.

Về 11 xã phấn đấu đạt xã nông thôn mới trong năm 2014: Tăng tốc cho một "cuộc cán đích" bền vững!

Thứ Ba, 06/05/2014, 07:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm 2013, xã Quang Phú (TP.Đồng Hới) đã có cuộc “nước rút” về đích đầy ngoạn mục và là xã đầu tiên của tỉnh ta hoàn thành mục tiêu đạt xã nông thôn mới (NTM). Những tháng đầu năm 2014, tức là chỉ còn chưa đầy 2 năm nữa sẽ đến cột mốc năm 2015 với yêu cầu đặt ra ít nhất 20% số xã trong tỉnh đạt xã NTM, 11 xã thuộc 8 huyện, thành phố, thị xã đã đăng ký sẽ kết thúc lộ trình đầy thử thách trong năm này. Điều đó đồng nghĩa với việc đây sẽ là một “cuộc chạy đua” quyết liệt, không chỉ đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao độ của đảng bộ, chính quyền và người dân mỗi xã, mà còn là sự vào cuộc ráo riết, khẩn trương, sâu sát từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở.

 

Công viên văn hóa làng Lý Hòa (Hải Trạch, Bố Trạch) là một nỗ lực đáng ghi nhận trong huy động nguồn vốn xã hội hóa xây dựng NTM của xã.
Công viên văn hóa làng Lý Hòa (Hải Trạch, Bố Trạch) là một nỗ lực đáng ghi nhận trong huy động nguồn vốn xã hội hóa xây dựng NTM của xã.

Ông Nguyễn Quốc Út, Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp-PTNT), Phó chánh Văn phòng điều phối Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh cho biết, theo kế hoạch đến năm 2015, tỉnh ta sẽ có 41 xã đạt xã NTM, tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các xã mới đạt bình quân 13,04 tiêu chí/xã và không ít xã gặp nhiều gian nan, khó hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

Công tác chỉ đạo và bố trí nguồn lực đang dàn trải, chưa tập trung mạnh vào 41 xã. Trên cơ sở rà soát tình hình thực tiễn của các xã trên, tỉnh đã quyết định chú trọng đầu tư cho 11 xã của các huyện, thành phố, thị xã gồm: Phong Thủy, Lộc Thủy, Liên Thủy (Lệ Thủy); Lương Ninh (Quảng Ninh); Bảo Ninh, Đức Ninh, Thuận Đức (TP.Đồng Hới); Hoàn Trạch, Hải Trạch (Bố Trạch); Cảnh Dương (Quảng Trạch) và Quảng Hòa (TX.Ba Đồn).

Các xã này đều đã đạt trên 13 tiêu chí và nhiều tiềm năng sẽ kết thúc sớm lộ trình xây dựng NTM. Các tiêu chí khó triển khai chủ yếu là về giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường, y tế, trường học và chợ nông thôn-những tiêu chí đòi hỏi có nguồn vốn đầu tư lớn và lâu dài. Văn phòng điều phối đã phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã và từng xã để xem xét, đánh giá cụ thể các tiêu chí, cũng như những hạng mục cần ưu tiên đầu tư ở 11 xã này. Theo đó, để tập trung hoàn thành xây dựng NTM, các xã sẽ cần nguồn vốn 114,180 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hỗ trợ 63,308 tỷ đồng, ngân sách huyện, thành phố, thị xã, ngân sách các xã và người dân đóng góp là 50,872 tỷ đồng.

Đối với những xã thuộc TP.Đồng Hới và huyện Bố Trạch, ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí, các xã thuộc những huyện, thị xã còn lại, ngân sách tỉnh hỗ trợ 60% kinh phí. Ông Nguyễn Quốc Út chia sẻ thêm, trong đợt đầu này, tỉnh đã hỗ trợ 2,7 tỷ đồng cho các xã để triển khai lộ trình xây dựng NTM trong năm 2014.

Đối với 11 xã đang “cận kề” vạch đích NTM, tiêu chí 6 về cơ sở vật chất văn hóa được đánh giá là một trong những “vật cản” lớn nhất, khi mà 9/11 xã vẫn chưa đạt được tiêu chí này. Tổng kinh phí cần thiết để 9 xã thực hiện tiêu chí lên tới 34,2 tỷ đồng, chủ yếu là xây dựng các trung tâm văn hóa-thể thao xã và nâng cấp nhà văn hóa thôn. Đã hoàn thành 16/19 tiêu chí xây dựng NTM, lợi thế lớn của xã Hải Trạch (Bố Trạch) nằm ở sự đồng thuận quyết tâm trong nhân dân, cộng thêm thu nhập đầu người/năm luôn ở mức cao và huy động được nguồn lực xã hội hóa dồi dào, ấy vậy, tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa vẫn khiến chính quyền, người dân nơi đây “đau đầu”.

Theo ông Hồ Thăng Long, Chủ tịch UBND xã Hải Trạch, trong khi cái khó nhất là trung tâm văn hóa-thể thao, sân vận động xã đã được xây dựng xong, thì các nhà văn hóa thôn vẫn chưa thể hoàn thành. Nguyên nhân chính nằm ở nguồn quỹ đất rất hạn hẹp, khiến việc quy hoạch, bố trí địa điểm xây dựng nhà văn hóa ở 4 thôn trở nên nan giải, đặc biệt ở thôn Thượng Hòa. Khá linh hoạt, giải pháp của chính quyền địa phương là cấp nền đất cho thôn, sau đó động viên, tuyên truyền để đổi nền đất với một số hộ dân nhằm bảo đảm diện tích xây dựng nhà văn hóa thôn.

