.

Kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi: Nhìn từ khâu giống

Thứ Tư, 21/05/2014, 09:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong chăn nuôi, giống là khâu then chốt quyết định phần lớn đến năng suất và hiệu quả. Tuy nhiên, sản xuất giống trên địa bàn tỉnh ta chưa đáp ứng đủ yêu cầu, công tác kiểm soát giống trôi nổi trên địa bàn do đó đang là thách thức lớn đối với cơ quan chức năng trong quá trình kiểm soát dịch bệnh…

Vẫn còn những lỗ hổng

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta hầu như chưa có cơ sở giống gia súc, gia cầm nào công bố đạt tiêu chuẩn giống cơ sở. Trong khi đó số cơ sở nuôi gia súc, gia cầm giống trong nông hộ và các cơ sở ấp trứng gia cầm nhỏ lẻ lại không đăng ký, khai báo với cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương.

Ở các cơ sở sản xuất giống gia cầm này, mọi người, mọi thành phần đều tham gia sản xuất con giống một cách thiếu quy hoạch; việc kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm giống đối với các cơ sở này do đó chưa được thường xuyên. Tại nhiều địa phương, việc thiếu giống đã dẫn đến tình trạng người dân tự sản xuất con giống hoặc tự mua giống trôi nổi trên thị trường để chăn nuôi. Nguồn giống này thường không bảo đảm chất lượng, không an toàn; đây chính là hiểm họa lây nhiễm dịch bệnh.

Chị Võ Thị Chín (phường Bắc Nghĩa, Đồng Hới) chia sẻ: Mỗi khi có nhu cầu tái tạo đàn lợn nuôi của gia đình, chị thường tìm đến những hộ có nuôi lợn nái quanh vùng để tìm mua giống; hễ thấy giống lợn “đẹp”, dài đòn, ngang ăn là mua về nuôi. Cũng đôi ba lần lợn giống chưa kịp nuôi đã chết nhưng do chăn nuôi mang tính nhỏ lẻ nên chị cũng không mấy quan tâm đến chuyện giống đó đã qua kiểm dịch hay chưa.

Theo số liệu báo cáo từ Chi cục Thú y tỉnh về việc giám sát nhập động vật, tính từ cuối năm 2013 đến đầu tháng 5-2014 đã có 2.543 con lợn, 236.700 con gia cầm dùng để chăn nuôi được nhập vào địa bàn tỉnh ta. Tuy nhiên từ nhiều năm nay, thường chỉ có những trang trại, gia trại lớn mới quan tâm đến chất lượng giống và khép kín quy trình sản xuất, còn những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì không mấy quan tâm đến vấn đề này. Điều này khiến cơ quan chức năng rất khó kiểm soát bởi dịch bệnh thường bùng phát và lây lan ở phương thức chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, thiếu sự chăm sóc, quản lý từ cơ quan chuyên môn.

Để chăn nuôi phát triển bền vững thì việc sản xuất và cung ứng con giống bảo đảm chất lượng có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Để chăn nuôi phát triển bền vững thì việc sản xuất và cung ứng con giống bảo đảm chất lượng có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Bên cạnh đó, thực trạng tỉ lệ tiêm phòng định kỳ tại các hộ chăn nuôi  gia trại và nhỏ lẻ đạt thấp đã kéo dài từ nhiều năm nay.

Báo cáo kết quả tiến độ tiêm phòng đợt I-2014 từ Chi cục Thú y tỉnh cho thấy: tỉ lệ tiêm phòng một số loại vacxin trên địa bàn tỉnh ta như vacxin lở mồm long móng, vacxin tụ huyết trùng trâu bò, vacxin dịch tả lợn chỉ đạt khoảng 51-54%; trong đó huyện Minh Hoá là địa phương có tỉ lệ tiêm phòng định kỳ tại các hộ chăn nuôi thấp nhất trong toàn tỉnh với tỉ lệ tiêm nhiều loại vacxin chưa đến 10%. Nguyên nhân cốt lõi của tình trạng này vẫn là do người chăn nuôi chưa phát huy tinh thần tự giác trong công tác phòng dịch. Thường thì chỉ có ở những trang trại lớn hoặc cơ sở chăn nuôi liên kết mới chủ động tiêm phòng cho đàn vật nuôi; còn những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, gia trại thì chỉ khi không may xảy ra dịch mới nháo nhào gọi thú y về tiêm để được... hưởng hỗ trợ.

