ tài nguyên môi trường vùng ven biển của tỉnh.

Để bảo đảm triển khai QLTHĐB, thực hiện mục tiêu tăng cường năng lực quản lý, bảo vệ, sử dụng và khai thác tài nguyên, môi trường, phục vụ phát triển bền vững của tỉnh trong thời gian tới, cần tập trung một số giải pháp cơ bản như: tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao sự hiểu biết của các cấp quản lý và cộng đồng về phương thức QLTHĐB cũng như cách tiếp cận đa ngành và tổng hợp trong quản lý đới bờ; triển khai quy chế quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường biển trên địa bàn tỉnh cũng như các cơ chế điều phối các hoạt động, hợp tác đa ngành trong thực hiện nhiệm vụ QLTHĐB. Đồng thời cần sớm xây dựng và triển khai chiến lược QLTHĐB tỉnh đến năm 2020 nhằm bảo đảm khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, hài hòa lợi ích các bên liên quan nhằm phục vụ phát triển bền vững kinh tế-xã hội vùng biển, ven biển của tỉnh.

Quản lý tổng hợp đới bờ là quá trình thích hợp nhất để giải quyết các thách thức tại đới bờ trước mắt cũng như lâu dài. Tin rằng, với những giải pháp trên, phương thức QLTHĐB sẽ được áp dụng một cách hiệu quả trên địa bàn tỉnh, góp phần giải quyết các mâu thuẫn về lợi ích trong sử dụng tài nguyên và môi trường, qua đó bảo vệ môi trường và góp phần thiết thực giảm nhẹ thiên tai.

Thanh Hải