Giải pháp này được thực hiện hiệu quả, nhờ đó trong tháng 5 và tháng 6 tới, 2 nhà văn hóa thôn sẽ được hoàn tất và sẽ tiếp tục khởi công 2 nhà văn hóa thôn khác. Các xã còn lại chủ yếu sử dụng nguồn kinh phí 2,7 tỷ đồng hỗ trợ đầu tiên của tỉnh cho việc xây dựng trung tâm văn hóa-thể thao xã. Đây là nỗ lực lớn của chính quyền và người dân bởi nguồn kinh phí cho hạng mục này khá lớn (xã Đức Ninh cần 5,5 tỷ đồng, xã Thuận Đức cần 6 tỷ đồng, xã Liên Thủy cần 4 tỷ đồng...).

Bên cạnh đó, tiêu chí 17 về môi trường lại mang những nét đặc thù riêng của mỗi địa phương, đòi hỏi sự linh hoạt, chủ động khi bắt tay vào cuộc của chính quyền. Trên thực tế, tiêu chí này tập trung giải quyết các vấn đề về xây dựng nghĩa trang xã, các bãi tập kết rác; xây mới, nâng cấp công trình nước sạch; mua sắm thiết bị chuyên dụng xử lý rác...

Từ nay đến hết năm 2014, xã Thuận Đức (TP.Đồng Hới) phải hoàn thiện công trình nghĩa trang xã. Ông Nguyễn Duy Văn, Chủ tịch UBND xã Thuận Đức bày tỏ sự lo lắng, bởi không chỉ công trình đòi hỏi nguồn kinh phí lớn (1,5 tỷ đồng xây dựng; hơn 3 tỷ đồng phục vụ công tác giải phóng mặt bằng), mà còn liên quan lớn đến vấn đề tâm linh, đời sống tinh thần của bà con khi quy tập mồ, mả. Tuy vậy, “tin vui” về sự hỗ trợ 50% nguồn vốn từ tỉnh được xem là một “luồng gió mới”, thúc đẩy phong trào xây dựng NTM của địa phương. Với khó khăn về vốn, trước mắt, xã kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, bỏ vốn chung sức và sẽ nỗ lực trả dần theo thời gian.

Đối với xã Đức Ninh (TP.Đồng Hới), vẫn còn hơn 3,3km giao thông nội đồng cần cứng hóa và 3,50km kênh mương do xã quản lý cần hoàn thiện.
Đối với xã Đức Ninh (TP.Đồng Hới), vẫn còn hơn 3,3km giao thông nội đồng cần cứng hóa và 3,50km kênh mương do xã quản lý cần hoàn thiện.

Công tác tuyên truyền, thuyết phục nhân dân cũng tiếp tục được xúc tiến triển khai bằng nhiều cách thức sáng tạo. Ông Nguyễn Duy Văn hồ hởi chia sẻ, chắc chắn, nếu không có sự hỗ trợ từ cấp huyện, thành phố, việc đạt xã NTM vào năm 2015 sẽ là nhiệm vụ “bất khả thi” của Thuận Đức, chưa dám nói đến sẽ hoàn tất trong năm 2014.

Đối với các tiêu chí cơ sở hạ tầng “tưởng mới mà lại cũ”, như: giao thông (9/11 xã vẫn còn dang dở), thủy lợi (2/11 xã chưa hoàn tất), vấn đề nan giải chủ yếu nằm ở việc thiếu nguồn vốn. Hiện tại, xã Đức Ninh (TP.Đồng Hới) cần hơn 4 tỷ đồng để cứng hóa 3,30km đường giao thông nội đồng và hoàn thiện 3,50km kênh mương do xã quản lý.

Riêng tiêu chí giao thông, nếu tính theo bình quân, mỗi hộ gia đình đã đóng góp khoảng 9 triệu đồng từ năm 2008 đến 2013. Đây là sự nỗ lực và quyết tâm lớn của chính quyền, người dân một xã thuần nông như Đức Ninh. Ông Trần Xuân Líu, Chủ tịch UBND xã Đức Ninh chia sẻ nỗi lo của bà con sau khi đã cố gắng thực hiện các khoản đóng góp cho đường giao thông, nay lại thêm những khoản đóng góp khác, trong khi nguồn thu của xã từ đất đai cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Sự hỗ trợ kịp thời của tỉnh và thành phố trong năm 2014 được xem là “cơ hội vàng” để Đức Ninh vượt qua khó khăn, kết thúc lộ trình xây dựng NTM. Bên cạnh đó, xã cũng tạo mọi điều kiện cho bà con nông dân khi tham gia đóng góp vốn đối ứng, chẳng hạn như với tiêu chí về thủy lợi, bà con có thể nộp tiền hoặc thóc tùy theo khả năng của mình.

Từ nay đến hết năm 2014, 11 xã đã cam kết hoàn thành lộ trình xây dựng NTM trong năm nay sẽ phải có những “cú bứt phá”, tăng tốc ngoạn mục để có thể “cán đích” thành công. Mỗi xã có một cách thức, hướng đi và giải pháp tháo gỡ khó khăn riêng, tùy thuộc đặc thù của địa phương, nhưng chung quy lại, điểm mấu chốt vẫn chính là sự đoàn kết, đồng lòng nhất trí, quyết tâm từ chính quyền đến mỗi một người dân, kèm theo đó là sự hỗ trợ đúng hướng, tích cực từ cấp tỉnh, huyện trên mọi phương diện.

Trên cơ sở đó, theo ông Nguyễn Quốc Út, Văn phòng điều phối đang tiếp tục rà soát để lựa chọn 15 xã sẽ cam kết đạt xã nông thôn mới trong năm 2015, nhằm bảo đảm đến hết năm 2015, tỉnh ta sẽ có ít nhất 20% số xã đạt NTM.

Mai Nhân