Cùng với tỉ lệ tiêm phòng "đì đẹt", việc mua bán gia súc, gia cầm ở chợ còn diễn ra khá đơn giản cũng là lỗ hổng trong việc kiểm soát dịch bệnh. Ông Bùi Văn Lành, đội trưởng Đội quản lý chợ Cộn (phường Bắc Nghĩa, Đồng Hới) cho biết: Riêng đối với gia cầm, do chưa có khu vực giết mổ gia cầm tập trung nên nhiều chủ hộ nhập gà, vịt từ khắp nơi về nhốt chuồng, giết mổ công khai rồi bán luôn tại nhà hoặc đưa hàng ra chợ mà không cần dấu kiểm tra. Mặc dù Ban quản lý chợ đã bố trí riêng khu vực bán gia cầm và động vật sống, song công tác kiểm soát dịch bệnh vẫn còn rất khó khăn.

Để chăn nuôi phát triển bền vững

Để chăn nuôi phát triển bền vững thì việc sản xuất và cung ứng con giống bảo đảm chất lượng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Do vậy, bên cạnh việc phòng, chống dịch, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần làm tốt công tác quản lý nhà nước về con giống, cần có hướng ưu tiên đầu tư để sản xuất đủ về số lượng và bảo đảm về chất lượng con giống cho nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài.

Nên chăng, chúng ta cần tổ chức lại hệ thống chọn lọc, nhân giống và cung ứng giống có năng suất, chất lượng, cung cấp tại chỗ cho sản xuất. Các cơ sở chọn, tạo giống cần phối hợp với các địa phương xây dựng mạng lưới sản xuất và cung ứng đủ giống bố mẹ để sản xuất giống thương phẩm, phục vụ con giống tại chỗ, hạn chế việc mua con giống không rõ nguồn gốc và tình trạng sử dụng giống thương phẩm làm bố mẹ.

Các cơ quan chức năng cần kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các cơ sở ấp nở gia cầm thực hiện các biện pháp an toàn sinh học tối thiểu, cũng như quản lý đàn gia cầm sinh sản trong nông hộ. Đánh giá lại cơ cấu giống gia cầm tại từng địa phương, để từ đó chọn giống gia cầm chủ lực phục vụ con giống cho chăn nuôi nông hộ, cung cấp giống tại chỗ đầy đủ có chất lượng, giá cả hợp lý.

Cùng với đó, công tác kiểm soát buôn bán, giết mổ cần phải được thực hiện mạnh tay từ cơ sở. Theo ông Phạm Hồng Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh thì trong năm 2013, đơn vị đã phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan xử lý 16 vụ vi phạm về kiểm dịch vận chuyển động vật. Trong đó, phối hợp với phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh xử lý 10 trường hợp, tiêu huỷ 42.634 con gia cầm.

Cũng theo ông Phạm Hồng Sơn, để kiểm soát tốt dịch bệnh từ yếu tố con giống, thiết nghĩ các địa phương cần mạnh tay hơn nữa trong việc khoanh vùng khu vực buôn bán giống gia cầm và động vật sống. Cùng với đó, các tổ chức, cá nhân  muốn nhập gia súc, gia cầm về nuôi thông qua các chương trình, dự án đều phải thực hiện nghiêm túc Thông tư số 22/2009/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc kiểm dịch vận chuyển giống vật nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh, có giấy chứng nhận kiểm dịch và khai báo kiểm dịch để được cơ quan thú y hướng dẫn cụ thể về công tác kiểm dịch.

Thanh Hải